(Baothanhhoa.vn) - Chiến thắng Hàm Rồng là “bản hùng ca bất tử” của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đụng đầu giữa “hai thể chế, hai đội quân, hai ý thức hệ chính nghĩa và phi nghĩa” là minh chứng hùng hồn về chiến thắng của chính nghĩa và lương tri thời đại. Để rồi, tinh thần quyết thắng nơi mặt trận Hàm Rồng ngày ấy, sẽ trở thành ngọn lửa tinh thần bất diệt, thành điểm tựa truyền thống đầy tự hào, để xứ Thanh viết tiếp trang sử mới mang tên “tương lai rạng rỡ”!

Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025): Tự hào truyền thống, viết tiếp tương lai!

Chiến thắng Hàm Rồng là “bản hùng ca bất tử” của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đụng đầu giữa “hai thể chế, hai đội quân, hai ý thức hệ chính nghĩa và phi nghĩa” là minh chứng hùng hồn về chiến thắng của chính nghĩa và lương tri thời đại. Để rồi, tinh thần quyết thắng nơi mặt trận Hàm Rồng ngày ấy, sẽ trở thành ngọn lửa tinh thần bất diệt, thành điểm tựa truyền thống đầy tự hào, để xứ Thanh viết tiếp trang sử mới mang tên “tương lai rạng rỡ”!

Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025): Tự hào truyền thống, viết tiếp tương lai!

Cầu Hàm Rồng - cây cầu huyền thoại làm nên chiến thắng lịch sử. Ảnh: Thu Vui

Trong “Những dòng tâm huyết” của Sécgây Aphônhin (Chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô những năm 1975 - 1988), kể về những lần được gặp Bác Hồ, có một chi tiết vô cùng thú vị. Đó là vào tháng 2/1969, ông đến Việt Nam cùng Đoàn đại biểu thanh niên Liên Xô. Đoàn đã đi thăm nhiều thành phố, làng mạc ở phía Bắc Việt Nam, trong đó, có đến thăm và tặng đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng một vỏ đạn và một nắm đất lấy từ thành phố Xtalingrát. Khi được gặp Bác Hồ và kể lại kỷ niệm đó với Người, “Bác Hồ im lặng một chút rồi nói một câu rất cảm động: Hàm Rồng là Xtalingrát nhỏ của Việt Nam”.

“Hàm Rồng là Xtalingrát nhỏ của Việt Nam”. Có lẽ, ai từng tìm hiểu về chiến thắng có tính bước ngoặt của Hồng quân Liên Xô tại Xtalingrát, sẽ hiểu câu nói của Bác Hồ, cũng chính là hiểu được vị trí chiến lược của Hàm Rồng và giá trị to lớn của chiến thắng Hàm Rồng trong cuộc đấu tranh chống phá hoại miền Bắc nói riêng, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung. Cho nên, khi người đứng đầu Nhà Trắng rêu rao “Đã đến lúc người Mỹ phải đánh tan ý chí của những mái đầu bạc Hà Nội và đánh gãy xương sống của quân đội Việt Nam, bằng cách đánh ngay vào chiếc cầu then chốt có tên Hàm Rồng”, thì cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng không đơn thuần bảo vệ một nút giao thông quan trọng, mà đó là cuộc đối đầu định mệnh giữa “hai thể chế, hai đội quân, hai ý thức hệ chính nghĩa và phi nghĩa”. Dẫu không thể sánh với Xtalingrát - chiến dịch phòng ngự được đánh giá là mẫu mực trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố; nhưng việc quân và dân ta đã khiến kế hoạch “Sấm Rền” của Mỹ phải “tắt tiếng”, thì chiến thắng Hàm Rồng cũng có thể được xem là một mẫu mực của chiến tranh Nhân dân, của tinh thần cả nước cùng ra trận.

Để rồi, tròn 6 thập kỷ đã qua đi, nhưng hai chữ “Quyết thắng” được tạc trên sườn núi Cánh Tiên, là lời nhắc nhớ cho những ai từng đi qua cây cầu Hàm Rồng, rằng tiếng súng đã im nhưng quá khứ lịch sử thì không bao giờ bị lãng quên. Và hơn hết, hai chữ “Quyết thắng” không chỉ được tạo tác bằng bàn tay lao động, mà ẩn sâu trong những chữ cái được xếp cạnh nhau ấy, là biết bao máu xương cha ông ta đã đổ xuống mảnh đất này. Cho nên, với điểm tựa tinh thần quyết chiến - quyết thắng Hàm Rồng bất diệt, sẽ không gì có thể trở thành vật cản trên hành trình xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh giàu có, một tỉnh kiểu mẫu như tâm nguyện của Bác Hồ.

Đất nước sau ngày thống nhất ngổn ngang trăm bề. Song, dân tộc Việt Nam quyết không sợ, bởi chúng ta luôn khắc ghi lời Bác căn dặn: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Dù gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, nhất định sẽ xây dựng lại cơ đồ dân tộc trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thanh Hóa - vừa là hậu phương chi viện cho chiến trường miền Nam, vừa là mặt trận chống đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc - càng phải đối diện với không ít khó khăn thời hậu chiến. Thế nhưng, cùng với cả nước, Thanh Hóa đã kiên cường bước vào cuộc trường chinh mới: Công cuộc đổi mới. Để rồi, trải qua gần 40 năm đầy gian nan, thách thức, thành tựu đạt được là hết sức to lớn.

Một dấu ấn nổi bật nhất, góp phần đưa Thanh Hóa từ “top” những tỉnh nghèo vươn lên trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao của cả nước. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2000-2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm luôn đạt 2 con số (trên 10%); giai đoạn 2021-2023 đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước; năm 2024 đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 272.950 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước, gấp 27,4 lần năm 2000...

Trong cơ cấu ngành kinh tế, công nghiệp đang khẳng định vị thế trụ cột. Trong đó, Thanh Hóa đã hình thành Khu Kinh tế Nghi Sơn có tổng diện tích lên đến 106.000ha và là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước. Đồng thời, nhiều cơ sở công nghiệp được hoàn thành đi vào hoạt động, với những cái tên hết sức nổi bật như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thép Nghi Sơn... Đối với nông nghiệp, một thành tựu đáng tự hào đã và đang góp phần khẳng định dấu ấn phát triển của Thanh Hóa, đó là Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh hiện có 15 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; có 377/465 xã đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 548 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đứng thứ 3 cả nước. Đối với dịch vụ, thì cả quy mô và loại hình dịch vụ, chất lượng ngày càng cao; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 7,95%; năm 2023 quy mô thị trường của tỉnh đứng thứ 7 cả nước. Trong đó, hạ tầng và sản phẩm du lịch được quan tâm đầu tư, với nhiều dự án đã đưa vào khai thác. Điển hình phải kể đến như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn; Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Flamingo Hải Tiến; các khu du lịch sinh thái thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông... góp phần đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025): Tự hào truyền thống, viết tiếp tương lai!

TP Thanh Hóa - chứng nhân của “cuộc đụng đầu lịch sử” đang vươn mình mạnh mẽ.

Thêm một dấu ấn thành quả nổi bật, góp phần khẳng định vị thế đang lên của Thanh Hóa là kết quả thu ngân sách Nhà nước. Trong đó, tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 đạt 132.418 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 11,3%. Riêng năm 2024, thu ngân sách đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, thứ 8 cả nước. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2024 đạt trên 548,15 nghìn tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, với nhiều dự án lớn như: Cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông; Đường nối từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam Sông Mã (giai đoạn 1), Đường vành đai phía Tây... Qua đó, không chỉ đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn tăng cường tính kết nối giữa các tỉnh trong khu vực, giữa khu vực Bắc Trung bộ với các tỉnh phía Bắc, khu vực Tây Bắc và cả nước...

Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh (từ năm 2017). Đồng thời, tổ chức đánh giá và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện DDCI (từ năm 2021). Triển khai thí điểm xây dựng và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” ở các xã, phường, thị trấn, với nội dung ký cam kết và thực hiện tốt khẩu hiệu “5 biết”, “3 không” và “4 thể hiện”. Qua đó đã tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tiếp xúc, đối thoại, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh những điểm sáng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có bước chuyển hết sức tích cực. Trong đó, Thanh Hóa vẫn nằm trong top những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục mũi nhọn. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm; toàn tỉnh hiện có 98% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia BHYT đạt 92,5%. An sinh xã hội, thực hiện chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo; giai đoạn 2001-2024, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 1,5% (năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,02%). Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được cải thiện và ngày càng nâng cao. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ.

...

Có thể khẳng định, những kết quả Thanh Hóa đạt được trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới là rất đáng tự hào. Đó là thành quả từ quá trình không ngừng đổi mới tư duy, đề cao trách nhiệm, chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị và trong từng thời kỳ. Đặc biệt, trong quá trình đó, Thanh Hóa đã xác định rõ vai trò, vị trí của tỉnh, của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, chủ động phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương và bạn bè, đối tác trong nước, quốc tế cho phát triển. Ngoài ra, tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để huy động đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Với nền tảng căn bản ấy, kỳ vọng và tin tưởng rằng, từ "mảnh đất rồng ngự” Hàm Rồng, rồi đây rồng thiêng sẽ cất cánh để làm nên những kỳ tích mới, đưa Thanh Hóa mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Tin liên quan:
  • Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025): Tự hào truyền thống, viết tiếp tương lai!
    Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Tự hào truyền thống Nhà máy điện Hàm Rồng, ...

    Hàm Rồng chiến thắng đã làm nức lòng quân dân cả nước, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, điển hình của đường lối chiến tranh Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Trong chiến công ấy, không thể không nhắc đến vai trò của Nhà máy điện Hàm Rồng - trái tim năng lượng của tỉnh Thanh Hóa thời bấy giờ.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]