Vườn cam trĩu quả đang vào vụ thu hoạch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân Thành, mùa cam chín

(THO) - Do đặc trưng thổ nhưỡng cùng với bí quyết chăm sóc riêng của nông dân, đã tạo nên những vườn cam trĩu quả, mọng nước và có vị ngọt riêng của thương hiệu cam Xuân Thành (Thọ Xuân).

Vườn cam trĩu quả đang vào vụ thu hoạch.

Làm giàu từ đồng đất

Đến Xuân Thành vào những ngày này, du khách sẽ được ngắm nhìn những vườn cam bát ngát với chùm quả chín vàng nặng trĩu cành. Cam Xuân Thành đang vào vụ thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Lư, thôn 4, xã Xuân Thành, cho biết: Gia đình bà hiện có gần 1,5 ha cam. Trước đó, nơi đây là diện tích đất trồng lúa. Khi UBND xã có phương án chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, mà chủ yếu là trồng cây cam và bưởi Diễn. Bà đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa của gia đình và mua thêm diện tích của các hộ gia đình khác để trồng cây ăn quả.

Sau 5 năm trồng cam, đến nay, gia đình bà Lư đã thu hoạch được 2 vụ với trung bình mỗi năm từ 15-20 tấn cam/ha. Giá cam đầu vụ từ 30.000-35.000 đồng/kg, vào cuối vụ giá cam thấp hơn, khoảng 20.000-25.000 đồng/kg. Hàng năm, gia đình bà Lư thu nhập đạt khoảng 450 triệu-500 triệu/ha/năm, hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Thu hoạch cam ở Xuân Thành.

Chi phí trồng cam cao hơn so với trồng lúa, thế nhưng cũng cho thu nhập cao hơn. Người dân chỉ mất 1 năm đầu mua cây giống và trồng cây nhưng lại cho thu hoạch tới 15 năm sau. Từ hiệu quả kinh kế mà mô hình này mang lại, khiến nhiều gia đình học làm theo và vươn lên làm giàu. Năm 2011, UBND xã Xuân Thành bắt đầu thực hiện chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi, với diện tích 20 ha, đến nay, toàn xã đã có 66,4 ha. Trong đó, diện tích trồng cam là 41,7 ha (với khoảng 20ha đang cho thu hoạch, còn lại là diện tích cam mới trồng).

Ông Hà Đình Thuần, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, cho biết: Trước đó, địa phương có một số người dân đi làm ăn từ miền Nam trở về quê hương và thực hiện chuyển đổi mô hình làm kinh tế trang trại kết hợp trồng cam. Sau khi thấy các hộ dân trồng cam có hiệu quả, tôi đã đề nghị xây dựng Đề án chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả của địa phương sang trồng cây ăn quả và kết hợp làm trang trại. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ dân đã đăng ký chuyển đổi. Nhờ chuyển đổi mô hình này mà đời sống của người dân ngày càng khấm khá. Trung bình, toàn xã đạt khoảng 400-500 tấn cam/năm với thu nhập từ 12-13 tỷ đồng/năm. Từ chỗ, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của Xuân Thành là 28 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018, đã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Năm 2014, xã Xuân Thành cũng đã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân trực tiếp trồng cây, mô hình chuyển đổi này còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi trên địa bàn với việc làm thuê cho các trang trại, vườn cây ăn quả; tham gia kênh trung chuyển sản phẩm ra thị trường. Nhờ vậy, hộ nghèo trong xã đã giảm từ 6% (năm 2015) xuống còn 1,86% (năm 2018).

Xây dựng thương hiệu từ mỗi người dân

“Ai đã từng ăn cam Xuân Thành sẽ nhận ra vị khác biệt của cam được trồng trên vùng đất này. Cam Xuân Thành mỏng vỏ, mọng nước, có vị thơm, ngọt đậm đà. Đặc biệt, nông dân Xuân Thành đang thực hiện quy trình chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGap để mang đến cho người tiêu dùng những quả cam sạch” – Anh Nguyễn Trí Tám (xã Xuân Thành), tự hào khẳng định.

Là một trong những hộ có diện tích trồng cây ăn quả nhiều nhất xã Xuân Thành, trang trại của gia đình anh Nguyễn Trí Tám có hơn 8ha cam, bưởi (trong đó, cam khoảng 2,5ha). Hiện gia đình anh Tám phải thuê thêm 15 lao động cố định chăm sóc vườn cam, bưởi cũng như trang trại lợn của gia đình. Còn vào mùa vụ, anh Tám phải thuê thêm hàng chục lao động.

Anh Tám, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tôi không dùng bất kỳ loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu gì mà chỉ thực hiện bón các loại phân hữa cơ tự làm. Khi cam ra hoa và bắt đầu kết trái, tôi nghiền ngô, đậu tương rồi trộn cùng phân lân bón xuống gốc cam để đất tơi xốp, tăng chất dinh dưỡng cho đất giúp tăng độ thơm, ngọt của cam. Cam của gia đình tôi luôn được thương lái đến lấy tại vườn và bán hết ngay khi đầu vụ. Mỗi năm, tôi thu hoạch được từ 50-60 tấn cam với thu nhập khoảng gần 2 tỷ đồng.

Cũng theo người dân trồng cam ở xã Xuân Thành, bên cạnh đặc điểm thổ nhưỡng thì cách chăm sóc cũng rất quan trọng, quyết định vị ngon cho từng loại nông sản. Những người nông dân ở Xuân Thành có bí quyết chăm sóc những gốc cam khiến cam nơi đây có vị ngon riêng mà các vùng khác không có được.

Tay vừa cắt những quả cam chín vàng trên cây, bà Lư vừa chia sẻ: Để đảm bảo cam sạch bán ra thị trường cho người tiêu dùng, chúng tôi được kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGat, như: cách bón phân, cách phòng trừ sâu bệnh…; không sử dụng các loại thuốc trừ sâu gây hại cho sức khỏe con người, không dùng các loại thuốc tăng độ ngọt cho quả, thuốc kích thích quả nhanh lớn… Cũng vì vậy mà cam Xuân Thành luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Thường thì cam Xuân Thành cho thu hoạch từ tháng 9 âm lịch đến hết tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch, những hộ gia đình trồng cam nơi đây chỉ bán rộ vào 2 tháng đầu mùa là hết cam.

Ông Hà Đình Thuần cho biết thêm: Hiện nay, toàn xã có 11 hộ dân đang thực hiện sản xuất chăm sóc cây trồng đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy trình VietGap với 22 ha. Tiến tới sẽ có 100% các hộ thực hiện chăm sóc theo quy trình này. Để đảm bảo xây dựng thương hiệu cam Xuân Thành, chính quyền địa phương cùng với huyện Thọ Xuân đang tiến hành làm thủ tục đăng ký thương hiệu cho cam Xuân Thành. Để thương hiệu cam Xuân Thành không chỉ được người dân trong tỉnh biết đến mà còn được người tiêu dùng trong cả nước đón nhận.


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Phan Hoan - 21:13 07/11/19

 Trả lời

Thật tuyệt vời cam nhà A Tám xã Xuân Thành ngon và ngọt, sạch an toàn thực phẩm VietGap

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]