(Baothanhhoa.vn) - Tuy là một nghề bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản, nhưng hiện nay tình trạng khai thác thủy sản bằng nghề đăng đáy ở các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xử lý tình trạng khai thác thủy sản bằng nghề đăng đáy trên các sông

Tuy là một nghề bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản, nhưng hiện nay tình trạng khai thác thủy sản bằng nghề đăng đáy ở các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra.

Xử lý tình trạng khai thác thủy sản bằng nghề đăng đáy trên các sôngMột hàng đăng đáy ngang nhiên lắp đặt giữa sông Lạch Trường (Hoằng Hóa).

Đi dọc sông Mã, từ Cảng Lễ Môn, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) đến cửa Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) có tới 6 hàng đăng đáy được người dân dăng lên để khai thác thủy sản. Tại sông Ghép từ khu vực cầu Ghép đến cửa Lạch Ghép có 6 hàng đáy (trong đó có 4 hàng không có lưới). Từ bến đò Nga Thủy (Nga Sơn) đến cửa Lạch Sung có 5 hàng (trong đó 2 hàng không có lưới)... Ngoài ra, hiện nay tại vùng cửa sông, ven biển vẫn còn nhiều tàu cá, hộ dân khai thác thủy sản bằng nghề lồng xếp (gọi là lưới bát quái, lưới lú), te và nghề đăng. Đây là những nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo các hộ dân sinh sống dọc các dòng sông, thì nghề đăng đáy tận diệt thủy sản, bởi loại ngư cụ này không chỉ bắt cá lớn mà các loại cá bé cũng bị bắt. Nghề đăng đáy này thường được người dân lắp đặt giữa lòng sông không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt mà còn gây ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, cản trở giao thông đường thủy nội địa...

Để ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản vi phạm trên, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa” và phấn đấu giảm hơn 90% nghề đăng đáy khai thác thủy sản tại các vùng cửa sông. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản đã tích cực triển khai các biện pháp tăng cường quản lý khai thác thủy sản tại khu vực cửa sông và vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố ven biển và TP Thanh Hóa tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá, hộ khai thác thủy sản bằng nghề đăng đáy, lồng xếp (lưới bát quái, lưới lú), lưới kéo, te... tại vùng cửa sông, ven biển chấm dứt hoạt động khai thác, tự giác tháo dỡ các ngư cụ vi phạm và chuyển đổi sang các nghề khai thác thủy sản thân thiện và đúng quy định. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, phường triển khai thực hiện rà soát, tổng hợp các hộ khai thác bằng nghề đáy, lưới bát quái, lưới kéo tại vùng cửa sông, ven biển; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ, chủ tàu cá tự giác chấm dứt khai thác thủy sản bằng các nghề cấm tại vùng cửa sông, ven biển.

Ông Lê Minh Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng đăng đáy khai thác thủy sản ở các sông, ven biển, đơn vị đang tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ khai thác thủy sản vùng cửa sông, ven biển các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức cho các chủ tàu cá, hộ khai thác thủy sản tại vùng cửa sông, ven biển ký cam kết không sử dụng các nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản. Tiếp tục gặp gỡ, vận động các chủ tàu cá, hộ khai thác thủy sản bằng các nghề cấm chấm dứt hoạt động khai thác và tự giác tháo dỡ các ngư cụ vi phạm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan của tỉnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực các sông, cửa sông, vùng ven biển, nhất là trong thời gian thực hiện “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa”.

Bài và ảnh: Hải Đăng


Bài Và Ảnh: Hải Đăng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]