(Baothanhhoa.vn) - Ngoài khó khăn về vốn dẫn đến sự đầu tư công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất, các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên dẫn đến bấp bênh về đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn khá nhức nhối.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản

Ngoài khó khăn về vốn dẫn đến sự đầu tư công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất, các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên dẫn đến bấp bênh về đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn khá nhức nhối.

Khai thác đá tại Cụm công nghiệp Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc).

Theo kết quả điều tra địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, trên địa bàn tỉnh có 28 loại khoáng sản, chia làm nhiều nhóm; trong đó có khoáng sản nhiên liệu và năng lượng là than đá; nhóm khoáng sản kim loại có sắt, crom, titan, zircon, chì, kẽm, thiếc, đồng, vàng, antimon; nhóm khoáng chất công nghiệp có secpentin, than bùn, cao lanh...; đá quý và đá bán quý có đá đỏ; vật liệu kỹ thuật có thạch anh; nhóm vật liệu xây dựng có đá vôi xi măng, sét xi măng, sét gạch ngói, cát sỏi lòng sông, đá ốp lát, đá xây dựng...

Mặc dù tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh có trữ lượng không lớn nhưng khá đa dạng và phong phú. Vậy nhưng, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản hiện còn tồn tại khá nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả khai thác và chế biến sau khai thác chưa cao. Ngoài khó khăn về vốn dẫn đến sự đầu tư công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất, các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên dẫn đến bấp bênh về đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn khá nhức nhối.

Trong nhóm khoáng sản công nghiệp, quặng cromit và quặng secpentin là 2 loại quặng có trữ lượng đáng kể. Hiện nay, quặng secpentin có 2 đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến là Công ty CP Secpentin và Phân bón Thanh Hóa, Công ty TNHH Hoàng Ngân. Các đơn vị đã đầu tư xưởng nghiền với tổng công suất hơn 150.000 tấn/năm, bảo đảm chất lượng cung cấp cho các nhà máy sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh. Ngược lại, khai thác và chế biến quặng cromit đang phải “đối mặt” với không ít trở ngại. Hiện nay, quặng cromit được cấp phép cho 2 đơn vị khai thác là Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV và Công ty TNHH Cromit Nam Việt. Quặng cromit sau khai thác được chế biến sản xuất ferocrom. Tuy nhiên, các dự án sản xuất ferocrom hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 dự án sản xuất ferocrom, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành của Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV, Công ty TNHH Cromit Nam Việt và Công ty TNHH Ferocrom Thanh Hóa. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá bán bấp bênh. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn nguyên liệu quặng dẫn đến các doanh nghiệp đã dừng sản xuất. Điển hình như Dự án sản xuất ferocrom của Công ty TNHH Cromit Nam Việt tại xã Vân Sơn (Triệu Sơn) có công suất 200.000 tấn/năm, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.497 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 70.000 tấn/năm và đi vào sản xuất từ tháng 1-2011 với tổng vốn đầu tư 399 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất, kinh doanh, đến tháng 6-2012, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất vì lý do công nghệ khiến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Với dự án đầu tư nhà máy sản xuất ferrocrom của Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV. Dự án này được đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ferocrom công suất 20.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 276,5 tỷ đồng đã hoàn thành từ tháng 11-2014. Tuy nhiên, hiện nay, vùng nguyên liệu của công ty là mỏ Cromit Cổ Định đang dừng khai thác do hết thời hạn được cấp phép. Giá bán ferocrom trên thị trường xuống thấp nên đơn vị cũng chưa quan tâm tới việc nhập khẩu quặng. 2 dự án của Công ty TNHH Ferocrom Việt Nam và Công ty CP Khoáng sản Sông Đà Thanh Hóa do thiếu vốn, thời gian đầu tư quá dài nên đang được xem xét thu hồi.

Với nhóm khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mỏ đá, cát, đá vôi được cấp phép. Về cơ bản, các chủ mỏ đã có sự nghiên cứu, đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ mới trong quá trình khai thác như cắt tầng, khai thác từ trên xuống dưới, sử dụng máy cắt dây để khai thác, tận thu đá khối. Tuy nhiên, công nghệ chế biến sau khai thác còn hạn chế, dẫn đến giá trị thành phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, một số cơ sở quy mô nhỏ vẫn còn áp dụng công nghệ lạc hậu, quản lý sản xuất kém dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, chưa bảo đảm an toàn trong sản xuất. Do đó, nếu việc chế biến và khai thác được các nhà đầu tư quan tâm, bảo đảm đúng quy hoạch, biết tận dụng tối đa tài nguyên và sử dụng công nghệ máy móc hiện đại, chế biến sâu sản phẩm sau khi khai thác... thì việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao cấp sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Để nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 15677/UBND-CN ngày 22-12-2017 về việc yêu cầu đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác, chế biến tại các mỏ đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khẩn trương đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị khai thác đồng bộ, hiện đại theo đúng dự án đầu tư khai thác mỏ được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đối với các mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng có tận thu đá khối để sản xuất đá xẻ, yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác mỏ tổ chức khai thác theo đúng dự án đầu tư, thiết kế khai thác mỏ được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại (công nghệ cắt dây) phục vụ hoạt động khai thác đá nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi đá khối sản xuất đá xẻ; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản sau khai thác bảo đảm môi trường và an toàn lao động. Đơn vị nào không đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị nghiền, sàng để sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường theo dự án được duyệt, mà chỉ tập trung khai thác đá khối để sản xuất đá xẻ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định của Nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng trong quá trình tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản các mỏ đá (đá vôi, spilit, ryolit...) làm vật liệu xây dựng thông thường có tận thu đá khối sản xuất đá xẻ, thì yêu cầu nhà đầu tư có cam kết đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để tổ chức khai thác đối với các khu vực có đá khối để sản xuất đá xẻ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản, bảo đảm môi trường và an toàn lao động.

Hiện nay, Sở Công Thương cũng đang chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến khoáng sản công nghiệp tập trung khắc phục khó khăn, cải tạo, hoàn thiện dây chuyền công nghệ khai thác. Bên cạnh đó, nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đối với các dự án sản xuất ferocrom, tỉnh Thanh Hóa cũng đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp đẩy nhanh tiến độ hợp tác dự án chế biến quặng cromit mỏ Cổ Định để đáp ứng đủ nguyên liệu quặng cromit cho các dự án sản xuất ferocrom trên địa bàn tỉnh.


Bài và ảnh: Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]