(Baothanhhoa.vn) - Do số lượng sàn kinh doanh bất động sản và người hành nghề môi giới tăng nhanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm rối ren thị trường bất động sản, khiến dư luận đánh đồng với những người làm bất động sản chuyên nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Siết chặt quản lý nghề môi giới bất động sản

Do số lượng sàn kinh doanh bất động sản và người hành nghề môi giới tăng nhanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm rối ren thị trường bất động sản, khiến dư luận đánh đồng với những người làm bất động sản chuyên nghiệp.

Siết chặt quản lý nghề môi giới bất động sản

Sự tham gia của những người hành nghề môi giới bất động sản đã giúp đẩy nhanh lượng hàng tồn kho trên thị trường, tuy nhiên cũng phát sinh nhiều hệ lụy.

Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong số hơn 300.000 người tham gia hoạt động ở lĩnh vực môi giới bất động sản, chỉ có khoảng 33.000 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề, tương đương 11%. Thực trạng này đáng báo động và lo ngại, khi phần lớn đối tượng những người hành nghề không được trang bị nền tảng kiến thức căn bản phục vụ cho công việc và hoạt động ngoài vòng pháp luật. Thị trường tỉnh Thanh Hóa hiện không nằm ngoài thực trạng chung nói trên.

Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, điều kiện hành nghề môi giới bất động sản được quy định kèm theo những quy định và chế tài cụ thể. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Nếu cá nhân kinh doanh độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, có đăng ký mã số thuế và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh môi giới bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; không lập hợp đồng hoặc hợp đồng môi giới bất động sản không đầy đủ các nội dung chính đã được quy định tại Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản.

Quy định của pháp luật là vậy, tuy nhiên trên thực tế, hoạt động môi giới bất động sản hiện nay đang còn nhiều tồn tại và rất khó quản lý. Trên thị trường tỉnh Thanh Hóa, chưa có thời điểm nào, lượng “cò đất”, “cò nhà” bùng nổ về số lượng và hoạt động “rôm rả” như hiện nay. Chỉ cần một status trên trang facebook cá nhân, nhất là trong những hội nhóm mua bán nhà đất khi có nhu cầu mua, bán, thuê, cho thuê đất, nhà, mặt bằng, hàng trăm comment lập tức thi nhau “nhảy vào” mời chào, môi giới. Tìm hiểu ra, bên cạnh một số ít các sàn giao dịch, nhà môi giới uy tín, có đăng ký kinh doanh hoạt động, có chứng chỉ hành nghề thì phần lớn là những đối tượng “không chuyên”. Từ đủ mọi tầng lớp như: Công chức, viên chức, người lao động tự do... đều tham gia kinh doanh, môi giới bất động sản. Đáng chú ý hiện nay, nhiều sàn giao dịch bất động sản thường tuyển dụng nhân viên là sinh viên mới ra trường, chưa có việc làm. Đối tượng người làm này cũng được “thay máu” thường xuyên, nhằm khai thác tối đa lượng khách hàng và giao dịch mới. Với đối tượng này, việc am hiểu, cập nhật, phân tích thực tại, diễn biến thị trường là ít ỏi khi vốn sống chưa nhiều, lại không được đào tạo bài bản về chuyên ngành bất động sản cùng với trang bị những kiến thức pháp luật kèm theo. Do số lượng sàn kinh doanh bất động sản và người hành nghề môi giới tăng nhanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm rối ren thị trường bất động sản, khiến dư luận đánh đồng với những người làm bất động sản chuyên nghiệp.

Nghiêm trọng hơn, hoạt động thiếu kiến thức và am hiểu quy định của pháp luật khiến không ít nhà môi giới bất động sản trở thành “con bài” cho các sàn giao dịch bất động sản ảo, lừa đảo lợi dụng. Vụ việc gần 40 nạn nhân bị Công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Lam Sơn, địa chỉ tại 44 liền kề 21, khu đô thị mới Đông Sơn, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) lừa đảo với số tiền gần 40 tỷ đồng hiện nay vẫn chưa đến hồi kết. Một nạn nhân trong nhóm cho biết: Công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Lam Sơn đã tuyển dụng nhiều nhân viên môi giới, dẫn khách hàng đi tìm hiểu nhiều mặt bằng trên địa bàn TP Thanh Hóa và quảng cáo có nhiều suất đất “ngoại giao” để lừa đảo chiếm đoạt tới gần 40 tỷ đồng của 40 khách hàng. Trong khi vụ việc đang trong quá trình xử lý, khách hàng đang “đứng ngồi không yên”, nguy cơ mất toàn bộ tài sản thì những “nhà bất động sản” đã từng tư vấn, giới thiệu cho khách hàng sập bẫy của Công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Lam Sơn vẫn tiếp tục đi “hành nghề” ở nhiều dự án và “đầu quân” ở một số sàn giao dịch khác.

Siết chặt quản lý nghề môi giới bất động sản

Hạ tầng dang dở, nhưng một số dự án bất động sản đã được môi giới chào bán công khai.

Đại diện Phòng Quản lý nhà và bất động sản, Sở Xây dựng, cho biết: Hiện nay, việc quản lý nghề môi giới bất động sản vô cùng khó khăn do số lượng sàn giao dịch bất động sản và người hành nghề bất động sản tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện đã có 30 sàn giao dịch bất động sản có thông báo hoạt động về Sở Xây dựng. Hơn nữa, không chỉ có các sàn giao dịch đăng ký trụ sở tại Thanh Hóa, mà nhiều chủ đầu tư còn liên kết, hợp tác với các sàn giao dịch có trụ sở tại Hà Nội hoặc một số tỉnh, thành khác. Các sàn giao dịch này có thể đưa nhân viên môi giới từ trụ sở chính về hoặc tuyển dụng thêm nhân viên tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài môi giới các giao dịch trong dự án hợp tác với các chủ đầu tư đang kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa, các đối tượng này cũng tiếp cận, tham gia môi giới thị trường nhà đất tự do trong tỉnh. Với đối tượng người hành nghề môi giới bất động sản độc lập, rất ít người tự nguyện đăng ký hoạt động. Chế tài xử lý trong vấn đề này cũng không đơn giản.

Để giải quyết những bất cập nêu trên, cần có một số giải pháp đồng bộ cho vấn đề này. Để xây dựng một lực lượng môi giới chuyên nghiệp, lành nghề, cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý cần đẩy mạnh hơn việc đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới, quản lý sàn bất động sản cho các đối tượng hành nghề. Hơn nữa, do bất động sản là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến nhiều quy định tại các bộ luật và các quy định từ các bộ, ngành khác nhau, do đó, người hành nghề cần được thường xuyên cập nhật, bổ sung kịp thời để tránh các rủi ro xảy ra. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Kinh doanh bất động sản cũng cần được thực hiện thường xuyên hơn, giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và ổn định.

Bài và ảnh: Minh Hằng


Bài Và Ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]