(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân này là năm thứ 3 liên tiếp, Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn đón  những chuyến tàu container từ khắp năm châu về với xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sắc xuân trên những vùng kinh tế động lực

Sắc xuân trên những vùng kinh tế động lực

Cảng Hàng không Thọ Xuân.

Mùa xuân này là năm thứ 3 liên tiếp, Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn đón những chuyến tàu container từ khắp năm châu về với xứ Thanh.

Sau 2 năm được ghi danh trên bản đồ cảng container quốc tế, 66 lượt tàu đã xuất nhập cảnh qua đây, tương đương hơn 17.000 TEU hàng hóa. Ông Phan Đào Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gang thép Nghi Sơn – đơn vị vận hành Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, cho biết: Thông qua những chuyến tàu container của Tập đoàn CMA - CMG (Pháp), hàng hóa từ Cảng Nghi Sơn đã được vận chuyển đến 86 cảng của 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình cũng chuyển hướng xuất khẩu qua cảng này và hứa hẹn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Sắc xuân trên những vùng kinh tế động lực

Thu hoạch sản phẩm rau quả công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao Lam Sơn.

Nghi Sơn - địa danh được mệnh danh là vùng đất “sơn kỳ, thủy tú”. Chắt chiu tinh hoa từ bao nhiêu hoài bão và ý tưởng, cùng hàng triệu ngày công lao động đã đổ xuống, mảnh đất với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” nay đã bừng sáng sắc xuân. Cùng với hàng chục sản phẩm công nghiệp mới, giá trị cao từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy dầu ăn Nghi Sơn, Nhà máy thép Nghi Sơn... là khí thế lao động rầm rập ngày đêm trên những công trình đang trong giai đoạn gấp rút cho hoàn thiện. Tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, nhà thầu chính đang chuẩn bị cho đốt lửa lần đầu bằng dầu trong quý I-2021 và đưa toàn bộ tổ máy đi vào vận hành trong năm 2022. Dự án công suất 1.230 MW, tổng vốn đầu tư của 2,793 tỷ USD này đi vào hoạt động, sẽ chính thức đưa Nghi Sơn - Thanh Hóa trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng của khu vực miền Bắc Việt Nam.

630 dự án, với gần 156.500 tỷ đồng và 13,447 tỷ USD là những con số về dự án được đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Những dự án này phần lớn được hiện diện tại 4 vùng kinh tế động lực - có tính chất đầu kéo trong lộ trình phát triển của tỉnh Thanh.

Sắc xuân trên những vùng kinh tế động lực

Quần thể sinh thái nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn.

TP Thanh Hóa những ngày vào xuân, những con đường tràn ngập sắc hoa và lấp lánh sắc màu. Ai đi xa, có lẽ sẽ khó tưởng tượng được sự đổi thay đến diệu kỳ của một đô thị có sức trỗi dậy thật mạnh mẽ. Những tuyến đường mới thênh thang, những tòa nhà cao tầng, những khu đô thị mới sầm uất, hiện đại và náo nhiệt, là những minh chứng hùng hồn cho tốc độ phát triển kinh tế của nơi này. Cùng với TP Thanh Hóa, đô thị du lịch biển Sầm Sơn đã kết nối 2 địa danh thành liên đô thị - động lực hạt nhân trong sự phát triển của tỉnh nhà.

Đô thị du lịch biển này, sau sự hiện diện của quần thể du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, khiến nơi đây sở hữu hệ thống hạ tầng du lịch hàng đầu ở miền Bắc, một “siêu dự án” hơn 1 tỷ USD nữa cũng vừa được khởi công - tổ hợp dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của Tập đoàn Sun Group. Theo đại diện chủ đầu tư, tổ hợp các dự án này sẽ góp phần định vị không gian phát triển mới cho TP Sầm Sơn, với các hành lang quy hoạch đô thị đã được phê duyệt như hành lang lễ hội, hành lang sông... đưa Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia, giúp thỏa “cơn khát” trải nghiệm hoạt động vui chơi giải trí cho người dân địa phương cùng du khách trong nước và quốc tế.

Giai đoạn vừa qua, cũng được gọi là thành công của Bỉm Sơn, khi thị xã đón nhận thêm nhiều dự án đầu tư có quy mô và triển vọng. Vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ đang được xác định là những “lực hút” mạnh mẽ đối với vùng đất công nghiệp truyền thống nơi địa đầu cực Bắc của tỉnh. Ông Phạm Nhật Tân, Trưởng Văn phòng đại diện Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tại Bỉm Sơn, cho biết: 80% hạ tầng kỹ thuật tại đây đã được đầu tư đến tận chân hàng rào dự án. Các nhà đầu tư lớn trong năm nay như Tập đoàn INTCO (Singapore), Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial của Công ty TNHH lốp COPO Việt Nam... đang rốt ráo với các thủ tục để sớm xây dựng dự án tại khu công nghiệp.

Với vai trò động lực phía Tây của tỉnh, lại có Cảng Hàng không Thọ Xuân, động lực kinh tế Lam Sơn - Sao Vàng đang trong lộ trình được “ưu ái” với nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh. Sau tuyến đường kết nối Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng vừa khởi công tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân - kết nối vùng kinh tế này với những điểm đầu năng động nhất của tỉnh Thanh. Ngoài hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng đang được đầu tư, sẵn sàng chào đón những dự án công nghiệp công nghệ cao, nơi này còn được quy hoạch phát triển là 1 trong 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, với những sản phẩm nông nghiệp hướng đến xuất khẩu.

Từ lợi thế, tiềm năng của 4 vùng kinh tế động lực, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục quan tâm, đưa 4 vùng kinh tế động lực này thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong tương lai.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]