(Baothanhhoa.vn) - Xử lý rác thải đã trở thành vấn đề nan giải ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh những năm gần đây. Tình trạng ô nhiễm môi trường do xả rác bừa bãi cũng như chưa có hướng xử lý rác triệt để càng trở nên phổ biến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quy hoạch xử lý rác thải - việc làm cho phát triển bền vững

Quy hoạch xử lý rác thải - việc làm cho phát triển bền vững

Khu quy hoạch xử lý rác thải của huyện Nga Sơn tại một thung lũng 3 bên là núi thuộc xã Nga Giáp.

Xử lý rác thải đã trở thành vấn đề nan giải ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh những năm gần đây. Tình trạng ô nhiễm môi trường do xả rác bừa bãi cũng như chưa có hướng xử lý rác triệt để càng trở nên phổ biến.

Do đó, việc quy hoạch mạng lưới xử lý rác thải, tính toán lượng rác của từng vùng trong tương lai để có hướng xử lý sẽ có ý nghĩa quan trọng cho phát triển bền vững.

Từ tháng 6-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo quy hoạch này, toàn tỉnh có 5 khu xử lý rác thải lớn và 75 khu xử lý rác thải tại các huyện. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội kéo theo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao nên lượng rác thải càng lớn và đa dạng về chủng loại. Khối lượng rác thải trên thực tế đã vượt xa so với dự kiến của quy hoạch cũ khiến công tác xử lý bị quá tải. Đơn cử như TP Thanh Hóa, trong quy hoạch cũ thì đến năm 2020 sẽ thải khoảng 350 tấn rác/ngày đêm, nhưng đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày đêm, thành phố đã thải ra gần 400 tấn rác thải. Mặt khác, công nghệ xử lý rác ở nhiều nơi đã lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp và đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường. Có thể bắt gặp tình trạng xả rác thải tràn lan ở khắp nơi, việc thu gom và xử lý rác trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều bất cập. Thực tiễn yêu cầu cần phải có đánh giá tương đối chính xác lượng rác thải trong từng giai đoạn, từ đó mới có các giải pháp xử lý phù hợp.

Sớm đánh giá được tầm quan trọng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát thực trạng xử lý rác thải, có những phân tích để lập quy hoạch hệ thống xử lý rác trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong 5 khu xử lý rác thải trọng điểm của tỉnh được quy hoạch từ trước, đến nay chỉ có 2 khu đi vào hoạt động hiệu quả. Trong đó, khu xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn) để xử lý rác cho toàn bộ TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận. Khu xử lý rác tại xã Trường Lâm (Tĩnh Gia) xử lý rác cho toàn bộ Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia và một số vùng phụ cận. Với 3 khu xử lý rác trọng điểm còn lại, thì có 2 khu được quy hoạch tại xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) và xã Xuân Phú (Thọ Xuân) nhưng chưa kêu gọi được nhà đầu tư nên chưa được triển khai. Khu còn lại quy hoạch tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) đã kêu gọi được một nhà đầu tư từ Trung Quốc nhưng công ty này nhiều lần xin điều chỉnh quy mô, xin gia hạn và đến nay cũng khất lần chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác. Trong 75 khu xử lý rác tập trung tại các huyện, đến nay có 42 khu đang hoạt động (26 lò đốt và 16 khu chôn lấp), nhưng chỉ 25 khu còn phù hợp với những yêu cầu hiện tại, trong đó có vị trí phù hợp với các xã được thu gom, các quy chuẩn về môi trường.

Từ những bất cập trong quy hoạch xử lý rác thải những giai đoạn trước, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có đánh giá, phân tích cụ thể hơn để có “chiến lược” về xử lý rác. Theo đó, dự báo đến năm 2025, dân số sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng hơn 3,78 triệu người, đến năm 2045 khoảng gần 5,42 triệu người; từ đó đưa ra dự báo rác thải phát sinh của tỉnh đến năm 2025 khoảng 3.541 tấn/ngày và đến năm 2045 khoảng hơn 5.535 tấn rác/ngày. Cùng với đó là những đánh giá và phân tích thiên hướng phát triển của các khu công nghiệp, các nhà máy, hoạt động nông nghiệp thải ra rác cần xử lý, khả năng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng... Từ đó, có những phương án và giải pháp mang tính căn cơ hơn. Trong những giai đoạn tới, tạm thời dừng việc xây dựng 2 khu xử lý trọng điểm đã được quy hoạch trong các giai đoạn trước tại hai xã Xuân Phú và Cẩm Châu bởi quá xa so với nhiều xã trong vùng dự định được thu gom rác. Thay vào đó, là tăng cường các khu xử lý rác thải trung bình tại các cụm xã, nhưng đầu tư công nghệ đốt và xử lý theo hướng hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ nay đến năm 2025, sẽ dần cho dừng hoạt động 22 lò đốt có công suất nhỏ và 11 bãi chôn lấp rác thải gây ô nhiễm, chưa phù hợp về công nghệ cũng như vị trí địa lý. Việc xử lý rác thải được phân vùng liên huyện để tiện thu gom, vận chuyển và xử lý. Riêng các huyện miền núi cao gồm Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Bá Thước, do địa hình quá rộng và đồi núi phức tạp không phù hợp với vận chuyển, vẫn cho duy trì các bãi chôn lấp ở những vị trí phù hợp; từ sau năm 2025 trở đi mới kêu gọi đầu tư các lò đốt hoặc công nghệ hỗn hợp. Ngoài các khu xử lý rác thải lớn tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và xã Đông Nam (Đông Sơn), tỉnh sẽ có khu xử lý rác thải hiện đại quy mô lớn tại xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) để xử lý rác cho toàn bộ TP Sầm Sơn, các xã lân cận thuộc huyện Quảng Xương.

Những định hướng về công nghệ xử lý, phương án huy động vốn và kêu gọi đầu tư, phương án thu gom và vận chuyển... cũng đã được vạch rõ trong quy hoạch. Tất cả hướng đến mục tiêu chung là rác thải được tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp; hạn chế tối đa lượng rác thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, hạn chế ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt khâu thu gom và xử lý rác thải, thậm chí biến rác thải thành nhiên liệu sản xuất xi măng, điện năng, sẽ là điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững của tỉnh.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]