(Baothanhhoa.vn) - Biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) không chỉ đẹp với bờ biển thơ mộng mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm truyền thống nổi tiếng, trong đó phải kể đến nước mắm Khúc Phụ. Nghề chế biến nước mắm đã và đang trở thành nghề chính của người dân 2 thôn Bắc Sơn và Hợp Tân (Hoằng Phụ), đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển thương hiệu nước mắm Khúc Phụ

Biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) không chỉ đẹp với bờ biển thơ mộng mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm truyền thống nổi tiếng, trong đó phải kể đến nước mắm Khúc Phụ. Nghề chế biến nước mắm đã và đang trở thành nghề chính của người dân 2 thôn Bắc Sơn và Hợp Tân (Hoằng Phụ), đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương.

Phát triển thương hiệu nước mắm Khúc Phụ

Chị Nguyễn Thị Yến, thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ kiểm tra chất lượng nước mắm trước khi đóng chai.

Mới đặt chân đến đầu thôn Hợp Tân, đã cảm nhận được mùi nước mắm thoang thoảng, thơm ngọt vị biển. Người dân không nhớ rõ về nguồn gốc cái tên nước mắm Khúc Phụ, chỉ nghe những bậc cao niên trong vùng kể lại nghề làm nước mắm Khúc Phụ ra đời từ cuối thế kỷ XVII do ông Cao Văn Điển, quê ở Hà Tĩnh truyền tới. Sau nhiều lần ra, vào bán nước mắm ở đây, nhận thấy vùng biển này có nguồn cá dồi dào, làm ra nước mắm ngon, ông liền đưa cả gia đình đến Khúc Phụ để muối cá, làm nước mắm. Sản phẩm nước mắm Khúc Phụ chủ yếu được sản xuất từ cá cơm, cá nục, cá trích tươi ngon nhất. Muối sử dụng cũng phải là loại muối sạch, khô, được cất giữ một thời gian ở nơi khô ráo để hết vị chát. Mắm được muối theo phương pháp thủ công, phơi nắng và đảo chượp. Quá trình phân rã cá tự nhiên cũng phải mất thời gian từ 12 tháng trở lên, tùy thuộc vào từng loại cá. Khi cá đã ngấu thành chượp, phải đánh “chao đảo” liên tục, nhất là những ngày trời nắng đẹp; rồi rút nỏ, qua hệ thống lọc lấy mắm cốt. Nước mắm cốt phải trong veo, màu nâu cánh gián, có mùi thơm ngọt của đạm... Những ai đã từng thưởng thức nước mắm Khúc Phụ chắc chắn không thể nào quên vị và hương thơm đặc trưng của nó. Nước mắm có vị mặn ngọt, rất đằm, hương thơm nồng đậm, khi gia giảm chế biến các món ăn thì dậy mùi thơm đặc trưng.

Chị Nguyễn Thị Yến, chủ cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền Yến Phương, cho biết: Gia đình chị đã có truyền thống 3 đời làm nghề chế biến nước mắm. Gia đình có 6 anh chị em, thì có 4 người tiếp nối truyền thống gia đình. Phương pháp muối mắm của gia đình vẫn theo cách truyền thống mà cha ông truyền lại, đó là cá được muối theo tỷ lệ “3 cá, 1 muối”, phương pháp thủ công, phơi nắng và đánh, khuấy, đảo chượp, nên màu mắm đẹp, sáng hơn so với hình thức nén, ép. Thời gian muối 24-36 tháng, trải qua nhiều công đoạn, từ phương pháp muối cá, đến quá trình đánh, đảo chượp, phơi nắng mới có thể cho “ra lò” những giọt mắm thơm ngon, chất lượng.

Gia đình chị Yến có 3 cơ sở sản xuất ở xã Hoằng Phụ, tạo việc làm cho 4-5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ mỗi khi vào mùa muối cá mới. Không chỉ là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng, mà nước mắm của gia đình chị còn được Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Hmart phân phối ra thị trường.

Khẳng định thương hiệu của một sản phẩm truyền thống từ chính chất lượng sản phẩm. Có lẽ vì thế, sản phẩm nước mắm Khúc Phụ hiện được tiêu thụ chủ yếu qua các bạn hàng quen biết, giới thiệu cho nhau làm quà bởi họ tin tưởng vào chất lượng của mặt hàng này. Năm 2015, nước mắm Khúc Phụ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp logo và chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch. Với sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa, thương hiệu nước mắm Khúc Phụ đã lan tỏa khắp các vùng, nhu cầu cũng như thị trường tiêu thụ được mở rộng rất nhiều.

Ông Nguyễn Minh Quyết, Giám đốc HTX nước mắm Khúc Phụ, phấn khởi: Hiện nay, nghề làm nước mắm Khúc Phụ được khôi phục và phát triển, trở thành nghề chính của người dân nơi đây với sản lượng ngày càng tăng. HTX hiện đã có 35 hộ thành viên tham gia. Các sản phẩm của các cơ sở sản xuất thuộc HTX đều có nhãn hàng trên từng chai nước mắm. Hiện có khoảng 50 hộ chế biến nước mắm đã có đơn tham gia vào HTX.

Để khẳng định thương hiệu nước mắm Khúc Phụ, duy trì và bảo đảm chất lượng nước mắm truyền thống từ lâu đời, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ trăn trở: Thương hiệu nước mắm Khúc Phụ là thương hiệu chung của người dân xã Hoằng Phụ, do vậy, để giữ gìn và phát triển thương hiệu, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo HTX nước mắm Khúc Phụ, các hộ chế biến, người dân nâng cao nhận thức, bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như phát triển làng nghề truyền thống địa phương. Cái hay của làng nghề Khúc Phụ là các hộ chế biến tự quản lý, giám sát nhau về chất lượng sản phẩm cũng như hợp tác, chia sẻ khách hàng tiêu thụ sản phẩm.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]