(Baothanhhoa.vn) - Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ cho các chương trình, dự án hơn 13.809 tỷ đồng. Cùng với việc giao kế hoạch vốn chi tiết sớm cho các chủ đầu tư, năm 2022 tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, với mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tín hiệu tích cực (Bài 2): Giải pháp bảo đảm tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ cho các chương trình, dự án hơn 13.809 tỷ đồng. Cùng với việc giao kế hoạch vốn chi tiết sớm cho các chủ đầu tư, năm 2022 tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, với mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tín hiệu tích cực (Bài 2): Giải pháp bảo đảm tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công

Thi công cầu Lạch Trường thuộc dự án đường bộ ven biển qua huyện Hoằng Hóa.

Theo đó, từ đầu năm đến nay Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 21 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Đồng thời, tổ chức các hội nghị chuyên đề để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Đến hết tháng 9-2022, giá trị khối lượng thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 5.440 tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch giao chi tiết; giải ngân đạt 6.366 tỷ đồng, bằng 56,2% kế hoạch. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, hiện Thanh Hóa đang đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, cao hơn 8,4% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (46,7%). Một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân nhanh so với kế hoạch giao chi tiết, như đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 89,3%, đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất 77,6%, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước 63,5%.

Tuy nhiên, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 vẫn chưa đạt kỳ vọng và thấp hơn so với cùng kỳ. Trong 87 chủ đầu tư, có tới 39 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả tỉnh, trong đó có 3 chủ đầu tư chưa có kế hoạch giải ngân. Điển hình như, có 15 chủ đầu tư đến nay mới chỉ giải ngân đạt từ 30% đến dưới 50% kế hoạch, gồm Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Quan Sơn, Hà Trung, Như Xuân, Yên Định, Thạch Thành, Quan Hóa, Lang Chánh và Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng. Có 11 chủ đầu tư mới giải ngân đạt từ 10% đến dưới 30% kế hoạch, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp và 8 huyện, thị xã, thành phố gồm: TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Mường Lát, Thường Xuân. Có 5 chủ đầu tư mới giải ngân dưới 10% kế hoạch, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý Dự án Đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các huyện: Nông Cống, Như Thanh. Đặc biệt, có 3 chủ đầu tư đến ngày 30-9 chưa giải ngân là: Sở Y tế (Dự án Hỗ trợ y học từ xa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với một số bệnh viện địa phương, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức); Sở Giáo dục và Đào tạo (Chương trình giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 (ADB)); Huyện ủy Cẩm Thủy (Dự án trụ sở làm việc Huyện ủy Cẩm Thủy).

Theo giải trình của các chủ đầu tư, tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo nhận định của tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chính vẫn phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan, như: Việc đề xuất nhu cầu vốn chưa sát với thực tế; chậm hoàn thành hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, lựa chọn nhà thầu; năng lực quản lý, tổ chức thực hiện các dự án của các chủ đầu tư còn yếu; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, thiếu quyết liệt, cụ thể trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện các dự án do đơn vị, địa phương mình quản lý; chất lượng đơn vị tư vấn, đơn vị thi công còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về phía khách quan, tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh những tháng đầu năm, nguyên liệu, vật tư khan hiếm và tăng giá, giá xăng dầu biến động bất thường là những nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án, công trình trọng điểm. Bên cạnh đó việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022; quyết định chuyển đổi đất lúa; việc phải bổ sung nhiều thủ tục, hồ sơ liên quan đối với các dự án... cũng tác động không nhỏ đến tiến độ thi công, hoàn thành các dự án.

Điển hình như, với 3 dự án chưa có kế hoạch giải ngân của 3 sở, ngành và huyện, Sở Y tế giải trình số vốn chưa giải ngân là để thanh toán thuế, phí cho phần thực hiện hạng mục thiết bị của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tuy nhiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chưa thực hiện các hạng mục này, nên chưa giải ngân kế hoạch vốn. Dự án Chương trình giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất - giai đoạn 2 chưa giải ngân được do dự án điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%, nên phải điều chỉnh phụ lục hợp đồng; vướng mắc trong việc xác định đơn vị nghiệm thu công trình là Bộ Giáo dục và Đào tạo hay là Sở Xây dựng, dẫn đến tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân vốn còn chậm...

Tỉnh Thanh Hóa xác định công tác triển khai, thi công các dự án đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bởi các dự án này khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng tiến độ sẽ có tác động thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và lan tỏa sức hút đầu tư.

Mới đây, ngày 5-10, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó nêu rõ, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt trên 95% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 100% kế hoạch được HĐND các cấp giao, giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực, các chủ đầu tư phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong thời gian tới.

Cùng với việc nghiêm khắc phê bình 36 chủ đầu tư có kết quả giải ngân vốn 9 tháng năm 2022 đạt dưới mức trung bình của cả tỉnh và 3 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc chậm trễ giải ngân; khẩn trương đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng liên quan đến các dự án đầu tư công, chỉ ra những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai; trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung ngay những quy định thuộc thẩm quyền đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, quản lý; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến triển khai các dự án đầu tư công (từ khâu hình thành dự án, giao vốn, tổ chức thực hiện).

Chỉ thị cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; chủ động rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện các dự án, xây dựng các mốc thời gian hoàn thành từng nội dung, nhiệm vụ để tập trung chỉ đạo, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; yêu cầu nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết tiến độ hoàn thành dự án. Tổ chức nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; ưu tiên giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài sang năm 2022, sau đó mới giải ngân kế hoạch năm 2022; không để xảy ra tình trạng chậm trễ giải ngân vốn hoặc để dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán.

Trước đó, từ tháng 7-2022, để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà thầu về giá vật liệu, UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ngành công bố giá vật liệu hằng tháng thay vì hằng quý như trước đây, làm cơ sở cho các dự án cần điều chỉnh hợp đồng do giá vật liệu, xăng, dầu tăng, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc thi công các dự án, công trình. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, tránh đầu cơ, tránh tình trạng lạm dụng giá xăng dầu tăng; cập nhật kịp thời giá nguyên vật liệu để các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn xây dựng dự toán. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; rà soát, kiên quyết điều chỉnh vốn đối với các dự án tiến độ thực hiện chậm, giải ngân thấp cho dự án có nhu cầu bổ sung vốn để nâng cao tỷ lệ giải ngân của tỉnh.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Tin liên quan:
  • Phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tín hiệu tích cực (Bài 2): Giải pháp bảo đảm tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công
    Phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tín hiệu tích cực ( Bài 1): Những dấu ấn ...

    Những tháng đầu năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]