(Baothanhhoa.vn) - Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động; đồng thời, thu hút đầu tư sản xuất tập trung, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tự phát, tỉnh ta đã quy hoạch và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho các cụm công nghiệp (CCN) ở khu vực miền núi. Tuy nhiên đến nay, tình hình thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các CCN này vẫn đang gặp khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp ở miền núi vẫn gặp khó

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động; đồng thời, thu hút đầu tư sản xuất tập trung, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tự phát, tỉnh ta đã quy hoạch và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho các cụm công nghiệp (CCN) ở khu vực miền núi. Tuy nhiên đến nay, tình hình thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các CCN này vẫn đang gặp khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh.

Phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp ở miền núi vẫn gặp khó

Sản xuất gạch không nung tại Cụm Công nghiệp thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân).

Theo thông tin từ Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn 11 huyện miền núi đã được quy hoạch 21 CCN, với tổng diện tích là 643,7 ha. Theo chính sách đã ban hành, các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN ở khu vực miền núi được UBND tỉnh phê duyệt, chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ ngân sách Trung ương, ngoài được hưởng các chính sách hiện hành còn được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục, như: San lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước; xử lý nước thải, chất thải; cấp điện chiếu sáng công cộng; thông tin liên lạc nội bộ; nhà điều hành; nhà bảo vệ phục vụ cho hoạt động của CCN. Mức hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a, riêng CCN thị trấn Mường Lát được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng/ha, mức hỗ trợ tối đa không quá 40 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/CCN. Tuy nhiên đến nay, trong 21 CCN ở khu vực miền núi đã quy hoạch, mới có 3 CCN đã được thành lập và thu hút được nhà đầu tư hạ tầng là CCN Cẩm Châu (Cẩm Thủy), CCN Hải Long (Như Thanh), CCN Khe Hạ (Thường Xuân).

Phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp ở miền núi vẫn gặp khó

Song, với những CCN đã thu hút được chủ đầu tư hạ tầng, tình hình triển khai dự án cũng khá chậm chạp. Đại diện UBND huyện Như Thanh, chia sẻ: Với lợi thế nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến nông, lâm sản dồi dào, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đến khảo sát địa điểm, tìm hiểu xây dựng nhà máy. Trên địa bàn huyện Như Thanh được quy hoạch 3 CCN là: CCN Xuân Khang, CCN Hải Long và CCN Xuân Du. Năm 2018 đã thu hút được chủ đầu tư hạ tầng CCN Hải Long (diện tích 24,5 ha, tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng Hợp Lực làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau 1 năm được chấp thuận chủ trương, dự án vẫn chưa được giải phóng mặt bằng để triển khai các hạng mục tiếp theo, do đó, tiến độ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến đang bị dừng lại.

Đại diện Phòng Công nghiệp, Sở Công Thương, cho biết: Nguyên nhân khiến các CCN ở khu vực miền núi chưa đủ sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư là do địa bàn xa xôi, làm phát sinh chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm. Mặc dù tỉnh đã có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho các chủ đầu tư hạ tầng ở khu vực miền núi, tuy nhiên, chính sách chỉ được thực hiện khi tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt 30% trở lên, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp có hạn. Việc đề xuất thực hiện cơ chế 2 chủ đầu tư liên kết đầu tư, vận hành CCN lại đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Việc chậm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng tại các CCN ở khu vực miền núi là nguyên nhân khiến công tác đầu tư các cơ sở công nghiệp tại khu vực này còn kém hiệu quả. Các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh phải tự thực hiện san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường, điện, khiến tăng chi phí đầu tư. Không những vậy, việc các doanh nghiệp tự thực hiện đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, công trình xử lý nước thải cũng khiến mặt bằng CCN bị cắt xẻ, việc đầu tư chồng chéo, thiếu đồng bộ và không bảo đảm quy chuẩn. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp thuê đất sản xuất tại các CCN như Xuân Phú (Quan Hóa), CCN Bãi Bùi (Lang Chánh) không ít lần phải đối mặt và bị xử phạt với tình trạng ô nhiễm môi trường.

Để tháo gỡ khó khăn này, hiện nay, Sở Công Thương đang tích cực thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động thu hút các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, xây dựng hạ tầng CCN. Theo đó, sẽ tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch CCN, khẩn trương lập quy hoạch chi tiết CCN; cập nhật, bổ sung nhu cầu sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương để làm động lực khuyến khích, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các huyện miền núi. Tổ chức thực hiện tốt chính sách đã được ban hành tại Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực của các cơ sở dịch vụ công để tạo “lực hút” trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng CCN tại khu vực này.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]