(Baothanhhoa.vn) - Dòng sông Chu ngàn năm hiền hòa, với làn nước trong xanh lững lờ đầy vẻ hữu tình, nhưng đoạn qua xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) đã trở nên đục ngầu, hung dữ. Ngày ngày, hàng trăm lượt tàu thuyền vận chuyển cát qua lại, cắm “vòi bạch tuộc” sục sâu “rút ruột” lòng sông. Diện tích đất bãi canh tác của nhân dân trong xã vẫn đang giảm từng ngày. Nông dân bất lực đứng nhìn những bãi ngô, ruộng dâu đổ sụp xuống sông từng khoảng lớn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo “Bờ xôi ruộng mật” xã Thiệu Nguyên bên “miệng hà bá”

Dòng sông Chu ngàn năm hiền hòa, với làn nước trong xanh lững lờ đầy vẻ hữu tình, nhưng đoạn qua xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) đã trở nên đục ngầu, hung dữ. Ngày ngày, hàng trăm lượt tàu thuyền vận chuyển cát qua lại, cắm “vòi bạch tuộc” sục sâu “rút ruột” lòng sông. Diện tích đất bãi canh tác của nhân dân trong xã vẫn đang giảm từng ngày. Nông dân bất lực đứng nhìn những bãi ngô, ruộng dâu đổ sụp xuống sông từng khoảng lớn...

Nỗi lo “Bờ xôi ruộng mật” xã Thiệu Nguyên bên “miệng hà bá”

Đất bãi sản xuất nông nghiệp tại thôn Nguyên Tiến, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) đang sạt lở nghiêm trọng.

Bờ tả sông Chu đoạn qua thôn Nguyên Thịnh, xã Thiệu Nguyên một ngày cuối năm, đủ loại rau màu, ngô đậu, dâu tằm... vẫn tốt tươi, phủ màu xanh tít tắp. Dù tiết trời se lạnh cũng không ngăn được những bàn tay cần cù chăm bón, nhổ cỏ trên các thân ruộng từ sáng sớm. Phía sông, tiếng máy nổ chát chúa vẫn không ngừng vang lên từ những tàu cát không số hiệu đăng ký, đăng kiểm. Khoảng một giờ đồng hồ có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến hơn chục lượt tàu cát nhộn nhịp qua lại. Xa xa, một nhóm tàu còn túm tụm, cắm vòi hút cát trên sông, thải ra những vệt khói đen xì khiến bầu không khí xung quanh trở nên xám xịt. Tuy đã quá quen thuộc với những hình ảnh này, song người dân địa phương vẫn không thể không bày tỏ nỗi bức xúc.

Hướng đôi mắt buồn về phía triền sông, bà Nguyễn Thị Nhung, 56 tuổi, người thôn Nguyên Thịnh, than phiền: “Nhiều năm nay, chứng kiến cảnh ruộng đồng sạt lở, mất dần mà không khỏi xót xa. Mấy chục năm trước, mép nước sông cách mép nước bây giờ hàng trăm mét, có cả một con đê tạm và dãy tre. Tuy nhiên, sạt lở nhiều nhất là 4 năm gần đây khiến hàng chục gia đình trong thôn mất đất canh tác”. Nhiều người dân địa phương cũng cho biết, chỉ cách đây chừng trên dưới 10 năm, khu vực bãi bồi ven sông này trước kia là bãi trồng dâu rộng lớn, nghề nuôi tằm lấy tơ ở đây phát triển thịnh vượng. Nay bãi cứ dần thu hẹp, nghề truyền thống theo đó cũng mai một dần, người dân chủ yếu chuyển sang trồng ngô gối vụ quanh năm. “Thời điểm các tàu hút cát hoạt động mạnh nhất, hút vào tận các bãi sản xuất, cả thôn hô hào nhau ra ném đá, nhưng không có phương tiện nên chỉ đứng trên bờ nên các đối tượng không sợ. Họ chỉ hút lùi ra phía giữa sông, khi vắng người hoặc đêm tối là hút vào bãi bồi ngay” – bà Nhung cho biết thêm.

Tiếp tục tìm hiểu dọc bãi bồi sông Chu qua xã, chúng tôi đến vùng đất bãi canh tác của thôn Nguyên Tiến. Nơi đây vẫn đang diễn ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, những cung sạt vẫn còn nguyên màu đất mới. Nhiều vết sạt nối nhau chạy dài hàng trăm mét, kéo theo những vạt đậu, hàng ngô tươi xanh mơn mởn xuống dòng nước. Tại một trong những cung sạt sâu nhất, nước sông đã tạo thành “hàm ếch” với chiều cao tới 5 – 6m. Theo người dân, phần chân tại các bãi bồi bị hút quá sâu, nên phần đất canh tác cứ “tự động” ụp xuống từng mảng. Gần bước qua tuổi 71, bà Tống Thị Thanh đang hái dâu gần một điểm sạt, cho biết: Tôi gắn bó với những bãi bồi canh tác ở đây từ nhỏ, quanh năm trồng trọt mưu sinh trên chính triền sông này. Nếu tính chục năm trở lại đây, cả thôn phải mất cả trăm sào đất. Đặc biệt trong 4 – 5 năm gần đây, có nhiều gia đình mất 3 – 4 sào. Do là địa phương ven sông nên bãi bồi chính là đất nông nghiệp cơ bản, được cấp giấy tờ hợp lệ. Mất ruộng, cũng chính là mất đất sản xuất, mất đi hướng mưu sinh chính của nhiều gia đình.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, cho biết: Nếu tính gần 10 năm qua, xã Thiệu Nguyên mất khoảng 100 sào đất canh tác ven sông Chu do sạt lở. Bị sạt lở nhiều và nghiêm trọng nhất thuộc các thôn Nguyên Sơn, Nguyên Thắng, Nguyên Lý... Từ tháng 8 – 2017 đến nay, tình hình khai thác cát vào tận các bãi bồi có đỡ nhiều. Nguyên nhân là sau vụ việc người dân xã Thiệu Đô gần đó ra ngăn cản, rồi xảy ra xô xát với các đối tượng khai thác cát, từ đó chính quyền huyện và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, giai đoạn trước đó, tình hình cực kỳ phức tạp, trong khi cấp xã không đủ phương tiện cũng như thẩm quyền để kiểm soát, truy bắt được tàu thuyền khai thác cát trái phép. Các chủ phương tiện chỉ chờ sơ hở là hút vào bãi canh tác, không cần quan tâm đến vị trí mỏ được quy hoạch. Nhiều lần xã triển khai lực lượng đi xua đuổi tàu cát, thậm chí xử phạt nhưng số tiền cấp xã được phạt chưa đủ sức răn đe. Việc ngăn chặn tình trạng này còn gặp nhiều trở ngại, bởi xã lực lượng mỏng, cũng không thể cưỡng chế phương tiện nếu các đối tượng cố tình không hợp tác.

Được biết, xã Thiệu Nguyên có tới 4km chiều dài sông Chu chạy qua, mà diện tích đất tiếp giáp sông và chủ yếu là các bãi bồi ven sông. “Trên địa bàn xã có 2 mỏ và 1 bãi tập kết cát đã được cấp phép. Lợi dụng điều này, các đối tượng thường xuyên hút ra ngoài khu vực được cấp phép. Gần đây, tình hình chỉ tạm lắng nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Theo đó, nỗi lo vẫn luôn tiềm ẩn” – ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]