(Baothanhhoa.vn) - Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ nông thôn, miền núi là một hướng đi đúng, bảo đảm phát triển các trung tâm cụm xã và xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều chợ tiền tỷ ở khu vực nông thôn, miền núi không phát huy hiệu quả

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ nông thôn, miền núi là một hướng đi đúng, bảo đảm phát triển các trung tâm cụm xã và xây dựng nông thôn mới.

Chợ trung tâm xã Xuân Lộc (Thường Xuân).

Nhiều địa phương trong tỉnh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư xây dựng chợ nông thôn khá khang trang, nhưng rồi lại không có tiểu thương buôn bán. Thậm chí, có chợ đầu tư xây dựng tiền tỷ lại bỏ hoang đã gây bức xúc cho người dân địa phương, lãng phí nguồn lực, tài nguyên.

Chợ Bản, xã Định Long (Yên Định) được đầu tư xây dựng từ năm 2007, nằm ở khu “đất vàng” trung tâm xã với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng, tổng diện tích gần 13.136m2. Khu chợ gồm: Một khu nhà trung tâm 2 tầng kiên cố có diện tích 1.845m2, 2 dãy nhà mái tôn 120m2, có hệ thống tường bao quanh kiên cố, có khu nhà vệ sinh, có cổng chính, cổng phụ ra vào chợ, hệ thống điện nước, phòng cháy, chữa cháy được trang bị đầy đủ... Thế nhưng từ khi hoàn thành đến nay chợ gần như bỏ hoang, bởi tình trạng họp chợ thất thường, không phát huy được hiệu quả. Tìm hiểu qua các hộ tiểu thương được biết, thời gian đầu chợ Bản họp vào các phiên nhất định trong tuần, mỗi tháng họp 6 phiên. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân đã không còn về buôn bán tại chợ nữa, hiện một phần diện tích chợ đang được UBND xã cho một doanh nghiệp thuê làm kho bãi chứa hàng. Hiện chợ Bản cỏ mọc um tùm, có nhiều hạng mục bị gỉ sắt, xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 17-9-2018, UBND xã Định Long đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Yên Định cho chuyển đổi mô hình quản lý chợ; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác để chợ phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều tiểu thương về buôn bán tại chợ.

Không chỉ có chợ Bản, trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có hàng chục chợ đã được đầu tư nguồn vốn khá lớn để nâng cấp, xây dựng mới nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Có công trình vừa xây xong, chưa đưa vào hoạt động thì đã “khai tử”. Chợ trung tâm xã Xuân Lộc được xây dựng tại khu trung tâm xã Vạn Xuân (Thường Xuân) là một điển hình. Khi triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, chợ trung tâm xã Xuân Lộc được kỳ vọng sẽ phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân các xã: Xuân Lộc, Vạn Xuân, Xuân Thắng, Xuân Chinh, Xuân Lẹ. Công trình có nguồn vốn đầu tư hàng tỷ đồng với đầy đủ các hạng mục như: Hệ thống tường bao, cổng ra vào, bên trong là khuôn viên chợ chính có mái che rộng lớn... Tuy nhiên, trải qua mưa gió nhiều năm, công trình không phát huy hiệu quả, không thu hút được người dân vào kinh doanh buôn bán tại chợ dẫn đến bị bỏ hoang. Hiện nay, khu chợ đã trở thành nơi để bà con chăn thả trâu, bò, lợn, gà. Theo lý giải của người dân thì nguyên nhân khiến chợ bỏ hoang ngoài sự yếu kém trong khâu thu hút, kích cầu tiểu thương vào chợ của chính quyền địa phương thì không thể không nhắc tới nguyên nhân của khâu khảo sát vị trí xây dựng chợ không phù hợp với thực tế giao thương hàng hóa.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 440 chợ; dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng mới 255 chợ, nâng cấp 29 chợ, cải tạo và sửa chữa 193 chợ, tổng vốn đầu tư hơn 686 tỷ đồng. Đáng nói trong khi rất nhiều chợ đầu tư tiền tỷ rồi bỏ hoang lãng phí lại có những chợ hoạt động hiệu quả, song hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng không có tiền để sửa sang, nâng cấp.

Để phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống chợ tại khu vực nông thôn, miền núi, Sở Công Thương đã đề nghị chính quyền các địa phương có giải pháp quản lý hoạt động chợ trên địa bàn hiệu quả, tránh lãng phí; thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ để kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, sở cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố phù hợp yêu cầu thực tế của địa phương theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thực hiện các chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư, xây dựng chợ nhằm từng bước thực hiện xã hội hóa trong quản lý, kinh doanh chợ. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, kinh doanh chợ để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác quản lý chợ ở các địa phương.


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]