(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, việc thực hiện và nhân rộng các mô hình khuyến nông đạt hiệu quả kinh tế cao đã và đang làm cơ sở để các địa phương nhân ra diện rộng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ canh tác, thu nhập cho bà con nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng những mô hình khuyến nông đạt hiệu quả kinh tế cao

Nhân rộng những mô hình khuyến nông đạt hiệu quả kinh tế cao

Mô hình trồng lạc sử dụng giống mới kết hợp che phủ nilon được nhân rộng tại xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa.

Những năm qua, việc thực hiện và nhân rộng các mô hình khuyến nông đạt hiệu quả kinh tế cao đã và đang làm cơ sở để các địa phương nhân ra diện rộng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ canh tác, thu nhập cho bà con nông dân.

Xuất phát từ những lợi ích đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố đã chú trọng thực hiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Nga Yên, huyện Nga Sơn là một trong những địa phương có diện tích trồng lạc lớn và có tiềm năng để phát triển cây lạc thành sản phẩm nông nghiệp có giá trị, mang lại thu nhập cao. Cây lạc đã được người dân trong xã trồng từ nhiều năm nay, điều kiện đất đai, khí hậu ở đây phù hợp với cây lạc. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn chưa áp dụng được kỹ thuật trồng cũng như giống lạc mới, nên năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vụ đông xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nga Sơn, UBND xã Nga Yên triển khai thực hiện mô hình sản xuất lạc giống mới trên vùng đất chuyên màu không chủ động nước tưới gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mô hình có quy mô 5,8 ha, thu hút 30 hộ dân trong xã tham gia. Theo đó, mô hình sử dụng giống lạc L29 của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, kết hợp với việc áp dụng biện pháp che phủ nilon. Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% giống, nilon và phân bón; còn lại 50% các hộ đối ứng. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, các hộ còn được dự lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lạc áp dụng biện pháp che phủ nilon, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại; đồng thời, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trong các giai đoạn sinh trưởng phát triển từ trồng đến thu hoạch. Nhờ được tập huấn kiến thức, đưa giống mới và sản xuất kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới che phủ nilon, nên lạc có tỷ lệ mọc mầm cao, giữ ẩm đất, hạn chế cỏ dại, rửa trôi chất dinh dưỡng và phát triển tốt; năng suất đạt trên 2,5 tạ/sào, tương đương 50 tạ/ha, lợi nhuận hơn 80 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 7 - 10 triệu đồng/ha so với diện tích trồng lạc sử dụng giống cũ và canh tác theo phương thức truyền thống.

Thành công của mô hình đã làm cơ sở để bà con nông dân trong xã Nga Yên tiếp tục thực hiện và nhân rộng. Được biết, vụ đông xuân 2021, diện tích trồng lạc được sử dụng giống mới kết hợp với biện pháp che phủ nilon tại xã Nga Yên đã được mở rộng lên 12 ha, tăng 6,2 ha so với vụ đông xuân năm trước.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của diện tích mặt nước trong nuôi trồng thủy sản, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Bình Lương, huyện Như Xuân thực hiện mô hình liên kết các hộ nuôi thâm canh cá rô phi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quy mô của mô hình đạt 0,3 ha, thu hút 5 hộ dân tham gia. Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 70% con giống, thức ăn, được tập huấn kỹ thuật, tham dự các hội nghị, hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình và cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, trao đổi những vấn đề khó khăn thường gặp trong quá trình nuôi với cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, các hộ nuôi yên tâm đầu tư mô hình; đồng thời, chăm sóc, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi đã đề ra nên cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, kích cỡ tương đối đồng đều, trọng lượng mỗi con bình quân từ 1,2 đến 1,5 kg, năng suất bình quân ước khoảng 15 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng/ha/vụ.

Hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại tuy chưa vượt trội, song điều quan trọng nhất là thông qua mô hình nhiều hộ dân đã bước đầu thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận với các biện pháp nuôi trồng thủy sản mới, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Hiện nay, có nhiều mô hình khuyến nông đạt hiệu quả cả về kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện 40 mô hình, tại 71 xã, tổng số gần 10.000 hộ dân được hưởng lợi. Kết quả 100% các mô hình đều đạt và vượt chỉ tiêu các yêu cầu đặt ra, hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 20% so với đại trà, cá biệt một số mô hình hiệu quả tăng từ 30 - 35%. Trên cơ sở đó, những năm qua, đã có hàng trăm mô hình khuyến nông được nhân ra diện rộng, góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh.

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]