Nhiều hộ dân thuộc phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) sinh sống sát mép nước sông Mã, tiềm ẩn nguy hiểm khi có mưa lũ. Ảnh: Lê Đồng

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong giải tỏa các điểm cư dân sinh sống vùng ngoại đê

(THO) - Theo Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, những điểm dân cư sinh sống ở vùng ngoại đê là vi phạm hành lang, cần được giải tỏa hay di dời. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện vấn đề này gặp nhiều khó khăn bởi có sự “vênh nhau” giữa quy định và thực tiễn...

Nhiều hộ dân thuộc phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) sinh sống sát mép nước sông Mã, tiềm ẩn nguy hiểm khi có mưa lũ. Ảnh: Lê Đồng

“Vi phạm” ở mọi nơi, mọi chỗ

Đi dọc các đê lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp những điểm dân cư, khu dân cư vẫn tọa lạc, sinh sống ở phía ngoài đê. Ở nhiều tuyến đê, hiện tượng này còn trở nên phổ biến, thậm chí cả những khu phố hay một góc thị trấn với công trình san sát chạy dọc các triền sông. Trên bờ hữu sông Chu qua địa bàn xã Thiệu Tâm (Thiệu Hóa), “phố” Hậu Hiền với hàng trăm ngôi nhà lớn nhỏ, thậm chí là kiên cố nhiều tầng vẫn tọa lạc. Hàng chục năm qua, cư dân trong vùng vẫn gọi nơi đây là “phố” bởi nó khá sầm uất, là tụ điểm thương mại với hoạt động giao thương nhộn nhịp trong vùng. Tương tự, thôn Quảng Ích thuộc phố Đầm của xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) cũng nằm trên triền sông Chu, gần đây có hiện tượng sạt lở đến sát các công trình của một số gia đình khiến cư dân nơi đây có phần bất an.

Hai bên bờ sông Mã qua địa bàn tỉnh, khó có thể thống kê có bao nhiêu ngôi nhà, công trình nằm phía ngoài đê, thậm chí trong hành lang thoát lũ ven đê. TP Thanh Hóa là địa phương được coi là có nhiều khu dân cư sống ngoại đê nhất. Địa phương đông dân này có 2 dòng sông Mã và sông Tào Xuyên chảy qua địa bàn, có diễn biến phức tạp vào mùa mưa lũ. Tại phường Nam Ngạn, cả khu phố Tiền Phong nằm treo leo ở triền sông Mã. Tiếp đó, nhiều khu dân cư của các phường Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Phú... cũng sinh sống sát mép nước. Phía bên bờ tả, từ xã Hoằng Long đến xã Hoằng Quang, rải rác nhiều gia đình sinh sống vùng ngoại đê. Thống kê từ Hạt Quản lý đê TP Thanh Hóa, đơn vị có 14 xã, phường ven sông, nhưng chỉ phường Hàm Rồng và xã Hoằng Đại là không có vi phạm hành lang đê. Những khu dân cư sinh sống ngoài bãi sông, vùng ngoại đê cơ bản là tồn đọng từ trước năm 2013.

Trên địa bàn toàn tỉnh, thống kê sơ bộ từ các cơ quan liên quan cho thấy, hiện có gần 5.000 hộ dân với gần 15.000 công trình xây dựng và nhà ở các loại nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều.

“Rào cản” từ chính thực tiễn

Có thể khẳng định, việc quy định không để cư dân sống ở phía ngoài đê, vùng bãi sông của Luật Đê điều là hướng đến sự an toàn của các tuyến đê cũng như tài sản và tính mạng cho nhân dân. Hơn nữa, sẽ giải phóng hành lang thoát lũ được thông thoáng hơn trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, đa phần các khu dân cư ngoại đê lại tồn tại và sinh sống từ trước khi Luật Đê điều có hiệu lực. Nhiều trường hợp xây nhà ở, công trình phía ngoài đê là do cơi nới trái phép nên các địa phương và ngành liên quan có thể cưỡng chế di dời. Song, đa phần cư dân sinh sống ở những địa điểm này lại có đất ở hợp pháp theo Luật Đất đai hiện hành. Có nghĩa, nhiều hộ dân vẫn có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), thậm chí đất ấy có từ những đời trước, cha truyền con nối sinh sống đến tận ngày nay.

Khảo sát tại xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa), địa phương hiện có 34 hộ dân với 179 nhân khẩu tập trung ở các thôn 4 và 5 vẫn đang sinh sống ở vùng ngoại đê tả sông Mã. Dẫu biết rằng, những hộ này đang ở trong khu vực được cho là nguy hiểm, bởi khi nước sông lên mức báo động 3 là bị ngập lụt đến tận sàn nhà, nhưng đa phần những hộ này đã có “sổ đỏ”, sinh sống ở đây từ những năm 1981 đến năm 1985 – khi Luật Đê điều chưa có. Kinh phí bố trí mặt bằng mới, tổ chức di dời các hộ này là ngoài tầm của địa phương, nên mỗi mùa mưa bão, xã Hoằng Khánh đều phải lên phương án phòng chống lụt bão và kế hoạch di dân riêng cho 34 hộ dân này. Tương tự, tại các làng Nguyệt Viên và Vĩnh Trị của xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa), nhiều hộ dân vẫn ở ngay trên triền đê, công trình phụ “đua” ra sát mép nước, nhưng khó có thể di dời.

Trên bình diện toàn tỉnh, để có kinh phí di dời, rồi bố trí mặt bằng tái định cư đến vị trí mới cho gần 5.000 hộ dân ngoại đê là điều chưa thể làm ngay. Đơn cử như tại khu phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), đã có dự án di dời khoảng 50 hộ dân nhưng bị “treo” hơn 5 năm qua bởi thiếu kinh phí.

Là người có thâm niên công tác hàng chục năm trong lĩnh vực đê điều, ông Lê Quang Thuần, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê TP Thanh Hóa, cho biết: Quy định là vậy, nhưng cần linh hoạt trong giải quyết và cần có quá trình lâu dài. Dân sinh sống trước, luật quy định có sau đã dẫn đến sự “vi phạm”. Hơn nữa, các cấp chính quyền cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc huy động nguồn lực, bố trí vị trí tái định cư thì mới giải quyết được tình trạng dân sinh sống vùng ngoại đê.


Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]