(Baothanhhoa.vn) - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập cho người dân. Hình thức này đảm bảo cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có bước tiến mạnh mẽ, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có dấu ấn của các HTX với vai trò “bà đỡ” dẫn dắt sản xuất.

HTX nông nghiệp tăng cường liên kết sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập cho người dân. Hình thức này đảm bảo cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có bước tiến mạnh mẽ, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có dấu ấn của các HTX với vai trò “bà đỡ” dẫn dắt sản xuất.

HTX nông nghiệp tăng cường liên kết sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩmXã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Bái (Thọ Xuân) thu hoạch mía nguyên liệu.

Trên cánh đồng xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa), bà Nguyễn Thị Nga cùng khoảng 30 nhân công khác thoăn thoắt đặt mầm khoai tây vào luống để chuẩn bị cho vụ trồng mới. Bà kể, trước đây, gia đình cũng có vài sào trồng khoai tây vụ đông, nhưng làm quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ nên năng suất không cao, giá cả bấp bênh. Sau đó, gia đình bà quyết định cho HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông mượn lại ruộng. Bà lại được thuê tham gia sản xuất nên vừa có thu nhập ổn định mà không phải thấp thỏm lo đầu ra như trước.

Năm 2020, được sự đồng ý của UBND xã, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông đã triển khai kế hoạch trồng cây khoai tây Marabel theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mở hướng đi mới và nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình liên kết trồng giống khoai tây của Đức này được HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông ký hợp đồng cung ứng, cho nợ tiền giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và trực tiếp thu mua với nông dân. Hiện vùng trồng khoai tây tập trung tại 2 thôn Quang Trung và Đông Tân để sản xuất với diện tích 25 ha/tổng số 47 ha diện tích cây trồng vụ đông của xã. Để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, đảm bảo quyền lợi cho nông dân, HTX đã ký hợp đồng với các hộ tham gia mô hình với giá niêm yết: Loại 1 giá 7.000 đồng/kg và loại 2 giá 3.000 đồng/kg. Mỗi năm, HTX ký hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Thực phẩm An Việt với sản lượng từ 800 đến 1.000 tấn khoai tây, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với thu nhập khoảng 8 triệu đồng//người/tháng. Nhờ vậy, chủ trương liên kết, sản xuất lớn của HTX được các hộ thành viên và người dân hết sức ủng hộ.

Nhìn lại vài năm trước, cánh đồng Bãi Miềng tại xã Xuân Bái (Thọ Xuân) chỉ có khoảng 60 hộ trồng mía với diện tích vài sào mỗi hộ nên sản xuất manh mún và nhỏ lẻ. Sau khi ký hợp đồng cung ứng mía nguyên liệu với HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Bái, các hộ dân đã tham gia sản xuất mía chất lượng cao với diện tích 37 ha. Để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, HTX chịu trách nhiệm cung ứng giống, nguyên liệu, giám sát các khâu kỹ thuật chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Lam Sơn để bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện nay, HTX đã phát triển được 200 ha mía nguyên liệu và tạo việc làm cho hơn 20 lao động. Do được cung ứng giống bảo đảm, chú trọng khâu chăm sóc nên năng suất mía trung bình đạt từ 70 tấn/ha trở lên.

Được biết, tỉnh Thanh Hóa hiện có 812 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Qua khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 150 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. So với các HTX sản xuất theo mô hình truyền thống, HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị có chi phí giảm từ 5 - 7%, thu nhập của thành viên tăng 20 - 25%; chất lượng sản phẩm tăng, giá bán ổn định. Thông qua chuỗi, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại được áp dụng rộng rãi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; nhiều quy trình, tiêu chuẩn hóa số lượng, chất lượng sản phẩm được áp dụng đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Sự liên kết, hợp tác giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp còn hạn chế, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản còn hạn chế; cơ sở vật chất còn khó khăn nhất là mặt bằng để đầu tư nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản. Hiệu quả hoạt động của các HTX tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Một số HTX nông nghiệp còn thụ động, phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Việc hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường, tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu đối tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn lúng túng và chưa hiệu quả.

Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thời gian tới, các HTX nông nghiệp cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, thuận tiện cho cơ giới hóa; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại... Các địa phương cần đẩy mạnh kêu gọi và có thêm cơ chế khuyến khích tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu...

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]