(Baothanhhoa.vn) - Liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu, nhưng hiệu quả cao hay thấp còn phụ thuộc vào sự năng động và tích cực của các bên tham gia. Tại Thanh Hóa, những vụ gần đây HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Xuân Minh (Thọ Xuân) đã làm rất tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân.

Doanh nghiệp-HTX-nông dân cùng phát triển: Nhìn từ vụ lúa xuân 2023

Liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu, nhưng hiệu quả cao hay thấp còn phụ thuộc vào sự năng động và tích cực của các bên tham gia. Tại Thanh Hóa, những vụ gần đây HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Xuân Minh (Thọ Xuân) đã làm rất tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân.

Doanh nghiệp-HTX-nông dân cùng phát triển: Nhìn từ vụ lúa xuân 2023Cánh đồng hợp tác sản xuất lúa xuân 2023 giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân ở xã Xuân Minh trước thời điểm thu hoạch.

Thăm mô hình lúa liên kết tại xã Xuân Minh những ngày cuối tháng 5 vừa qua chúng tôi như bị thôi miên trước cánh đồng ngút ngàn một màu vàng óng như trải thảm. Cùng tham gia buổi đánh giá năng suất và hiệu quả liên kết có cả lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, doanh nghiệp hợp tác là Tập đoàn Thai Binh Seed. Tất cả đều tấm tắc đánh giá cao bởi năng suất lúa liên kết tại đây đạt khoảng từ 75 đến 80 tạ/ha.

Vụ xuân 2023 này, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Xuân Minh hợp tác với Tập đoàn Thai Binh Seed để hình thành nên vùng liên kết lúa tới 170 ha. HTX kêu gọi nông dân góp ruộng và canh tác theo khuyến cáo. Phía doanh nghiệp cung ứng giống lúa TBR 225, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Do lúa được chọn tạo tốt và canh tác đúng yêu cầu kỹ thuật nên quá trình sinh trưởng năm nay không phát sinh sâu bệnh, nông dân cũng không tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Lúa sau khi được thu hoạch, nông dân được phía doanh nghiệp và HTX bao tiêu với giá cao hơn 20% giá lúa thương phẩm trên thị trường.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Xuân Minh Đỗ Thị Hoa, cho biết: “Đã hơn 10 vụ lúa chúng tôi đứng ra thay mặt nông dân địa phương duy trì liên kết sản xuất với Tập đoàn Thai Binh Seed và đều thắng lợi. Trước đó, việc sản xuất ở địa phương nhỏ lẻ, nông dân khó bán lúa sau thu hoạch. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, nên từ những năm 2016, 2017 việc liên kết bắt đầu được triển khai từng bước. Khi ấy, lãnh đạo UBND huyện có gợi ý và cam kết đồng hành, tôi mạnh dạn kết nối nông dân để triển khai 50 ha liên kết trồng lúa. Ngay vụ đầu tiên triển khai mô hình liên kết hợp tác sản xuất giữa HTX với Tập đoàn Thai Binh Seed đã đem lại thắng lợi. Lúa giống được khử tạp triệt để và được tập đoàn thu mua với giá 9 triệu đồng/tấn, trong khi thời điểm đó, giá thương lái thu mua chỉ khoảng 6 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, vụ chiêm xuân 2018 toàn HTX thu hoạch được 1.000 tấn lúa. Người dân phấn khởi vì được mùa được giá, giúp cho mối liên kết trong sản xuất ngày càng bền chặt hơn”.

Cũng theo Giám đốc Đỗ Thị Hoa, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất với hợp đồng bao tiêu từ trước cũng là cách giúp nông dân tránh được tình trạng được mùa mất giá. Mặt khác, khi liên kết sản xuất với HTX thì nông dân địa phương được cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp với giá của đại lý cấp 1, có thể trả chậm sau vụ thu hoạch.

Đánh giá kết quả hợp tác tại xã Xuân Minh, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thai Binh Seed, khẳng định: “Đây là một kết quả rõ ràng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác cho nông dân và HTX. Việc hợp tác sản xuất lúa trong các mô hình cánh đồng mẫu lớn đã giúp trình độ thâm canh của nông dân tốt hơn nhiều, mà cụ thể ở xã Xuân Minh vụ xuân vừa qua năng suất lúa nhiều khu ruộng liên kết đạt tới 8 tấn/ha”.

Từ sự thành công trên thực tế, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Xuân Minh đã đầu tư mua 2 hệ thống sấy nông sản, ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp, với công suất 80 tấn/ngày/máy, lúa được thu gom để chế biến gạo với tên thương mại “Hoa Minh” để cung ứng ra thị trường. Nông dân nhận thấy sự hợp tác có lợi, đem lại thu nhập cao hơn nên vào HTX ngày càng nhiều. Được biết, HTX đã mở rộng vùng liên kết sang các xã trong vùng với tổng diện tích liên kết vụ xuân 2023 là 290 ha lúa. Doanh thu của HTX những năm gần đây đạt từ 15 đến 18 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 10%. 40 lao động làm việc thường xuyên trong HTX có thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng.

Có thể kể đến hàng chục mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Công ty CP Thương mại Sao Khuê ở huyện Đông Sơn cũng liên kết sản xuất các loại lúa trên địa bàn nhiều huyện với tổng diện tích mỗi vụ gần 1.000 ha. Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung) cũng hợp tác canh tác 700 ha lúa ở nhiều huyện đồng bằng nhằm thu mua, chế biến gạo thương phẩm. Theo tổng hợp từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, vụ xuân 2023 toàn tỉnh đã duy trì và phát triển sản xuất theo hình thức liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm cho gần 3.600 ha lúa các loại. Ngoài các HTX, nông dân tham gia các mô hình liên kết sản xuất có thu nhập cao hơn khoảng từ 20 đến 30% so với tự canh tác nhỏ lẻ.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]