(Baothanhhoa.vn) - Hoạch định những đường hướng phát triển mang tính chiến lược, cùng với quá trình thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang hoàn thành nhiều công trình, dự án có tầm vóc lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dáng vóc những công trình

Hoạch định những đường hướng phát triển mang tính chiến lược, cùng với quá trình thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang hoàn thành nhiều công trình, dự án có tầm vóc lớn.

Dáng vóc những công trình

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) gần 10 năm trở lại đây, là một đại công trường với khí thế rầm rập ngày đêm. Hàng chục nghìn lao động với hàng triệu ngày công đổ xuống vùng đất hoang sơ khô cằn thủa ấy, giờ đây đã hiện hữu những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ. Tại đây, hàng loạt dự án công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, như: Lọc hóa dầu, dầu ăn, nhiệt điện, luyện cán thép, sửa chữa đóng tàu... lần lượt mọc lên, đưa Nghi Sơn thành khu vực phát triển năng động.

Đi trước 1 bước, nhằm bảo đảm cung cấp nguồn điện an toàn và kinh tế cho khu vực Bắc Trung bộ, góp phần phát triển kinh tế cho vùng Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An và KKTNS, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản đồng ý cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 với công suất 600 MW. Tổng vốn đầu tư của công trình lên tới 22.260 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, 15% là vốn đối ứng của EVN.

Chỉ sau hơn 3 năm khởi công, tháng 7-2013, Công trình Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 với kết cấu chuẩn mực, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế đã tọa lạc sừng sững ở phía Đông của KKTNS. Trung tâm của khối kiến trúc ấy là ống khói kép 2 lò cao 205m. Ống khói được làm theo công nghệ Polime RFA (gia cường sợi thủy tinh) - công nghệ hiện đại nhất được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Ngay phía dưới là mái vòm chứa than, kết cấu bằng khung thép, dài tới 240m, rộng 72m, có sức chứa 140.000 tấn than, đủ cho nhà máy sử dụng liên tục trong hơn 3 tuần (mức tiêu thụ bình quân của nhà máy là 6.000 tấn than/ngày). Đường băng chuyền dài hơn 1,5km cùng 2 cần cẩu công suất bốc 750 tấn than/giờ luôn hoạt động bảo đảm, cung cấp nguyên liệu liên tục cho nhà máy từ cảng nhiệt điện vào đến kho chứa. Dự án đã hòa lưới điện quốc gia, bừng sáng thêm cuộc sống của Nhân dân KKTNS và cả nước... với sản lượng phát điện 3,6 tỷ kWh/năm.

Với mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tháng 9-2015, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khởi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Dự án do Tổ hợp nhà đầu tư Marubeni (Nhật Bản) - Kepco (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng, với công suất 1.230 MW và tổng vốn đầu tư gần 2,79 tỷ USD. Đây là dự án nhiệt điện áp dụng công nghệ hiện đại với hiệu suất cao, giảm định mức tiêu thụ than, giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Những ngày này, trên công trường Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, hàng trăm kỹ sư, công nhân của các nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục chủ yếu. Đại diện Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, cho biết: Năm 2020, tình hình thi công dự án có nhiều thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến máy móc và chuyên gia, nhà thầu gặp khó khăn khi tới Việt Nam. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp khắc phục, tiến độ thi công dự án hiện đã đạt hơn 80% khối lượng và dự kiến sẽ hoàn thành tháng 7-2022, phát điện thương mại nhà máy vào đầu tháng 8-2022.

Khởi công vào năm 2014, dự án đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân (CHKTX) đi KKTNS là một dự án quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Tuyến đường có vai trò đặc biệt trong việc rút ngắn thời gian di chuyển từ Sân bay Thọ Xuân đến KKTNS. Từ đó, cải thiện khả năng thu hút đầu tư đến với KKTNS và tỉnh Thanh Hóa.

Khánh thành vào cuối năm 2017, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch, tuyến đường nối CHKTX đi KKTNS như một dải lụa chạy xuyên qua những cánh đồng lúa, đồng mía xanh bát ngát của 5 huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống và Tĩnh Gia. Hơn nữa, với chiều dài 65,9km, có đồi núi, ao, hồ, sông, suối... và cảnh quan thiên nhiên phong phú, tuyến đường còn qua các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng...

Dọc tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS, có đoạn đầu tuyến là Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng với định hướng xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp sạch..., kết hợp với phát triển đô thị, dịch vụ - du lịch, văn hóa tâm linh và sinh thái. Đoạn cuối tuyến là KKTNS - 1 trong 8 khu kinh tế ven biển của cả nước đang được Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển. Việc tương tác qua lại giữa Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng với KKTNS đã kéo theo phản ứng mang tính chất cộng hưởng đến các đô thị, điểm dân cư, du lịch..., các điểm trung gian trong khu vực. Ngoài ra, khi các dự án lớn về hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường sắt cao tốc, tuyến đường từ TP Thanh Hóa đến tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS được hoàn thành và kết nối, sẽ rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông trong vùng với các vùng kinh tế khác.

Sau 3 năm dự án được hoàn thành, hai bên đường, những ngôi nhà khang trang, các cửa hàng đang được xây mới, phương tiện lưu thông cũng trở nên tấp nập, tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển kinh tế.

Tại TP Sầm Sơn, với những bước đổi thay ngoạn mục hôm nay, không thể không kể đến sự hiện diện của quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn. Dự án được khởi công tháng 5-2014, bao gồm khu biệt thự biển, khu khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế 1.200 chỗ, 2 khu spa, sân golf 18 hố view biển và hệ thống hơn 150 bể bơi, được xây dựng trên hàng trăm ha đầm lầy hoang sơ, nơi giao điểm của biển Sầm Sơn và sông Mã. Chỉ sau gần 1 năm đầu tư, xây dựng, quần thể nghỉ dưỡng đầu tiên của FLC và cũng là quần thể du lịch 5 sao đầu tiên tại Thanh Hóa đã được khánh thành đi vào hoạt động. Vào thời điểm khai trương, quần thể cùng lúc được Guinness Việt Nam công nhận hai kỷ lục: “Resort có nhiều bể bơi nhất Việt Nam” và “Resort có bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam”.

Để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của du khách, năm 2017, FLC Grand Hotel Samson - khách sạn tiêu chuẩn 5 sao thứ hai tại FLC Sầm Sơn ra đời, bổ sung thêm 586 phòng hạng sang với tầm nhìn hướng biển. Bên cạnh hệ thống hơn 1.000 phòng khách sạn và biệt thự biển theo phong cách hiện đại, sang trọng, FLC Sầm Sơn cũng sở hữu chuỗi 17 nhà hàng và quán bar đa dạng. Quy mô này giúp quần thể có thể phục vụ hàng ngàn du khách cùng thời điểm và trở thành điểm hẹn cho nhiều sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động, đã tạo sức hút kỳ diệu cho du lịch Sầm Sơn. Năm 2014, Thanh Hóa đón 4,5 triệu lượt khách. Chỉ sau 5 năm, con số này tăng lên gần 10 triệu lượt, trong đó Sầm Sơn ghi nhận tốc độ gia tăng cả về lượt khách và doanh thu ấn tượng, với gần 5 triệu lượt khách năm 2019, doanh thu đạt 4.600 tỷ đồng. Và FLC Sầm Sơn, được xem là một trong những điểm đến được mong đợi nhất của xứ Thanh với hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm.

Trong những ngày này, Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Thanh đang tích cực thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Hàng loạt các công trình, dự án quy mô lớn, có ý nghĩa thiết thực đang tiếp tục được các cấp, các ngành, các chủ đầu tư dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Và rồi, nhiều hơn nữa những tuyến đường kết nối, những dự án công nghiệp lớn, những công trình thiết thực sẽ tiếp tục hiện diện trên mảnh đất xứ Thanh, tạo tiền đề cho diện mạo một tỉnh công nghiệp, với hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ trong tương lai gần.

Bài và ảnh: Minh Hằng


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]