(Baothanhhoa.vn) - Nhà máy Xi măng Long Sơn được xây dựng tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn), đã hoàn thành và đi vào sản xuất 2 năm qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần làm rõ những nghi vấn trong bồi thường GPMB xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn

Nhà máy Xi măng Long Sơn được xây dựng tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn), đã hoàn thành và đi vào sản xuất 2 năm qua.

Khu vực xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) đang có hoài nghi về khuất tất trong giải phóng mặt bằng.

Song gần đây, tại địa phương rộ lên nhiều thông tin về những khuất tất trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhiều người tỏ ra hoài nghi, thậm chí có đơn tố cáo tổ công tác GPMB của UBND thị xã Bỉm Sơn đã khai khống diện tích, thậm chí đưa danh sách tên người không có đất vào nhận tiền bồi thường...(?!). Nhiều dẫn chứng đã được đưa ra, song còn mang cảm tính khiến nhiều người nửa tin, nửa ngờ, gây dư luận không tốt. Rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng điều tra để làm rõ, có thông tin chính xác đến nhân dân.

Theo đơn tố cáo mà ông Khiếu Quang Cảnh, trú tại thôn 5, xã Quang Trung (thị xã Bỉm Sơn) gửi đến các cơ quan Nhà nước và báo chí, tổ công tác phụ trách GPMB của dự án này do UBND thị xã lập ra “đã lập hồ sơ khống và thành lập hội đồng xét nguồn gốc đất cho những trường hợp không có đất” để nhận tiền bồi thường. Người tố cáo còn viện dẫn cụ thể các ông, bà: Vũ Mạnh Q., Vũ Văn K., Hoàng Thanh L... đều ở khu phố Đông Thôn không có đất trong vùng GPMB nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ. Trường hợp khác là bà Mai Thị Ký ở khu phố Sơn Tây chỉ được nhận một phần tiền bồi thường so với kiểm kê ban đầu? Nhiều thông tin khác tố cáo chính quyền địa phương “ỉm” một phần tiền hỗ trợ của chủ đầu tư Nhà máy Xi măng Long Sơn là Công ty TNHH Long Sơn (nay là Công ty Xi măng Long Sơn, có trụ sở ở tỉnh Ninh Bình) để xây dựng mương thoát nước địa phương; kê khai tăng diện tích cây cối, hoa màu để hưởng lợi?

Để làm rõ những thông tin tố cáo trên, phóng viên đã gặp ông Dương Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn. Theo ông, năm 2014, Công ty TNHH Long Sơn đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trên địa bàn phường. Để giúp công ty đẩy nhanh tiến độ GPMB, thị xã Bỉm Sơn đã thành lập 1 tổ công tác do Chủ tịch UBND phường Đông Sơn lúc ấy là ông Vũ Đức Cường làm tổ trưởng (nay ông Cường là Bí thư Đảng ủy phường Đông Sơn), các thành viên khác là của ban GPMB thị xã và cán bộ địa chính cùng kế toán phường. Sau khi áp giá và công khai diện tích đất và cây trồng trên đất, phía chủ đầu tư là Công ty TNHH Long Sơn trực tiếp chi trả tiền cho dân chứ chính quyền và ban GPMB không liên quan. Bởi vậy, theo ông Đông, không thể có chuyện doanh nghiệp trả tiền bồi thường hơn diện tích mà họ được giao.

Được hỏi về việc có hay không một số hộ dân không có diện tích đất trong khu vực GPMB nhưng vẫn được nhận tiền bồi thường như thông tin tố cáo, ông Dương Văn Đông cho rằng, ông mới lên làm Chủ tịch UBND phường nên không nắm được, vì hồ sơ gốc không được ai bàn giao. “Các anh chị lấy được hồ sơ gốc lưu trên thị xã về đây, tôi sẽ giúp xác minh. Còn hiện tại tôi không dám kết luận là có hay không” – ông Đông cho hay.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Tống Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, cho biết: Trường hợp GPMB xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn năm 2014 không phải là dự án Nhà nước thu hồi đất nên thị xã không thành lập ban GPMB. Chúng tôi chỉ cho thành lập tổ công tác mang tính chất giúp việc, hỗ trợ công ty trong việc tuyên truyền, vận động người dân. Việc chi trả tiền bồi thường là việc của công ty với người dân, làm sao có chuyện kê khống để rút tiền được. Cũng theo ông Bình, muốn biết cụ thể thì phải tìm gặp ông Cường, tổ trưởng tổ giúp việc khi ấy, đồng thời yêu cầu phóng viên quay lại phường Đông Sơn tìm ông bí thư đảng ủy phường. Tuy không gặp được nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn kết nối được điện thoại với ông tổ trưởng tổ công tác liên quan đến công tác GPMB của dự án. Theo ông, đối với khiếu nại một số hộ không có danh sách nhưng vẫn được nhận tiền bồi thường, đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Tổ công tác khi ấy đã thực hiện đúng theo quy trình của pháp luật, hồ sơ đã được Công ty Xi măng Long Sơn kiểm tra và lưu trữ, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã thẩm định tại từng hộ dân, thửa đất... Sau đó người dân trực tiếp ký hợp đồng công chứng với công ty. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm kê, ranh giới được cấp đất của người dân từ năm 1993 và thực tế khi thực hiện bồi thường có sự chênh lệch, UBND thị xã Bỉm Sơn có chủ trương xác định ranh giới thực tế để hỗ trợ cho người dân. Do vậy, tại một số hộ sau kiểm kê thực tế diện tích đất có tăng hơn so với diện tích đã giao trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không thể có chuyện tổ công tác lập khống danh sách để rút tiền được.

Như vậy, những tố cáo và giải thích trên vẫn còn mang tính chất trái chiều. Sự giải thích của một số cán bộ liên quan vẫn còn thiếu dẫn chứng cụ thể. Thiết nghĩ, cơ quan điều tra thị xã Bỉm Sơn cần có sự vào cuộc làm rõ để trả lời người tố cáo, ổn định dư luận nhân dân địa phương. Nếu chứng minh được những tố cáo trên là chưa chính xác, cũng là cơ hội “minh oan” cho cán bộ, không để diễn ra tình trạng hiểu nhầm. Nếu có sai phạm, cần làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý những cá nhân liên quan.


Bài và ảnh: Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]