(Baothanhhoa.vn) - Trong thời gian qua, các địa phương ven biển đã tích cực phối hợp các ngành có liên quan của tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân trong khai thác hải sản trên các ngư trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các địa phương ven biển tích cực tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ pháp luật trong khai thác hải sản

Trong thời gian qua, các địa phương ven biển đã tích cực phối hợp các ngành có liên quan của tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân trong khai thác hải sản trên các ngư trường.

Các địa phương ven biển tích cực tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ pháp luật trong khai thác hải sản

Ngư dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi.

Huyện Hoằng Hóa có 997 tàu, trong đó có khoảng 200 tàu cá đánh bắt xa bờ. Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, huyện đã phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, Đồn Biên phòng Hoằng Trường tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản 2017; các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); ký cam kết cho chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Lê Văn Chí, thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), cho biết: Hàng năm tại bến cá Hoằng Trường, ngư dân chúng tôi được các cấp chính quyền thường xuyên động viên vươn khơi, bám biển và chấp hành các quy định trong khai thác hải sản theo quy định pháp luật. Khi hoạt động trên biển đi theo tổ, đội đoàn kết do xã thành lập để cùng hỗ trợ nhau khi rủi ro trên biển.

Ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Triển khai kế hoạch hành động chống khai thác IUU, huyện Hoằng Hóa đã tập trung tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, sâu rộng trong cộng đồng ngư dân, nâng cao nhận thức cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực khai thác hải sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Thông qua công tác tuyên truyền và ký cam kết đã chấm dứt được tình trạng ngư dân ăn cắp ngư lưới cụ trên biển. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường xuống tận thôn tuyên truyền cho ngư dân, chủ tàu chấp hành việc khai báo trước khi ra khơi và ghi sổ nhật ký khai thác hải sản.

Thực hiện Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 4-10-2018 của UBND tỉnh về hành động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển đã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, phường ven biển thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU. Thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về các quy định và nắm bắt sát tình hình khai thác của ngư dân, phối hợp với đồn biên phòng tuyến biển, Chi cục Thủy sản tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa lạch, bãi ngang và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm khai thác IUU; tổ chức ký cam kết đối với chủ tàu cá khai thác vùng khơi không đưa tàu và ngư dân đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy sản, các ngành có liên quan của tỉnh tổ chức 24 lớp tập huấn, tuyên truyền với 2.628 lượt người tham gia về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn luật, quy định về chống khai thác IUU; các quy định liên quan đến an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển... cho ngư dân các xã ven biển.

Để ngư dân chấp hành tốt các quy định trong khai thác hải sản, ngày 16-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó, quy định chi tiết các hành vi vi phạm và các mức xử phạt quy định về thuyền viên và người làm việc trên tàu cá. Các trường hợp thuyền viên/người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt tiền từ 300-500 nghìn đồng; phạt 1-2 triệu đồng đối với thuyền viên trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên; phạt 5-10 triệu đồng đối với các trường hợp thuyền trưởng/máy trưởng không có văn bằng/chứng chỉ theo quy định; không có Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định. Đối với trường hợp chủ tàu cá không mua bảo hiểm cho thuyền viên làm việc trên tàu, sẽ bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]