(Baothanhhoa.vn) - Những tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đối mặt với những cơn “bão dịch”, các yếu tố bất lợi của điều kiện thời tiết, biến động của thị trường. Song, vượt lên khó khăn, thách thức nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn nối tiếp đà tăng trưởng, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Bức tranh” sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”: Nông nghiệp tiếp đà tăng trưởng

Những tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đối mặt với những cơn “bão dịch”, các yếu tố bất lợi của điều kiện thời tiết, biến động của thị trường. Song, vượt lên khó khăn, thách thức nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn nối tiếp đà tăng trưởng, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Bức tranh” sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”: Nông nghiệp tiếp đà tăng trưởngDiện tích lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa). Ảnh: Hương Thơm

Tin liên quan:
  • “Bức tranh” sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”: Nông nghiệp tiếp đà tăng trưởng
    “Bức tranh” sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”: Những điểm sáng tạo nên ...

    Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt mức tăng trưởng khá và hiện nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, với nhiều chỉ tiêu, lĩnh vực sản xuất hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo bước đột phá trong những tháng cuối năm.

6 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: dịch bệnh trong chăn nuôi; sâu, bệnh trên cây trồng; thời tiết diễn biến thất thường... Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, nên ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển khá toàn diện.

Tìm hiểu về kết quả sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Xương, cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan và chủ quan, song với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nên nông nghiệp của huyện đạt được những kết quả tích cực. Sản lượng lương thực vụ đông xuân đạt 44.578 tấn; chăn nuôi phát triển ổn định, duy trì 5.129 con trâu, bò, 14.650 con lợn, 545.590 con gia cầm. Sản xuất thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ (CK), tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm của huyện đạt 8.604 tấn.

Tại huyện Vĩnh Lộc, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, với sản lượng lương thực đạt 35.213 tấn, vượt 0,61% so với kế hoạch (KH), tăng 1,15% so với CK. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm tiếp tục được nhân rộng, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện lên gần 150 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn, an toàn sinh học. Hiện, toàn huyện có 335 trang trại và gia trại, trong đó có 69 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT và phát triển được 6 cụm trang trại chăn nuôi tập trung...

Kết quả sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng 3,47% so với CK, cao nhất so với nhiều năm gần đây. Sản lượng lương thực vụ đông xuân đạt 910.800 tấn, bằng 60,7% KH cả năm, tăng 2,4% so với CK. Thực hiện tích tụ, tập trung 3.518 ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đạt 50% KH năm; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 53,48%, đạt 99,96% KH năm.

Trên từng lĩnh vực đều đạt được những kết quả nổi bật. Đối với trồng trọt, từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, bệnh trên cây trồng được kiểm soát, nên sản xuất trồng trọt đạt kết quả khá toàn diện. Diện tích gieo trồng hàng năm 245.824 ha, đạt 60,4% KH, giảm 2% CK. Diện tích tuy giảm, song năng suất cây trồng tăng, đơn cử như lúa, năng suất 66,6 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha so với KH và đạt cao nhất từ trước tới nay, nên sản lượng lương thực bảo đảm mục tiêu đề ra. Bên cạnh kết quả về năng suất, sản lượng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, qua đó, đã thực hiện chuyển đổi được 1.608 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, mở rộng các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, như: vùng mía nguyên liệu 16.500 ha, vùng sắn nguyên liệu 11.000 ha, vùng lúa giống 3.264 ha, vùng cây ăn quả tập trung 7.000 ha, vùng rau, củ, quả các loại 4.328 ha. Các nhà máy đã thu mua và chế biến 608.200 tấn mía nguyên liệu, đạt 81,7% KH; chế biến 199.000 tấn tinh bột sắn, đạt 95,2% KH, tăng 5% CK. Giá trị sản xuất vụ đông xuân đạt 8.911 tỷ đồng, tăng 111 tỷ đồng so với CK.

Chăn nuôi từng bước được phục hồi và phát triển; số lượng đàn vật nuôi được duy trì, đàn trâu 195.000 con, đạt 100% KH; đàn bò 265.000 con, đạt 100% KH; đàn lợn 1.195.000 con, đạt 100,8% KH, tăng 4,2% CK; đàn gia cầm 23 triệu con, đạt 100% KH. Theo đó, sản lượng thịt hơi đạt 116.994 tấn, đạt 47,8% KH, tăng 5,6% CK; sản lượng trứng gia cầm 74,6 triệu quả, đạt 42,7% KH, tăng 6,2% CK; sản lượng sữa tươi 14.000 tấn, đạt 26,5% KH, tăng 24,4% CK. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút 5 dự án đầu tư các trang trại chăn nuôi, với tổng vốn đầu tư gần 7.728 tỷ đồng, quy mô khoảng 17.400 lợn nái và 440.000 lợn thịt/năm. Đây được kỳ vọng là điểm nhấn giúp chăn nuôi của tỉnh có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.

Lĩnh vực lâm nghiệp phát triển khá, an ninh rừng cơ bản ổn định. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được 5.416 ha rừng tập trung, đạt 54,2% KH, tăng 16,9% so với CK; bảo vệ 600.836 ha rừng, đạt 100% KH, bằng 100% CK; chăm sóc 40.000 ha rừng, đạt 100% KH, bằng 95,2% CK; sản lượng khai thác gỗ tăng 8,4%. Ngay từ đầu mùa hè năm nay đã diễn ra các đợt nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao; vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm an ninh rừng.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 99.600 tấn, đạt 51,3% KH, tăng 5% CK. 6 tháng năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh 19.390 ha, đạt 99,4% KH, sản lượng nuôi trồng thủy sản 33.100 tấn, đạt 51,7% KH, tăng 5,7% CK.

Kết quả đạt được trên các lĩnh vực 6 tháng đầu năm là cơ sở để ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển trong những tháng cuối năm. Ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm 2021 là tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5% trở lên; sản lượng lương thực có hạt tăng thêm 635.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng tăng thêm 0,02%; tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao tăng thêm 3.512,5 ha... Để đạt được mục tiêu đề ra, trên cơ sở phân tích, dự báo những thuận lợi, khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp trong tỉnh phải đối mặt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng các nhóm giải pháp phát triển, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp, như: theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai, dịch bệnh, để có những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất trồng trọt. Thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng chính. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Tiếp tục chuyển đổi đất lúa, mía, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn. Đẩy mạnh liên kết, tổ chức sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi, chất cấm trong chăn nuôi, thuốc thú y. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án chăn nuôi lớn. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, nhất là hướng dẫn người dân, cán bộ quản lý thủy sản địa phương quy trình, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao, nuôi cá trên sông, trên biển). Phương pháp phòng và trị bệnh trên đối tượng nuôi; thực hiện tốt việc quan trắc, cảnh báo môi trường định kỳ; áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; tổ chức cấp giấy chứng nhận, xác nhận, cấp phép đối với các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản theo quy định. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Hương Thơm

Bài 3: Sản xuất công nghiệp bứt phá trong bối cảnh khó khăn.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]