(Baothanhhoa.vn) - Từ những hiệu quả bước đầu đã được chứng minh, sản xuất quy mô lớn được khẳng định sẽ là xu hướng canh tác tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Vậy nhưng, làm thế nào để công tác tích tụ ruộng đất đạt được những kết quả như mong muốn, cũng như việc phát huy giá trị đất đai sau tích tụ một cách hiệu quả đang là những vấn đề lớn cần quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 3: Những vấn đề đặt ra khi tích tụ đất đai

Từ những hiệu quả bước đầu đã được chứng minh, sản xuất quy mô lớn được khẳng định sẽ là xu hướng canh tác tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Vậy nhưng, làm thế nào để công tác tích tụ ruộng đất đạt được những kết quả như mong muốn, cũng như việc phát huy giá trị đất đai sau tích tụ một cách hiệu quả đang là những vấn đề lớn cần quan tâm.

Bài 3: Những vấn đề đặt ra khi tích tụ đất đai

Thu hoạch cà rốt tại cánh đồng liên kết xuất khẩu ở xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa).

Thực tế trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua, nhiều hình thức “tiền tích tụ” đã được triển khai, điển hình như công tác dồn điền, đổi thửa. Tại các địa phương, sau khi thực hiện dồn đổi ruộng đất, đã hạn chế được tình trạng diện tích sản xuất nông nghiệp manh mún, xen kẽ, tạo mặt bằng thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cũng từ công tác dồn điền, đổi thửa, nhiều diện tích trồng cây truyền thống kém hiệu quả được các địa phương quy hoạch, phát triển kinh tế trang trại, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Bên cạnh đó, đã xuất hiện mô hình liên kết nông dân góp đất hoặc cho doanh nghiệp, HTX, hộ dân thuê đất, hình thành những cánh đồng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

Vấn đề cốt lõi đặt ra là làm sao để người nông dân “chịu” từ bỏ ruộng đất khi không có nhu cầu sử dụng? Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu khiến năng suất nông nghiệp bấp bênh. Cùng với giá vật tư đầu vào không ngừng tăng, sản xuất nhỏ, đơn thuần dựa vào thiên nhiên thực tế hiệu quả kinh tế rất thấp. Cùng với sự xuất hiện của các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy đã khiến một bộ phận lớn nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng và dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển nền nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ nông dân thấy những lợi ích của tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, giới thiệu những mô hình, điển hình thành công đi đầu trong sản xuất; vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo đòn bẩy cho sự thay đổi về chất ở lĩnh vực nông nghiệp. Luật Đất đai năm 2013 cũng đã siết chặt hơn khi quy định thu hồi đất trồng cây hàng năm nếu người được giao đất không sử dụng trong 12 tháng liên tục. Tuy nhiên, vấn đề tích tụ đất trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tại nhiều địa phương, mặc dù không có nhu cầu sử dụng, nhưng người dân không dễ dàng từ bỏ tư liệu sản xuất khiến doanh nghiệp, hộ cá thể có nhu cầu thuê đất gặp không ít khó khăn, hoặc phải thuê với giá cao. Để giải quyết vấn đề này, có thể nói, sự vào cuộc của chính quyền địa phương với tư cách trung gian nhưng vai trò quyết định.

Sâu trũng, cấy lúa 1 vụ không ăn chắc là thực trạng sản xuất những năm trước đây ở 130 ha đất nông nghiệp thuộc khu đồng Xốn, xã Thọ Trường (Thọ Xuân). 837 hộ dân có đất sản xuất tại cánh đồng này ít khi dám canh tác. Nhiều hộ dân dần bỏ ruộng do hiệu quả kinh tế quá thấp khiến chính quyền địa phương không khỏi lo ngại. Và, những trăn trở của chính quyền xã Thọ Trường đã được cụ thể bằng đề án “Phát triển kinh tế đồng Xốn” để tìm hướng giải quyết. Địa phương đã mạnh dạn đứng ra làm cầu nối, khuyến khích các hộ có điều kiện, nhu cầu thuê lại đất của các hộ có diện tích đất sâu trũng để đầu tư xây dựng các gia trại, trang trại. Đến nay, đã có 13 hộ thuê đất với diện tích 75 ha tại đây để nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi tổng hợp. Cánh đồng Xốn trũng thấp ngày nào, nay đã được các hộ dân đầu tư, cải tạo quy củ với hệ thống chuồng trại kiên cố, ao cá, cây ăn quả. Gia đình chị Lê Thị Hiền, một trong những hộ thuê đất làm trang trại đầu tiên tại đồng Xốn, chia sẻ: Được thuê 4 ha đất, gia đình chị đã cải tạo thành 4 ao nuôi cá với diện tích 5.000m2/ao. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư nuôi bò, nuôi lợn. Mặc dù còn nhiều khó khăn do vốn đầu tư ban đầu lớn, tuy nhiên sau 3 năm sản xuất, tình hình kinh tế gia đình đã dần ổn định. Nhờ có chính quyền xã làm trung gian trong vấn đề thuê đất nên gia đình khá yên tâm khi được sử dụng đất ổn định để phát triển sản xuất.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện thành công tích tụ đất tại địa phương, đồng chí Trịnh Bá Lập, Chủ tịch UBND xã Thọ Trường, cho biết: Cái khó của vấn đề tích tụ đất đai hiện nay là việc bảo đảm quyền lợi giữa 2 bên. Hình thức thuê đất tại đồng Xốn đang áp dụng là hình thức khoán - thầu, do chính quyền xã là bên thứ 3 chứng nhận. Trên cơ sở tính toán hợp lý so với năng suất, hiệu quả canh tác, mức giá khoán thầu được đưa ra là 60 kg lúa/sào/năm, thời gian thanh toán là ngày 31-12 hàng năm, bảo đảm để người cho thuê đất không bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, hợp đồng thuê khoán được xác định thời hạn sử dụng đất lâu dài tương ứng với quyền sở hữu của bên cho thuê theo Luật Đất đai. Đây là yếu tố tiên quyết để người thuê đất yên tâm đầu tư cơ sở vật chất cho sản xuất. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cũng chia sẻ thêm, chính quyền các địa phương cần vào cuộc thực sự trong công tác này. Hình thức tuyên truyền, giải pháp áp dụng cần được nghiên cứu kỹ và linh hoạt thực hiện theo hoàn cảnh, môi trường cụ thể để đạt được kết quả cao nhất.

Sau tích tụ đất đai hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, một trong những vấn đề đang được doanh nghiệp, HTX quan tâm là chất lượng nguồn nhân lực. Một nền nông nghiệp mới với quy mô lớn, công nghệ cao, kỹ thuật khắt khe tương đồng với việc đòi hỏi những “công nhân” nông nghiệp lành nghề, thành thạo trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trình độ chuyên môn của lao động khu vực nông thôn còn thấp, hệ thống đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, dẫn đến chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Lê Bá Triều, Phụ trách Ban Kinh tế hợp tác của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, chia sẻ: Nhằm tạo sự thay đổi về chất cho cây mía xứ Thanh, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đang trên lộ trình liên kết với 40 HTX vùng mía để xây dựng vùng nguyên liệu có diện tích từ 100 ha trở lên, trong đó có 1-2 mô hình quy mô từ 10 đến 30 ha áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, đạt năng suất từ 100 tấn/ha trở lên. Hiện nay, đã có 10 HTX được thành lập. Tuy nhiên, trình độ lao động của nông dân hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, khiến hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Vào thời điểm này, Công ty CP Mía đường Lam Sơn cũng đang khẩn trương triển khai những công đoạn cuối cùng trong việc lắp đặt nhà kính cho 5 HTX đầu tiên với tổng diện tích 18.000m2. Trong tháng 4-2019, các nhà kính sẽ được đưa vào sản xuất rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Do lực lượng tại chỗ chưa được tiếp cận với quy trình sản xuất công nghệ cao, đơn vị đã phối hợp với các HTX lựa chọn từ 3-5 lao động để đi đào tạo kỹ thuật tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao Lam Sơn. Mỗi khóa học kéo dài từ 2-3 tháng theo chu kỳ sinh trưởng của các loại cây trồng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp tiêu chuẩn, kỹ thuật sản xuất.

Bên cạnh đó, sản xuất lớn, công nghệ cao, thành phẩm đầu ra sẽ là sản lượng hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm mới là vấn đề then chốt quyết định đến hiệu quả kinh tế của sản xuất. Thực tế, với những doanh nghiệp, HTX thực hiện sản xuất theo mô hình liên kết, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định. Tuy nhiên, câu chuyện “nhãn tiền” sản xuất chưa gắn với đầu ra của sản phẩm vẫn còn là vấn đề khá nhức nhối. Trên địa bàn tỉnh ta, nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn vẫn chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa, mất giá”. Không ít nông dân bỏ ra số tiền đầu tư lớn nhưng phải ngậm “trái đắng” khi đầu ra của sản phẩm không bền vững do phụ thuộc vào thương lái. Do đó, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn cần phải được quy hoạch, phát triển gắn liền với bài toán đầu ra cho sản phẩm để mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp đạt được hiệu quả bền vững.

Bài 4: Cơ chế, chính sách khuyến khích - động lực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]