(Baothanhhoa.vn) - Mấy hôm nay câu chuyện vào nhầm điểm thi đối với một thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn) từ có điểm số không đủ để đậu trở thành thủ khoa thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không đơn giản chỉ là sai thì sửa

Mấy hôm nay câu chuyện vào nhầm điểm thi đối với một thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn) từ có điểm số không đủ để đậu trở thành thủ khoa thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Không đơn giản chỉ là sai thì sửa

Giáo dục là ngành có tác động rất lớn đến xã hội, các vấn đề về giáo dục vốn dĩ được dư luận chú ý, bàn thảo lâu nay bất cứ là điều gì, lớn hay bé, thì liên quan đến sai sót trong thi cử, tuyển sinh, càng trở nên được chú ý, thậm chí còn bị thổi phồng.

Sự việc đáng tiếc này được phát hiện chỉ sau 3 tháng xảy ra sai sót cũng do khâu vào điểm thi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn. Khi ấy, một thí sinh đã được trả lại 8 điểm, để từ 1 điểm trở thành 9 điểm. Sai sót khi ấy được khắc phục rất nhanh, thẳng thắn và đúng quy trình sau quá trình phúc khảo bài thi theo nguyện vọng của thí sinh.

Cũng như trường hợp bài thi của thí sinh ở Trường THPT chuyên Lam Sơn, cơ quan chức năng sau khi thanh, kiểm tra, đã khẳng định sai sót trong việc lên điểm đối với thí sinh dự thi vào Trường THPT Lê Hồng Phong là có, và đây là lỗi vô tình, hoàn toàn không có động cơ vụ lợi, điểm số đã được trả lại đúng với điểm số trên bài thi.

Nhưng dù là vậy đi chăng nữa, thì vẫn không tránh được những lời bàn tán, dị nghị.

Dễ hiểu thôi, bởi dị nghị đã là một phần của cuộc sống, nhất là khi các nền tảng mạng xã hội phát triển thông tin lan truyền rất nhanh, người tham gia dễ dàng đưa ra những quan điểm khác nhau về thông tin, sự việc nào đó, mà ít ai chịu trách nhiệm về vấn đề mình tán phát... Những người liên quan phải chấp nhận điều đó, và cố gắng để hạn chế tình cảnh tương tự. Chúng ta phải thừa nhận với nhau là, trước mỗi sai sót, dù có tạo ra sự tường minh bao nhiêu chăng nữa, và tinh thần khắc phục cao đến mấy, thì cũng rất khó để dẹp bỏ hết những luồng dư luận, nhất là dư luận ác ý. Trong vụ việc xử lý vi phạm liên quan đến học sinh bị vào điểm nhầm ở Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong (do cán bộ, giáo viên thuộc Trường THPT Ngọc Lặc chấm thi, hồi phách, lên điểm), dù những cán bộ sai phạm đã lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi, cơ quan chức năng cũng đã xử lý kỷ luật cán bộ, giáo viên liên quan trực tiếp đến sai sót, nhưng dư luận vẫn tỏ ra chưa thật hài lòng.

Liên quan đến sai sót trong khâu hồi phách, vào điểm bài thi ở các kỳ thi không phải bây giờ mới có, và cũng không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa. Mới cách đây vài tháng, sau khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện có tới 2.997 bài thi của thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT ở tỉnh Thái Bình bị lệch phách, làm sai điểm của 2.750 bài thi. Đáng nói là sau khi thanh tra, đã phát hiện 237 thí sinh từ trượt thành đỗ và ngược lại có tới 243 thí sinh từ đỗ thành trượt. Sai sót liên quan đến chấm thi cũng được phát hiện ở TP Hải Phòng. Trước đó, tình trạng sai sót ở những mức độ khác nhau cũng đã từng xảy ra ở nhiều địa phương, trong nhiều kỳ thi.

Sau sai sót là khắc phục. Đó là điều phải làm, nhưng sự khắc phục sẽ đáp ứng ở mức độ nào. Nó có thể trả lại đúng trật tự điểm số, đảm bảo quyền lợi của người dự thi, nhưng có thể trả lại đầy đủ tính nghiêm minh của kỳ thi, trách nhiệm của người chấm thi, lên điểm số hay không?

Thi cử là một thước đo để chọn hiền tài. Lịch sử đã từng chỉ ra có những người gian lận trong thi cử để sau đó leo cao không chỉ làm ảnh hưởng đến cương thường, mà một số người có động cơ vụ lợi còn góp phần làm ruỗng mục đất nước.

Tiếc là sau những sai phạm liên quan đến thi cử như báo chí đã thông tin trước đó, sợi dây kinh nghiệm cứ dài thêm mãi thay cho việc được chấm dứt.

Chúng ta đều biết rằng, trước mỗi kỳ thi có rất nhiều hội nghị tập huấn. Chỉ riêng điều đó thôi đã làm tiêu tốn không ít tiền bạc rồi. Mục tiêu của tập huấn là để làm tốt hơn, tránh sai sót, và nếu xét về mục đích này, thì nó vẫn chưa đạt được 100%. Nhiều người đòi hỏi liên quan đến việc chấm thi, hồi phách trong thi cử cần phải có sự hồi tố. Cụ thể, nhân chuyện sai sót liên quan đến điểm số, có những người còn nói rằng họ biết học sinh nọ, học sinh kia vì sao học lực chỉ ở mức độ mà lại vượt qua được những kỳ thi có tính cạnh tranh rất cao, thậm chí còn có điểm số ở nhóm cao. Dĩ nhiên đưa ra thông tin như thế này, thế kia không tránh khỏi tình trạng có người muốn mượn gió bẻ măng, nhưng rõ ràng sau những sai sót dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi liệu có những sai sót khác hay không, và trách nhiệm của người trong cuộc là phải lắng nghe, phản ứng kịp thời, cũng như đẩy nhanh hơn quá trình tường minh sự việc trong khả năng có thể.

Ghép phách sai, lên điểm nhầm dẫn đến sai lệch kết quả... Xin đừng nghĩ rằng đó là chuyện sai thì sửa. Phần phách bài thi tuy nhỏ và nhẹ, nhưng lại nặng về tính pháp lý và hàm chứa cả lương tâm nghề nghiệp người thực hiện trong đó nữa. Nên nhớ rằng, chỉ nhầm một lá phách thôi là có thể đã làm nhầm một chỗ ngồi, xa hơn là nhầm một tương lai con người, và cũng có thể còn cao hơn nữa. Điều đó cần phải được những người có trách nhiệm trực tiếp nhận thức đầy đủ, đề cao hơn, để những kỳ thi tiếp theo làm tốt hơn, không gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành, sợi dây kinh nghiệm và lời xin lỗi cũng không còn phải dài thêm nữa.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]