(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, toàn tỉnh có 51 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có 14 tổ chức nghiên cứu và phát triển, 28 tổ chức dịch vụ KH&CN và 9 tổ chức thuộc cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng tổ chức bộ máy, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ

Hiện nay, toàn tỉnh có 51 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có 14 tổ chức nghiên cứu và phát triển, 28 tổ chức dịch vụ KH&CN và 9 tổ chức thuộc cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Phòng thí nghiệm của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa.

Các huyện, thị xã, thành phố đều có lãnh đạo UBND, phòng chuyên môn và chuyên viên kiêm nhiệm phụ trách quản lý Nhà nước về KH&CN. Hội đồng KH&CN cấp tỉnh, ngành và huyện, thị xã, thành phố tiếp tục được kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần định hướng phát triển và đẩy mạnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của các tổ chức KH&CN, thời gian qua, ngành KH&CN, chính quyền các cấp đã có những điều chỉnh, sắp xếp nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức này, như: Thực hiện chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ; củng cố hoạt động của các tổ chức KH&CN chuyên ngành, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp KH&CN thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập... Tính riêng về doanh nghiệp KH&CN, hiện toàn tỉnh đã có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp KH&CN đã và đang thể hiện được vai trò là cầu nối, đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, tỉnh đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Từ năm 2012 đến năm 2017, ngân sách Nhà nước, bao gồm cả Trung ương và địa phương đã cấp trên 300 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị cho tổ chức KH&CN công lập, trong đó đầu tư cho trung tâm nghiên cứu khoảng 250 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp đầu tư cho tổ chức KH&CN khoảng 200 tỷ đồng. Đến nay, ngoài các phòng thí nghiệm, thử nghiệm công lập thuộc các sở và các trường đại học, cao đẳng, trên địa bàn tỉnh còn có 20 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành thuộc các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thí nghiệm. Đơn cử như phòng thí nghiệm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông...

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ KH&CN phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học. Năm 2011, tỉnh ban hành cơ chế chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học của Trường Đại học Hồng Đức với các trường đại học nước ngoài theo Quyết định số 4277/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Thực hiện quyết định này, đến nay đã cử đi đào tạo được 22 nghiên cứu sinh, 153 cao học và 26 đại học. Theo thống kê, hiện nay, nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh có trên 147,4 nghìn người (tăng gấp 1,3 lần so với năm 2009; gấp 3,3 lần so với năm 1999 và gấp 6,6 lần so với năm 1989). Trong đó, có 18 phó giáo sư, 184 tiến sĩ, trên 4,7 nghìn thạc sĩ, trên 68,5 nghìn sinh viên đại học và trên 74 nghìn cao đẳng. Nhân lực KH&CN thuộc các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh có trên 2,7 nghìn người, chiếm 1,8% tổng số nhân lực KH&CN của tỉnh; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) có 1.933 người. Đây là nhân tố quyết định đối với sự phát triển KH&CN, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Có thể thấy, các tổ chức KH&CN cũng như nhân lực KH&CN trên địa bàn tỉnh đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, việc đầu tư xây dựng các tổ chức hoạt động KH&CN, phát huy tiềm lực KH&CN vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật của một số tổ chức KH&CN còn nghèo nàn, thiếu, không đồng bộ. Tiềm năng hoạt động KH&CN của các trường đại học, cao đẳng tương đối dồi dào, nhất là về nhân lực KH&CN song chưa được khai thác triệt để... Điều này đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, ngành KH&CN nói riêng cần tăng cường hơn nữa sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH&CN, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm; tiếp tục có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, đổi mới công nghệ - thiết bị, thành lập doanh nghiệp KH&CN; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tiếp thu, làm chủ, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống.

Bất cứ một lĩnh vực, hoạt động nào trong sự hình thành và phát triển cũng sẽ có những hạn chế, bất cập. Việc tìm ra những hạn chế và từng bước khắc phục là nhiệm vụ tất yếu cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp. Hy vọng, với sự quan tâm, định hướng cụ thể, chủ trương đúng đắn của tỉnh, ngành chức năng, các tổ chức KH&CN nói riêng, tiềm lực KH&CN nói chung tiếp tục có bước chuyển mình mạnh mẽ, qua đó, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà không ngừng phát triển.


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]