(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là vùng lúa trọng điểm của khu vực Bắc Trung bộ với diện tích trồng lúa hàng năm đạt gần 250.000 ha, trong đó diện tích lúa lai chiếm 25-30%, còn lại là lúa thuần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ứng dụng phương pháp lai hữu tính chọn tạo giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao

Ứng dụng phương pháp lai hữu tính chọn tạo giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao

Giống lúa Bắc Thịnh được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Cẩm Thủy cho năng suất cao.

Thanh Hóa là vùng lúa trọng điểm của khu vực Bắc Trung bộ với diện tích trồng lúa hàng năm đạt gần 250.000 ha, trong đó diện tích lúa lai chiếm 25-30%, còn lại là lúa thuần.

Xu hướng hiện nay của người dân là sử dụng giống lúa thuần chất lượng có giá trị hàng hóa cao, mang lại hiệu quả cho người sản xuất. Thực tế sản xuất lúa cho thấy, từ lâu Thanh Hóa đã trở thành thị trường rộng lớn của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống lúa các loại. Thị trường giống lúa đa dạng và phong phú là cơ hội cho người sản xuất, tuy nhiên giống lúa có chất lượng tốt đang là nhu cầu cấp bách mà các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đang lựa chọn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu nghề trồng lúa nói riêng.

Hiện nay, mỗi năm có tới hàng chục giống lúa mới được đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử tại các địa phương. Sự phát triển nhanh chóng của tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo giống lúa đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho bà con nông dân. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra môi trường cạnh tranh và đào thải rất khốc liệt. Để tồn tại, phát triển được, các giống lúa phải hội tụ được nhiều ưu điểm như: Năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt tốt. Giống lúa Bắc Thịnh, bắt đầu chọn tạo từ năm 2006, kế thừa kết quả nghiên cứu, phạm vi đề tài tiếp tục công tác khảo nghiệm, chọn lọc, làm thuần, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ công nhận giống. Qua nhiều vụ trồng khảo nghiệm, sản xuất thử, xây dựng mô hình trình diễn tại các vùng sinh thái trong tỉnh, cho thấy giống lúa Bắc Thịnh sinh trưởng khỏe, chịu rét, chống đổ, chống chịu tốt với sâu bệnh trong điều kiện bất thuận của thời tiết. Lúa có độ thuần cao, khi trổ đồng đều, nhanh gọn, thời gian chín nhanh. Chỉ sau hơn 2 năm được công nhận đưa vào sản xuất đại trà, nhờ chất lượng gạo thơm ngon, lúa gạo thương phẩm dễ bán, hiệu quả kinh tế cao, giống Bắc Thịnh luôn có mặt trong cơ cấu giống chủ lực của tỉnh, đồng thời vươn ra các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Có thể nói, Bắc Thịnh là một trong số không nhiều các giống lúa mới nói chung và giống lúa do Thanh Hóa chọn tạo nói riêng, có khả năng phát triển nhanh chóng và cạnh tranh tốt trên thị trường. Đây chính là thành công của liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông trong giai đoạn tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa sản phẩm tiến bộ khoa học ra ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trên đồng ruộng. Sau khi công nhận sản xuất thử, từ năm 2015 giống lúa Bắc Thịnh được Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học - kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa triển khai sản xuất với diện tích lớn trên địa bàn các xã Xuân Trường, Xuân Phong, Thọ Lộc, Xuân Quang, Phú Yên, Hạnh Phúc... (Thọ Xuân) với tổng diện tích 200 ha giống đạt tiêu chuẩn xác nhận 1; Thiệu Vân, Thiệu Lý (Thiệu Hóa) diện tích 100 ha; Vĩnh Yên, Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) diện tích 50 ha. Tổng sản lượng thu được là 500 tấn giống đạt tiêu chuẩn xác nhận 1. Mặc dù trong giai đoạn sản xuất thử nhưng giống Bắc Thịnh đã được nông dân tham gia sản xuất hồ hởi đón nhận và mong muốn được cơ quan tác giả chủ động nguồn giống tiếp tục mở rộng diện tích đáp ứng nhu cầu cho bà con nông dân.

Từ năm 2016, sau khi giống lúa Bắc Thịnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức giống đã trở thành giống chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giống cây trồng của tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ. Tại Thanh Hóa, dưới sự quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng giống đã được thông qua kênh từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông các huyện đến các HTX dịch vụ và được phân phối tới bà con nông dân.

Về hiệu quả khoa học và công nghệ, kết quả của công trình đã chọn tạo được Bắc Thịnh có năng suất cao hơn giống Bắc Thơm số 7 từ 11,4-12%, chất lượng gạo tương đương và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn Bắc Thơm số 7; giống lúa trên đã được Cục Trồng trọt cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng. Khẳng định năng lực nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới của tỉnh, giúp Thanh Hóa chủ động hơn về nguồn giống, giảm bớt sự phụ thuộc vào công tác nhập nội giống từ Trung Quốc và các tỉnh ngoài, đồng thời sẽ bổ sung và làm phong phú thêm nguồn giống lúa thuần chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Kết quả sản xuất giống Bắc Thịnh cho năng suất cao hơn và chi phí thuốc bảo vệ thực vật ít hơn nên hiệu quả kinh tế đạt cao hơn khi giống Bắc Thơm số 7 là 6.540.000 đồng/ha. Chỉ tính riêng năm 2017, 2018 (sau khi giống được công nhận chính thức) lượng giống được mở rộng và trở thành giống chủ lực của nhiều địa phương, trung bình lượng giống tiêu thụ 1.000 tấn/năm, tương đương với diện tích 50.000 ha.

Hiện nay, giống lúa Bắc Thịnh đang là một trong những giống lúa chủ lực của nhiều địa phương và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào cơ cấu giống cây trồng hàng năm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Với những ưu điểm nêu trên, công trình “Ứng dụng phương pháp lai hữu tính chọn tạo giống lúa thuần, năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Thanh Hóa” của tác giả Lê Thị Khánh, cán bộ Phòng Quản lý khoa học - Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) cùng 4 đồng tác giả đã được Hội đồng KH&CN tỉnh Thanh Hóa xét tặng Giải thưởng KH&CN Thanh Hóa năm 2019.

Tr.H


Tr.H

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]