(Baothanhhoa.vn) - Chương trình chuyển đổi số (CĐS) ngành thư viện đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, được xem là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực thư viện cũng như công tác phục vụ độc giả. Hiện, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh đang tích cực CĐS, song để đạt mục tiêu và hiệu quả như kỳ vọng cần sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.

Phát triển thư viện số

Chương trình chuyển đổi số (CĐS) ngành thư viện đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, được xem là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực thư viện cũng như công tác phục vụ độc giả. Hiện, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh đang tích cực CĐS, song để đạt mục tiêu và hiệu quả như kỳ vọng cần sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.

Phát triển thư viện sốThư viện tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Thời gian qua, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều lần Thư viện tỉnh phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp. Thế nhưng, độc giả của Thư viện vẫn không bị gián đoạn việc mượn, đọc sách. Anh Nguyễn Văn Hải, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Hiện nay, Thư viện tỉnh đã có thêm nhiều dịch vụ tiện ích mới thông qua các phần mềm, website để chúng tôi có thể truy cập nhanh chóng, chính xác, lựa chọn sách dễ dàng và đúng nhu cầu mà không cần đến Thư viện. Các tính năng hiện đại của phần mềm cũng giúp chúng tôi chủ động thời gian mượn, trả sách, bởi có thể đăng ký trước qua mạng Internet...

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thư viện là yêu cầu tất yếu, khi xã hội ngày phát triển, trình độ dân trí từng bước nâng lên. Những năm qua, Thư viện tỉnh đã chú trọng ưu tiên phát triển lĩnh vực này. Ông Lê Thiện Dương, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: Để vừa bảo đảm việc phục vụ bạn đọc, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, Thư viện tỉnh đã triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua trang facebook, website của Thư viện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng CNTT cũng được đầu tư khá đồng bộ. Thư viện hiện có phòng đọc sách điện tử với 90 máy vi tính; cùng một số trang thiết bị khác (máy in, máy scan chuyên dụng), hệ thống mạng nội bộ (LAN) và Internet... Đến nay, khoảng 90% công việc chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện bằng máy vi tính nhờ triển khai phần mềm quản lý thư viện iLib v8.0; phần mềm quản lý sách điện tử (sách web); phần mềm tra cứu (OPAC); cùng với đó, Thư viện đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, tích hợp thư viện số và sách điện tử trên website qua http://thuvientinhthanhhoa.vn. Ngoài ra, Thư viện tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả việc tra cứu thông tin thông qua điểm truy cập Internet công cộng miễn phí (thuộc Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ)... Nhờ đổi mới và ứng dụng CNTT đã góp phần duy trì và thu hút được lượng lớn độc giả đến với Thư viện tỉnh. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, Thư viện đã cấp và đổi thẻ bạn đọc 1.595 thẻ; phục vụ 342.000 lượt bạn đọc; 91 đề tài nghiên cứu khoa học; bổ sung được 6.000 bản sách; biên soạn, in ấn được 33/66 số thư mục “Thanh Hóa qua báo chí Trung ương”; sưu tầm tài liệu địa chí 1.200 bản; bổ sung 172 đầu báo và tạp chí... Hiện tại, Thư viện tỉnh đã thực hiện xong việc CĐS dưới dạng thư mục và đang hướng tới CĐS toàn diện, để dễ dàng phục vụ công cuộc CĐS trong thời gian tới.

Từng bước hiện đại hóa hệ thống thư viện

Theo số liệu thống kê, ngoài Thư viện tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có 27 thư viện huyện, thị xã, thành phố; hơn 300 thư viện cấp xã, phường, thị trấn và trên 4.000 phòng đọc sách, báo cơ sở. Khác với tuyến tỉnh, thư viện tuyến huyện, xã, hoạt động vẫn kém hiệu quả do cơ sở vật chất khó khăn; đầu sách nghèo nàn; việc ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện còn hạn chế...

Là một trong những thư viện được đầu tư khá đồng bộ, Thư viện huyện Quảng Xương có đầy đủ giá để sách, bàn đọc sách và khoảng hơn 23.000 cuốn sách, báo, tạp chí. Những năm trước, thư viện luôn có người ra vào đọc sách; học sinh các cấp thường xuyên đến mượn máy tính truy cập Internet. Nhưng gần đây, lượng người đến truy cập Internet và đọc sách báo giảm hẳn. Theo lý giải của chị Lê Thị Thanh Tâm, cán bộ quản lý thư viện (thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Quảng Xương) thì một phần là do ảnh hưởng của dịch COVID-19; mặt khác, do thư viện huyện chưa đổi mới, hệ thống máy vi tính không sử dụng được, số lượng, chất lượng sách, báo cũng chưa được bổ sung, nâng cao. Trong khi người đọc chỉ cần tìm kiếm trên mạng Internet là có thể thấy ngay vấn đề mình quan tâm. Do đó, việc thư viện huyện không thu hút được độc giả cũng là điều dễ hiểu.

Tại Thư viện huyện Nông Cống, mỗi ngày có khoảng 5 - 10 bạn đọc trong đó chủ yếu là học sinh, giáo viên và một số người lớn tuổi đến để mượn sách đọc. Để đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT, thư viện được Quỹ Bill & Melinda Gates trang bị 10 bộ máy tính. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các máy đều đã hư hỏng, không sử dụng được khiến cho việc truy cập sách, báo của độc giả cũng như công tác quản lý của cán bộ thư viện gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Nông Cống, tâm sự: Để thực hiện CĐS trong toàn ngành thư viện đòi hỏi không chỉ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trang bị cơ sở vật chất, mà mỗi cán bộ quản lý thư viện phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tư duy để cập nhật nhanh, chính xác nhu cầu, sở thích của bạn đọc.

Thực trạng trên cho thấy, đổi mới toàn diện hoạt động hệ thống thư viện huyện, xã, phòng đọc sách, báo cơ sở là yêu cầu có tính cấp thiết hiện nay. Ông Lê Thiện Dương, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho rằng: Trước hết, cần nâng cao chất lượng của thư viện huyện, xã trên mọi phương diện từ đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, số lượng, thể loại sách. Đồng thời, hướng tới xây dựng thư viện theo mô hình hiện đại. Đó phải là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, với các dịch vụ bổ trợ để người dân đến thư viện có thể vừa đọc sách vừa thư giãn, vừa truy cập Internet để tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tin học cho đội ngũ cán bộ thư viện... Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trong chương trình CĐS, các thư viện cần được đầu tư hạ tầng CNTT và phần mềm quản lý thư viện số hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]