(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (gọi tắt là Liên hiệp hội) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ những đề tài, dự án do Liên hiệp hội (LHH) và các hội thành viên chủ trì thực hiện đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có tác động xã hội tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả nghiên cứu khoa học trong tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (gọi tắt là Liên hiệp hội) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ những đề tài, dự án do Liên hiệp hội (LHH) và các hội thành viên chủ trì thực hiện đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có tác động xã hội tích cực.

Hiệu quả nghiên cứu khoa học trong tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học về chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội.

Nhằm phát huy hiệu quả của một số công trình thủy lợi, thủy điện trong việc cung cấp nước tưới, nguồn năng lượng sạch, Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa đã nghiên cứu các dữ liệu, xây dựng nội dung thuyết minh, đề xuất UBND tỉnh xây dựng đập thủy lợi, thủy điện Cẩm Hoàng trên sông Mã, đáp ứng nhu cầu cấp nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề xuất đã được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao. Theo đại diện lãnh đạo Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa, nếu dự án được triển khai thực hiện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giảm chi phí quản lý vận hành các công trình đầu mối trạm bơm. Dự án sẽ cung cấp nước tưới tự chảy cho trên 38.000 ha vùng đồng bằng tả ngạn sông Mã, gồm các huyện, thị xã: Vĩnh Lộc, Hà Trung, Bỉm Sơn, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, một phần các huyện Cẩm Thủy và Thạch Thành; đồng thời, phát điện với công suất là 16MW; cấp nước cho công nghiệp và dân sinh; đảm bảo dòng chảy cho hạ du. Cùng với đề xuất trên, hội đã tham mưu, tư vấn cho tỉnh nhiều chương trình dự án, như: dự án cung cấp nước sinh hoạt cho TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn từ hồ chứa nước Cửa Đạt. Hiện, dự án đã được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn làm công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, hội còn đề xuất thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, như: “Giải pháp thu trữ nước ngọt cho hộ dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt và hạn hán thiếu nước trước bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”; “Nghiên cứu đánh giá các rủi ro tiềm năng, đề xuất các giải pháp tối ưu trong quản lý vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh”...

Trong những năm qua, các hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức, nghiên cứu KH&CN, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo... của LHH được đẩy mạnh và có hiệu quả tích cực. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có những đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các tổ chức có hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã chủ động hợp tác và tác động tích cực đến hoạt động của LHH trong việc phát huy vai trò và tiềm lực trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN của địa phương. Đội ngũ trí thức tỉnh được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng nhìn chung kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng và trung thành với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Phần lớn có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết muốn được cống hiến sức mình vào công cuộc đổi mới của đất nước, của tỉnh.

Qua thống kê của LHH, từ năm 2013 đến nay, các hội thành viên và cơ quan thường trực LHH đã thực hiện trên 700 đề tài, dự án KH&CN. Trong đó, có trên 100 đề tài, dự án cấp bộ và cấp tỉnh, trên 600 đề tài, dự án cấp ngành, cơ sở. Trong 30 hội thành viên có 22 hội tích cực đẩy mạnh hoạt động KH&CN, có 15 hội tổ chức thực hiện từ 3 đề tài, dự án KH&CN trở lên, như: Hội Khoa học thủy lợi, Hội Khoa học lâm nghiệp, Hội Nghề cá, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Luật gia... Các đề tài, dự án được triển khai thực hiện đều bám sát nhu cầu nhiệm vụ KH&CN của cơ sở và của ngành, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tham gia thực hiện các dự án xây dựng cầu đường, góp phần không nhỏ trong việc phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh. Hội Khoa học kinh tế tham gia xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa tham gia 15 hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp bộ, 230 hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường cấp ngành và cơ sở; trực tiếp thực hiện giám sát thi công “Dự án cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất kho thuốc bảo vệ thực vật của HTX Phú Yên, huyện Thọ Xuân”...

Bên cạnh sự nỗ lực của các hội thành viên và cơ quan thường trực LHH, từ năm 2010 đến nay, LHH đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành lựa chọn được 87 công trình KH&CN tiêu biểu trong số hàng trăm công trình đã được chấm điểm, đánh giá cao của các hội đồng KH&CN cấp tỉnh, bộ ngành, tổng công ty trên địa bàn tỉnh gửi tham gia giải thưởng KH&CN hàng năm. Kết quả, có 23 công trình đạt giải quốc gia tiêu biểu như: Công trình “Nghiên cứu sinh học nguồn lợi và thử nghiệm sản xuất giống loài phi (Sanguinolaria diphos, Linnaeus, 1771) tại Thanh Hóa”, của nhóm tác giả Nguyễn Văn Hà, đạt giải nhì toàn quốc. Công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đặt mảnh ghép nhân tạo điều trị thoát vị bẹn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa năm 2016–2017” của nhóm tác giả Lưu Ngọc Hùng, đạt giải nhì toàn quốc. Công trình “Sản xuất ống nhựa thoát nước thải từ rác thải màng co PVC” của nhóm tác giả Nguyễn Viết Thanh, đạt giải ba toàn quốc. Công trình “Xác định mùa vụ sinh sản của một số loài cá kinh tế ở vùng biển Thanh Hóa làm cơ sở khoa học cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản” của nhóm tác giả Lê Đức Giang, đạt giải nhì toàn quốc. Công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản thóc đóng bao trong môi trường áp suất thấp” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Quý, đạt giải nhất toàn quốc. Công trình “Nghiên cứu sử dụng các hợp chất chiết xuất từ thực vật làm hạn chế quá trình xâm hại của côn trùng, bảo quản nông sản sau thu hoạch” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Sơn, đạt giải nhì toàn quốc... Đặc biệt, công trình “Xác định mùa vụ sinh sản của một số loài cá kinh tế ở vùng biển Thanh Hóa làm cơ sở khoa học cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản” của TS. Lê Đức Giang và cộng sự, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt giải cao cấp tỉnh, cấp quốc gia và giành được Huy chương Bạc tại Triển lãm quốc tế về KHCN tại Seoul, Hàn Quốc; các công trình đạt giải cao cũng được ghi trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” hàng năm.

Có thể thấy, từ những kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã và đang làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của trí thức KH&CN, hướng kết quả, thành tựu khoa học kỹ thuật về cơ sở. Các hội thành viên và cơ quan thường trực LHH cũng như đội ngũ tri thức của tỉnh đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm, đề xuất và triển khai thực hiện nhiều sáng kiến khoa học xác đáng, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh: Trường Giang


Bài và ảnh: Trường Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]