(Baothanhhoa.vn) - Khu Bảo tồn biển Hòn Mê (Tĩnh Gia) là một trong 16 khu bảo tồn biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảo Hòn Mê - khu bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật biển

Khu Bảo tồn biển Hòn Mê (Tĩnh Gia) là một trong 16 khu bảo tồn biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.

Một góc đảo Hòn Mê (Tĩnh Gia).

Qua khảo sát, nghiên cứu của các bộ, ngành có liên quan, đảo Hòn Mê được đánh giá là nơi có giá trị về đa dạng sinh học và sự đa dạng về sinh cảnh. Hòn Mê là đảo lớn nhất và duy nhất có rừng và động vật hoang dã cư trú. Xung quanh đảo Hòn Mê có nhiều loài sinh vật biển có giá trị về đa dạng sinh học và sự đa dạng về sinh cảnh, gồm hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rong biển, thực vật thủy sinh... Khu vực này có 440 loài sinh vật biển thuộc 165 giống, bao gồm 133 loài thực vật và 46 loài động vật phù du, 8 loài rong biển, 56 loài san hô, 141 loài động vật đáy và 55 loài cá san hô. Vùng biển quanh đảo Hòn Mê còn có nhiều loài động, thực vật biển có giá trị kinh tế cao, nhiều loài là các loài quý hiếm có giá trị về khoa học, sinh thái môi trường. Trong đó, có một số loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, như: Bò biển Dugong dugon, họ rùa da, vích, đồi mồi, quản đồng, cá ông sư; có 3 loài được đánh giá ở mức độ có nguy cơ tuyệt chủng, gồm: Bào ngư chín lỗ, ốc đụn cái, ốc xà cừ; 2 loài san hô có tên trong danh mục các loài quý hiếm được phân hạng nguy cấp của Sách đỏ Việt Nam năm 2007, là san hô lỗ đỉnh Nôbi và san hô khối đầu thùy...

Mặc dù nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển của khu vực Hòn Mê phong phú và đa dạng nhưng hiện chưa được quản lý, khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Trước sức ép ngày càng gia tăng từ các hoạt động khai thác hải sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tài nguyên sinh học biển khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, khai thác cạn kiệt nguồn lợi, khai thác hủy diệt, tình trạng suy thoái nghiêm trọng của nhiều vùng rạn san hô, công tác quản lý môi trường sinh thái và nguồn lợi chưa được quan tâm đúng mức đã đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của tài nguyên sinh học biển khu vực này. Bên cạnh đó, nhận thức và trình độ của cộng đồng ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn rất hạn chế.

Thực hiện Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế - xã hội khu vực biển xung quanh đảo Hòn Mê làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch chi tiết và đề xuất thành lập Khu Bảo tồn biển Hòn Mê. Khu Bảo tồn biển Hòn Mê được đề xuất quản lý là “khu bảo tồn loài, nơi sinh cư” với tổng diện tích bảo tồn là 6.700 ha, trong đó có 537,5 ha đảo và 6.162,5 ha mặt nước. Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh các thủ tục cần thiết để tiến hành thẩm định, thành lập và đưa Khu Bảo tồn biển Hòn Mê vào hoạt động. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tài nguyên biển; gắn kết trách nhiệm, vai trò và kiến thức bản địa của người dân địa phương trong các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật biển; nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học biển...

Khu Bảo tồn biển Hòn Mê được thành lập sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế biển và du lịch.


Bài và ảnh: Hải Đăng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]