(Baothanhhoa.vn) - Trong vụ bê bối rò rỉ dữ liệu mới nhất của Facebook, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (Anh) đã thu thập trái phép dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Facebook.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cambridge Analytica đã biến lượt "Like" trên Facebook thành công cụ chính trị như thế nào?

Trong vụ bê bối rò rỉ dữ liệu mới nhất của Facebook, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (Anh) đã thu thập trái phép dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Facebook.

Facebook đang đối mặt cuộc khủng hoảng mà truyền thông thế giới gọi là "một phép thử lớn chưa từng có". (Ảnh: BBC)

Điều đáng nói là chính công ty này lại cung cấp dịch vụ tư vấn dữ liệu cho phe của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Vậy Cambridge Analytica đã biến các lượt "Like" trên Facebook thành công cụ chính trị như thế nào?

Bài viết trên The Guardian khẳng định, các thuật toán mà Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica sử dụng đã thu thập các thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook, trong đó có giới tính, chủng tộc, xu hướng tình dục, thậm chí là cả trình độ học vấn và cả những bi kịch thời niên thiếu của họ.

Theo đó, khi sử dụng thuật toán, chỉ cần phân tích các lần bấm "Like", Cambridge Analytica có thể dự đoán chắc chắn về xu hướng chính trị của người dùng, dự đoán được người dùng sẽ có bỏ phiếu cho đảng phái nào; đồng thời nắm bắt giới tính của họ. Thao tác bấm "Like" cũng sẽ tiết lộ hàng loạt thông tin cá nhân khác, ngay cả những bi kịch thời niên thiếu của người dùng (nếu có) mà không cần phải sục sạo vào các tin nhắn cá nhân, các dòng trạng thái, ảnh đăng trên Facebook hoặc các thông tin profile mà người dùng cung cấp cho Facebook.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thu thập dữ liệu cá nhân trên Facebook mang ý nghĩa tiêu cực, vì nó có thể dễ dàng áp dụng đối với hàng loạt người dùng mà không cần sự đồng ý của cá nhân họ. Các công ty thương mại, các tổ chức chính phủ, hoặc thậm chí bạn bè trên Facebook của bạn có thể sử dụng phần mềm để phân tích quan điểm chính trị của bạn, mặc dù bạn không có ý định chia sẻ.

Facebook đang đối mặt cuộc khủng hoảng mà truyền thông thế giới gọi là "một phép thử lớn chưa từng có" liên quan tới dữ liệu người dùng. Facebook đã để Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Điều đáng báo động nhất trong vụ bê bối này là Cambridge Analytica đã không vi phạm quy định nào của Facebook, mọi việc xảy ra đều phù hợp với chính sách và điều khoản sử dụng của Facebook. Qua đó dấy lên lên các tranh cãi trong cách kinh doanh, khai thác dữ liệu người dùng của Facebook. Doanh nghiệp này kiếm tiền bằng cách thu thập dữ liệu của người dùng và bán chúng lại cho các nhà phát triển ứng dụng, quảng cáo. Vì vậy, người dùng hầu như không thể ngăn chặn dữ liệu cá nhân được mua bán cho bên thứ ba và cũng không xác định được mục đích sử dụng của họ là gì.

Vụ bê bối trên diễn ra vào đúng thời điểm Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về sức hấp dẫn của ứng dụng này, ít nhất là tại Mỹ. Trong khi đó, giới chức Anh đang tiến hành điều tra xem liệu Facebook có thực hiện đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu hay không, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thúc đẩy nỗ lực mở một cuộc điều tra khẩn cấp về thông tin cho rằng Cambridge Analytica được Tổng thống Mỹ Donald Trump thuê đã tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook.

Vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica có thể đẩy nhanh tốc độ chán Facebook của người dùng. Mạng xã hội ngày càng dễ bị thao túng bởi các tổ chức chính trị, chính phủ… Cuối cùng, thủ phạm trong vụ bê bối để lộ thông tin này trong mắt công chúng không phải Cambridge Analytica hay thế lực nào khác, mà chính là Facebook.

Cambridge Analytica là công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Anh, chuyên phân tích, nghiên cứu các dữ liệu liên quan đến thói quen, hành vi người dùng hoặc cử tri trong các chiến dịch vận động tranh cử.

Về mặt thương mại, Cambridge Analytica sử dụng các công cụ để phân tích, từ đó "phân khúc đối tượng", phân chia các đối tượng tiếp cận quảng cáo thành các nhóm nhỏ hơn, từ đó hướng mục tiêu quảng cáo thương mại đến các nhóm khách hàng khác nhau dựa trên các ứng dụng đa nền tảng.

Trên phương diện chính trị, thông qua thu thập dữ liệu, Cambridge Analytica đã giúp các chính trị gia tiếp cận cử tri qua các hình thức tuyên truyền và vận động trực tuyến. "Hồ sơ" của mỗi cử tri được tập hợp từ nhiều nguồn, bao gồm thông tin cá nhân, hành vi, xu hướng chính trị, kết hợp với các cuộc khảo sát ý kiến... Sau đó, Cambridge Analytica sử dụng hệ thống để phân tích và dự đoán hành vi rồi đưa ra những quảng cáo riêng biệt nhắm tới từng đối tượng, phục vụ cho các chiến dịch vận động tranh cử, thông qua việc "Kết hợp tính chính xác giữa phân tích dữ liệu với những hiểu biết sâu sắc về tâm lý học hành vi và công nghệ" như công ty này cam kết, qua đó giúp khách hàng có thể thực hiện một chiến dịch tranh cử với hiệu quả cao nhất.


H.T

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!