(Baothanhhoa.vn) - Giữa làn sóng chuyển đổi số đang lan rộng khắp cả nước, Thanh Hóa cũng không nằm ngoài xu thế. Không dừng lại ở phạm vi doanh nghiệp hay cơ quan Nhà nước, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tích cực khơi dậy và thúc đẩy phong trào “Gia đình số” - một sáng kiến nhằm hiện thực hóa mục tiêu “mỗi người dân là một công dân số, mỗi gia đình là một gia đình số”.

Khi công nghệ thắp sáng những giá trị truyền thống

Giữa làn sóng chuyển đổi số đang lan rộng khắp cả nước, Thanh Hóa cũng không nằm ngoài xu thế. Không dừng lại ở phạm vi doanh nghiệp hay cơ quan Nhà nước, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tích cực khơi dậy và thúc đẩy phong trào “Gia đình số” - một sáng kiến nhằm hiện thực hóa mục tiêu “mỗi người dân là một công dân số, mỗi gia đình là một gia đình số”.

Khi công nghệ thắp sáng những giá trị truyền thống

Chạm tay vào công nghệ số, nhiều tiểu thương ở Thanh Hóa dễ dàng kết nối với khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh mỗi ngày. Ảnh: Chi Phạm

Phong trào “Gia đình số” được triển khai trên nền tảng các chính sách quốc gia về chuyển đổi số, đặc biệt bám sát Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Với quyết tâm đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng xã hội số từ chính nền tảng nhỏ nhất: Gia đình. Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ, đến hết quý I/2025 toàn tỉnh có hơn 65% hộ gia đình sử dụng ít nhất một dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc 4. Con số này thể hiện bước tiến đáng kể so với tỷ lệ chỉ khoảng 35% vào cuối năm 2023. Không dừng lại ở đó, tỉnh còn đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có trên 80% gia đình tham gia các nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, thanh toán điện tử và an sinh xã hội.

Phong trào “Gia đình số” không chỉ nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền mà còn có sự đồng thuận từ người dân. Tại huyện Hoằng Hóa - một trong những địa phương đi đầu trong phong trào này đã có hơn 90% gia đình sử dụng ứng dụng VNeID để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng và tiếp cận các thông tin hành chính kịp thời.

Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Hoằng Phụ chia sẻ: “Trước đây, muốn xin giấy tờ gì cũng phải đi lại rất phiền phức. Giờ chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là xong. Nhờ ứng dụng này mà gia đình tôi đăng ký tiêm chủng đúng lịch, theo dõi tình hình y tế của địa phương một cách sát sao hơn, nhất là trong mùa dịch bệnh".

Phong trào “Gia đình số” không chỉ nằm ở việc mỗi cá nhân biết sử dụng thiết bị thông minh hay truy cập internet, mà quan trọng hơn là sự đồng hành của cả gia đình trong hành trình chuyển đổi số. Khi các thành viên trong gia đình cùng nhau làm quen và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống thường ngày, giá trị của số hóa không chỉ dừng lại ở tiện ích cá nhân, mà còn lan tỏa mạnh mẽ thành thói quen cộng đồng. Từ những “gia đình số” này, Thanh Hóa từng bước hình thành những công dân số năng động.

Các lớp tập huấn về kỹ năng số cho các nhóm đối tượng khác nhau như người cao tuổi, phụ nữ nông thôn, hay thanh, thiếu niên được tổ chức thường xuyên tại các xã. Theo thống kê của Hội LHPN nữ tỉnh, năm 2024 đã có hơn 15.000 lượt phụ nữ tham gia các buổi tập huấn về thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những con số này chứng minh rằng chuyển đổi số không còn là sân chơi của riêng giới trẻ hay những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, mà đã trở thành phong trào rộng khắp.

Không dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ để phục vụ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày, nhiều gia đình tại Thanh Hóa đang từng bước biến phong trào “Gia đình số” thành bệ phóng để bứt phá kinh tế, mở rộng cơ hội làm ăn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) là minh chứng sống động cho sự chuyển mình này. Trước đây, chị gắn bó với sạp hàng nhỏ tại chợ phường, lượng khách chủ yếu ở khu dân cư gần nhà. Sau khi tham gia các lớp tập huấn thương mại điện tử do Sở Công Thương phối hợp tổ chức, chị đã mạnh dạn mở gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như postmart và voso. Bước đi này không chỉ giúp chị mở rộng thị trường, mà còn làm thay đổi hoàn toàn tư duy kinh doanh của gia đình. Từ chỗ bán lẻ truyền thống, chị học cách đóng gói chuyên nghiệp, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, chăm sóc khách hàng online và tận dụng các đợt ưu đãi của sàn để tăng đơn hàng. Thành quả là thu nhập của gia đình chị đã tăng gấp đôi, sản phẩm không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh khác. Điều quan trọng hơn cả, gia đình chị không còn bị giới hạn bởi phiên chợ, gian hàng online có thể hoạt động 24/7.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phong trào “Gia đình số” tại Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là hạ tầng công nghệ tại vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, tốc độ internet chưa ổn định và chi phí thiết bị thông minh vẫn còn là gánh nặng với một số hộ gia đình thu nhập thấp. Bên cạnh đó, không phải ai cũng sẵn sàng chuyển đổi thói quen truyền thống sang môi trường số. Một bộ phận người dân, đặc biệt là người cao tuổi còn e ngại với các thao tác trên điện thoại thông minh, lo lắng về tính an toàn của giao dịch điện tử hay quyền riêng tư cá nhân.

Nhận diện những rào cản trong thực hiện phong trào “Gia đình số”, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đang nỗ lực từng ngày bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Các chương trình “cầm tay chỉ việc”, đội tình nguyện viên công nghệ số tại cơ sở đã giúp người dân tiếp cận công nghệ một cách gần gũi và dễ hiểu hơn. Đặc biệt, cơ quan chức năng đang phối hợp với các nhà mạng để triển khai gói cước ưu đãi dành riêng cho các hộ gia đình, cũng như hỗ trợ thiết bị thông minh cho những đối tượng khó khăn. Đây là giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình chuyển đổi số.

Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]