Khát vọng cùng quê hương đẹp hơn mỗi ngày
Khi đã đi qua biết bao thăng trầm, vất vả, cũng đã bắt đầu nếm trải được chút “hậu vị” ngọt, thơm với nghề, doanh nhân trẻ Lê Anh, CEO Công ty TNHH Thực phẩm & Thương mại dịch vụ Lê Gia (sau đây gọi tắt là Lê Gia) tiếp tục nối dài hành trình xây dựng và kiến tạo giá trị văn hóa, ẩm thực Việt nói chung, xứ Thanh nói riêng với những ý tưởng đầy táo bạo. Anh xác lập cột mốc mới trong sự nghiệp bằng việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn, tiên phong thúc đẩy mô hình sản xuất kinh doanh kết hợp du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề tại quê nhà Hoằng Hóa.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại điểm du lịch tham quan trải nghiệm Cơ sở sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia (Hoằng Hóa).
Đưa “hộ chiếu” ẩm thực Việt kết nối muôn phương
Ngày anh Lê Anh quyết định từ bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước để về quê lập nghiệp từ nghề mắm truyền thống, nhiều người tặc lưỡi tiếc nuối trước quyết định có phần “Đôn-ki-hô-tê” ấy. Nhưng với Lê Anh, đó là trở về với “vành nôi” của nghề và làng nghề nước mắm truyền thống Khúc Phụ (Hoằng Hóa), về với nền tảng, giá trị căn cốt nhất của đời mình.
“Hành trình mang những giá trị truyền thống xứ Thanh và hộ chiếu ẩm thực cha ông đi ra thế giới là hành trình gian nan. Gian nan như cách chúng tôi khởi nghiệp làm mắm”, anh Lê Anh bộc bạch. Vòng xoáy thị trường với vô vàn áp lực và cả những cám dỗ. Cuộc cạnh tranh khốc liệt với nước mắm công nghiệp hay trong chính nội tại nghề nước mắm truyền thống “vàng thau lẫn lộn” rồi xoay vòng với nguồn vốn, thị hiếu khách hàng..., anh Lê Anh cùng các cộng sự vẫn quyết tâm xây dựng và phát triển Lê Gia theo hướng truyền thống, sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Khi bạn theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn, điều này đúng với Lê Gia lúc này. Lê Gia vinh dự, tự hào là một trong số ít chủ thể trên cả nước và chủ thể duy nhất tại Thanh Hóa có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia (nắm tôm và nước mắm Lê Gia), 1 sản phẩm OCOP 4 sao (mắm tép Lê Gia) và 1 sản phẩm OCOP 3 sao (ruốc tôm sú Lê Gia). Những sản phẩm an lành – tự nhiên – truyền thống của Lê Gia đã góp phần tạo nên những mâm cơm an lành của rất nhiều gia đình Việt. Các sản phẩm mắm Lê Gia đã dần khẳng định được uy tín, thương hiệu, chất lượng trên thị trường, có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm sạch, đại lý trên toàn quốc và xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Singapore, Newzealand, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Anh Lê Anh nhận định: “Việc xuất khẩu các sản phẩm mắm truyền thống không chỉ là hoạt động thương mại thuần túy, mà đó còn là xuất khẩu văn hóa ẩm thực cha ông, tôn vinh những giá trị truyền thống của người Việt.
Hiện nay, Lê Gia đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm ngư dân, diêm dân, lao động biển, phần lớn là lao động địa phương và gián tiếp tạo sinh kế cho hàng nghìn lao động khác. Anh Lê Anh xúc động bộc bạch: “Không có sự chung tay, góp sức của những người con ngư dân, diêm dân, lao động biển thì không thể có Lê Gia của ngày hôm nay. Vì vậy, chúng tôi cố gắng, nỗ lực phát triển hơn mỗi ngày như hành động thiết thực nhất để trả ơn họ và tiếp tục cùng họ xây dựng chuỗi giá trị anh lành – bền vững”.
Quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất và người Thanh Hóa
Những ai đã từng có dịp trò chuyện, dõi theo hành trình khởi nghiệp của CEO Lê Anh đều cảm nhận được tình yêu, niềm tự hào và khát vọng cống hiến lớn lao của anh dành cho sự phát triển của quê hương. Đó cũng đã động lực để Lê Anh mạnh dạn đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia tại thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).
Anh Lê Anh, CEO Công ty TNHH Thực phẩm & Thương mại dịch vụ Lê Gia giới thiệu với du khách quy trình sản xuất các sản phẩm mắm truyền thống của đơn vị.
Tọa lạc ngay cạnh sân vận động xã Hoằng Phụ - cách Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến chỉ hơn 3km, nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 10.000m2, thiết kế theo xu hướng thân thiện với thiên nhiên, tận dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại.
Đặc biệt, đến với thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia, du khách chỉ cần “mang theo một tâm hồn đẹp”, việc tham quan, trải nghiệm được miễn phí hoàn toàn. Trong không gian xanh mát của cỏ cây, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống vùng ven biển, du khách sẽ không khỏi thích thú khi được thỏa sức check in; trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu quy trình và bí quyết của những nghệ nhân làm mắm để cho ra những “giọt mật” của biển và thưởng thức những món quà quê dân giã mà gợi thương gợi nhớ như: sung - khế - ổi - cóc - bánh tráng, các loại nước vối, chè xanh mát lành...
Du lịch là trải nghiệm. Nhận thức sâu sắc điều đó, Lê Gia chú trọng đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống (nhảy sạp - ô ăn quan - chơi cờ); khám phá ngọn hải đăng Lạch Trào (tại nơi sông Mã đổ ra biển Đông) với hình thức di chuyển theo đoàn bằng ô tô hoặc tour đạp xe theo cung đường: Làng nghề mắm Khúc Phụ - cánh đồng nuôi trồng thủy sản - đường đê bao biển Lạch Hới - hải đăng Lạch Trào; trải nghiệm làm các loại bánh truyền thống (bánh đúc - bánh răng bừa - bánh cuốn...), làm nem chua... Với các hoạt động này, du khách đảm bảo sẽ “vui tới bến”, chẳng có “cơ hội” để nhàn rỗi hay buồn chán.
Sự chân thành, tận tâm và chuyên nghiệp trong suốt quá trình đón tiếp, “vào vai” hướng dẫn viên của “gia chủ” sẽ làm hài lòng những vị khách khó tính nhất. “Cơ sở sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia thực sự là địa điểm đáng để trải nghiệm”; “Nhà máy sản xuất nước mắm và thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia là nhà máy đẹp nhất mà mình từng biết. Qua Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến chơi nhất định phải qua đây tham quan, mua sắm quà lưu niệm”; “Địa điểm du lịch trải nghiệm rất thú vị. Cảnh quan của nhà máy đẹp, nhiều điểm nhấn, tô đẹp ân tình quê hương và lưu hương nước mắm truyền thống”... Khi tìm kiếm thông tin về nhà máy, chúng ta đều có thể dễ dàng bắt gặp những đánh giá, phản hồi tích cực, tình cảm của du khách dành cho Lê Gia. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà Lê Gia luôn trân trọng, biết ơn.
Với những giá trị ấy, ngày 20/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3456/QĐ-UBND về việc công nhận Cơ sở sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia là điểm du lịch tham quan trải nghiệm. Anh Lê Anh hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng việc gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng chúng ta cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, thân thiện và sinh thái có tác dụng lan tỏa giá trị nhiều hơn. Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở. Thương mại chỉ là một phần của quá trình; tính giáo dục và giao thoa văn hóa mới là những công cụ quan trọng để truyền tải nét đẹp nông thôn”.
Lê Gia chứa đựng tất cả tâm huyết, nỗ lực không ngừng nghỉ và khát vọng lớn lao cùng quê hương đẹp hơn mỗi ngày của CEO Lê Anh và các cộng sự. Anh Lê Anh nói vui mà sâu sắc: “Nếu thuần túy trên góc độ kinh tế, tôi tự nhận mình là người lãng mạn, ngây thơ. Nhưng tôi tin, sự chân thành và tử tế sẽ luôn tạo ra giá trị bền vững, chỉ cần mình kiên tâm”.
Thông qua các sản phẩm mắm truyền thống, gia vị tự nhiên từ hải sản và hoạt động thúc đẩy nông nghiệp kết hợp du lịch, Lê Gia đã và đang trên hành trình phát triển, lan tỏa sứ mệnh là đầu ra của hàng nghìn ngư dân, diêm dân; chăm sóc bữa ăn cho hàng triệu gia đình Việt Nam. Hành trình phát triển của Lê Gia ấy được viết nên bởi “ngôn ngữ của sự phấn khởi, nỗ lực, hăng say dốc sức thực hiện điều mình vững tin và mong mỏi đạt được”. Để từ đó, Lê Gia góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tài nguyên bản địa, gia tăng chuỗi giá trị nông sản và du lịch, tác động tích cực tới cộng đồng và xã hội, giới thiệu ra thế giới những đặc sắc của “hộ chiếu ẩm thực” Việt Nam.
Bài và ảnh: Thanh Thủy
{name} - {time}
-
2025-05-20 15:29:00
Thủy Chú “xinh tốt đáng ưa”
-
2025-05-20 15:27:00
Thúc đẩy du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững
-
2025-04-22 16:12:00
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 3): Khúc ca ngày mới
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 2): Rực lửa chiến công
Huyền thoại Hàm Rồng
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 2): Những mối tình nơi tuyến lửa
Kỳ bí hang Dơi
“Ghi điểm” từ hạ tầng giao thông, Khu Kinh tế Nghi Sơn “đón sóng” đầu tư
TS, Bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa: Cần phải giải quyết những thách thức về nguồn lực...
Những vọng âm lịch sử...
Ký ức chiến tranh trên màn ảnh rộng...