Khám phá du lịch Thường Xuân

(Baothanhhoa.vn) - Huyện Thường Xuân không chỉ nổi tiếng là vùng đất “quế ngọc châu Thường”, mà thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp kỳ vĩ, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cùng những thác nước hoang sơ, trữ tình và các bản làng thanh bình, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, Mường... Đây chính là điều kiện “tiên quyết” để huyện phát triển nhiều loại hình du lịch hút khách suốt 4 mùa.

Huyện Thường Xuân không chỉ nổi tiếng là vùng đất “quế ngọc châu Thường”, mà thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp kỳ vĩ, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cùng những thác nước hoang sơ, trữ tình và các bản làng thanh bình, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, Mường... Đây chính là điều kiện “tiên quyết” để huyện phát triển nhiều loại hình du lịch hút khách suốt 4 mùa.

Khám phá du lịch Thường XuânKhu Du lịch bản Mạ (thị trấn Thường Xuân).

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng thực hiện được kế hoạch đi khám phá, trải nghiệm các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Thường Xuân. Sáng sớm, từ TP Thanh Hóa, vượt cung đường 50km chúng tôi đã đến trung tâm huyện. Điểm dừng chân đầu tiên đó là Khu Du lịch bản Mạ (thị trấn Thường Xuân). Nơi đây vốn nổi tiếng bởi chiếc cầu treo xinh xắn bắc qua dòng sông Chu hiền hòa, quanh năm dòng nước trong xanh, phẳng lặng. Đi qua cây cầu, con đường dẫn vào bản quanh co uốn lượn với những hàng hoa hai bên đường đang đua nhau khoe sắc, tỏa hương, không gian mát mẻ, trong lành. Xa xa, ẩn hiện trong rừng cây là những ngôi nhà sàn của bà con dân tộc Thái. Tìm đến homestay của gia đình anh Vi Văn Ngọ, hộ làm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở đây, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những ngôi nhà mái lá đơn sơ, không gian thoáng đãng, được bố trí một cách khoa học, đẹp mắt. Trong nhà đồ dùng phục vụ du khách được làm từ gỗ, tre, nứa tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với môi trường. Nói về việc làm du lịch cộng đồng của gia đình mình anh Ngọ hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi làm du lịch cộng đồng đã được 5 năm nay. Hàng năm, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn do các cấp, ngành tổ chức, gia đình còn tích cực học hỏi thêm cách làm du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương khác cả trong và ngoài tỉnh. Hiện tại homestay của gia đình tôi rộng 6 ha, có 2 phòng khép kín, 1 nhà cộng đồng có sức chứa từ 25 - 30 người. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, gia đình tôi đã chú trọng cải tạo khuôn viên, đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời đa dạng các loại hình dịch vụ lưu trú, ăn uống... Không chỉ gia đình tôi, mà hiện nay toàn bản Mạ đã có 10/56 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng”.

Nhờ sự linh hoạt, sáng tạo trong cách làm du lịch nên những năm gần đây bản Mạ thu hút rất đông khách đến tham quan, lưu trú. Du khách đến đây sẽ được khám phá mảnh đất và những phong tục tập quán mang đậm chất của đồng bào dân tộc Thái như những điệu khua luống, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, các làn điệu dân ca và thưởng thức những món ăn do người dân tự chế biến đó là thịt lợn luộc, rau rừng, măng chua, gà nướng...

Chúng tôi tiếp tục hành trình đến tham quan lòng hồ thủy điện Cửa Đạt, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của huyện. Giữa màu xanh của những cánh rừng già, lòng hồ Cửa Đạt hiện ra như một biển lớn mang đến cảm giác vừa nên thơ nhưng cũng đầy huyền bí kích thích sự khám phá của con người. Chiếc thuyền của Công ty Du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt do anh Nguyễn Văn Sinh cầm lái đã cập bến sẵn để đón đoàn chúng tôi. Ngồi trên thuyền, thích thú nhất là được thưởng ngoạn vẻ đẹp non nước hữu tình, không khí mát mẻ và khám phá những cánh rừng bạt ngàn xanh mướt trải rộng ngút ngàn của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, nơi được ví như rừng Amazon của Việt Nam. Sau hơn 1 giờ đồng hồ du ngoạn cảnh sông nước, thuyền đã đến thác Hón Yên (xã Vạn Xuân), đây là một trong những dòng thác đẹp, mới được khám phá. Trước mắt chúng tôi, dòng thác hiện ra như một dải lụa trắng xóa, với những tầng tầng, lớp lớp đá nối tiếp nhau từ trên cao xuống thấp. Theo lời kể của anh Sinh: thác Hón Yên được hình thành từ nhiều con suối nhỏ chảy xuống từ đỉnh núi Pù Gió có độ cao gần 800m so với mực nước biển, nằm trong địa hạt quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Dòng thác có 3 tầng. Tầng thấp nhất ở phía cuối dòng có độ cao khoảng 50m, tầng thứ 2 là trên 30m và tầng thác trên cùng cao khoảng 20m. Tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá và chinh phục dòng thác hoang sơ, kỳ vĩ nằm giữa cánh rừng nguyên sinh với làn nước trong vắt, mát mẻ.

Sau nửa tiếng đồng hồ vui đùa trên dòng thác Hón Yên, chúng tôi quay về thuyền và cùng nhau thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào dân tộc Thái đó là măng đắng, gà nướng, tôm sông, canh đắng, thịt lợn nướng... và cùng nhau trò chuyện, hát hò vui vẻ. Kết thúc chuyến du thuyền, đoàn chúng tôi vào tham quan quần thể di tích đền Cửa Đặt, một vùng thắng tích hội sơn tụ thủy đẹp mê hồn. Nơi đây nổi tiếng với 2 ngôi đền thiêng thờ phụng người anh hùng Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng ngàn. Đối với người dân ở đây, những vị thần trong ngôi đền này đang phù hộ bảo vệ sức khỏe và sự bình yên cho họ. Đây cũng là nơi dành cho những du khách phương xa muốn tìm đến sự thanh tịnh và bình yên trong tâm hồn.

Hành trình một ngày tuy ngắn ngủi nhưng chuyến đi đã mang lại những trải nghiệm tuyệt vời! Chúng tôi được hòa mình vào con sông, bến nước, được thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, khám phá những hang động, thác nước đẹp say lòng người... Và hơn hết, chính là cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện cùng sự đổi mới về tư duy trong cách làm du lịch của người dân nơi đây. Đúng như chia sẻ của ông Lê Hữu Giáp, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân: du lịch Thường Xuân những năm gần đây thu hút đông khách du lịch không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà còn ở sự mến khách của bà con dân tộc thiểu số. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch của huyện, thể hiện ở việc ban hành đề án, quy hoạch phát triển du lịch huyện Thường Xuân đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, tập trung vào đề án phát triển du lịch cộng đồng; đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh, lễ hội... định hướng quy hoạch các khu, điểm du lịch, trong đó đã thực hiện việc bổ sung rà soát, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phát triển du lịch đến năm 2030. Cùng với đó, huyện đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách và tranh thủ được các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; thực hiện các cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch. Theo số liệu thống kê, tổng mức đầu tư phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2015-2020 của huyện lên đến 85,9 tỷ đồng bao gồm ngân sách Nhà nước và cả nguồn huy động đóng góp. Thời gian tới, huyện xác định việc cần làm là xây dựng sản phẩm du lịch cho từng khu, điểm du lịch trên địa bàn để tạo nên những nét riêng, không trùng lặp với các địa phương khác. Cùng với đó, chú trọng hơn trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, hệ thống thương hiệu du lịch Thường Xuân nhằm tạo nét đặc trưng, ấn tượng và hấp dẫn du khách suốt 4 mùa.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

25°C - 31°C
Nhiều mây, có mưa dông
  • 26°C - 33°C
    Có mây, không mưa
  • 26°C - 32°C
    Có mây, có mưa rào và dông
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]