(Baothanhhoa.vn) - Theo Chính phủ Israel, nước này sẵn sàng chấp nhận kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Biden, xây dựng một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, song nhiều chi tiết của kế hoạch này cần được hoàn thiện.

Kế hoạch của ông Biden liệu có mang lại hòa bình cho Dải Gaza?

Theo Chính phủ Israel, nước này sẵn sàng chấp nhận kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Biden, xây dựng một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, song nhiều chi tiết của kế hoạch này cần được hoàn thiện.

Kế hoạch của ông Biden liệu có mang lại hòa bình cho Dải Gaza?

Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Biden

Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Biden đã công bố một kế hoạch ba giai đoạn nhằm chấm dứt chiến tranh tại Gaza. Ngay sau đó, các quan chức Israel xác nhận rằng các điều khoản trong kế hoạch này phù hợp với đề xuất ngừng bắn đã được nội các chiến tranh của Israel phê duyệt nhưng chưa được công khai trước công chúng.

Theo kế hoạch trên, giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong 6 tuần và bao gồm lệnh ngừng bắn “đầy đủ và hoàn chỉnh”, như Israel rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza và thả một số con tin bao gồm cả phụ nữ, người già, người bị thương để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine. Hơn 100 con tin đã được thả theo một thỏa thuận hạn chế hơn vào tháng 11 năm ngoái. Ước tính có khoảng 125 người vẫn đang bị Hamas và các nhóm vũ trang khác giam giữ ở Gaza, mặc dù hàng chục người được cho là đã chết.

Giai đoạn thứ hai được Tổng thống Biden miêu tả là “giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch”. Tuy nhiên, theo ông Biden, các cuộc đàm phán để đi đến giai đoạn thứ hai có thể mất hơn 6 tuần vì sẽ có những khác biệt giữa hai bên. Trong giai đoạn thứ hai, tất cả các con tin còn sống sẽ được thả, bao gồm cả binh sĩ nam.

Ở giai đoạn thứ ba, một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza sẽ được triển khai và hài cốt của các con tin thiệt mạng sẽ được trao trả cho gia đình.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Thủ tướng Netanyahu

Theo The Sunday Times, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu trong Chính phủ Israel đe dọa phá hủy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu nếu ông chấp nhận đề xuất ngừng bắn ở Dải Gaza do Tổng thống Mỹ Biden đề xuất. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel và là người đứng đầu đảng Otzma Yehudit, ông Itamar Ben-Gvir đã bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin theo đề xuất của Tổng thống Biden, đồng thời nói rằng thà giải tán chính phủ còn hơn trao “chiến thắng cho chủ nghĩa khủng bố”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Israel Bezalel Smotrich tuyên bố sẽ rút khỏi chính phủ nếu Thủ tướng Netanyahu đồng ý với kế hoạch đề xuất.

Ngược lại, lãnh đạo phe đối lập Israel Yair Lapid kêu gọi ông Netanyahu chấp nhận kế hoạch của Nhà Trắng nhằm giải quyết tình hình chiến sự ở Dải Gaza. Đồng thời, ông bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ chính phủ thực hiện thỏa thuận nếu một số đối tác trong liên minh của Thủ tướng Netanyahu phản đối.

Tương lai nào cho cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza

Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Biden tiếp tục cho thấy những bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích giữa các bên hiện nay là rất lớn. Gia đình của những tù nhân bị bắt ở Israel và đang bị giam giữ ở Gaza, cũng như một bộ phận tầng lớp chính trị của Isarel, không ngừng kêu gọi Chính phủ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Ngược lại, áp lực từ chối thỏa thuận cũng rất mạnh mẽ, đặc biệt là từ các đồng minh cánh hữu của ông Netanyahu. Rõ ràng, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Biden đã đặt ông Netanyahu vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, và vẫn còn phải chờ xem liệu ông sẽ lựa chọn sự nghiệp chính trị của mình hay sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của một bộ phận người dân bất chấp sức ép từ chính các đồng minh.

Theo Reuters, thông qua kế hoạch hòa bình, Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden muốn phát đi thông điệp tới Israel nhằm nhanh chóng chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza. Thực tế, ngay sau khi đưa ra kế hoạch hòa bình, Chính quyền Mỹ cũng đã thực hiện ngoại giao con thoi nhằm kêu gọi sự chấp thuận từ phía Chính phủ Israel. Ngày 2/6, Ngoại trưởng Blinken đã thực hiện các cuộc điện đàm riêng rẽ với Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel để thảo luận về đề xuất ngừng bắn tại Dải Gaza.

Giới chuyên gia cho rằng, những bất đồng quan điểm về tình hình chiến sự tại Dải Gaza đang làm leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Isarel. Bằng chứng là việc Chính quyền Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng ở Gaza. Thậm chí, tại Quốc hội Mỹ, ngay cả những nghị sĩ vốn thân Israel cũng ngày càng chỉ trích hành động của Chính phủ Israel. Lãnh đạo đa số Thượng viện đảng Dân chủ Chuck Schumer đã đi xa hơn khi tuyên bố rằng, Thủ tướng Netanyahu là “một trở ngại cho hòa bình” và đã kêu gọi bầu cử ở Israel. Theo quan điểm của Mỹ, trọng tâm của Israel nên là ổn định tình hình ở Gaza và củng cố những thành quả đạt được nhằm ngăn chặn Hamas giành lại quyền kiểm soát ở những khu vực đã được Israel “giải phóng”. Thay vào đó, việc Israel thực hiện các cuộc tấn công ở Rafah vào ngày 26/5 như “giọt nước làm tràn ly” vào mong muốn sớm ổn định tình hình ở Gaza của Mỹ; bởi Washington luôn coi đó là một “sai lầm lớn” có khả năng dẫn đến một “thảm họa”.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine diễn biến phức tạp, buộc Mỹ phải tăng cường viện trợ cho quân đội Ukraine, Washington không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quy mô lớn khác ở Trung Đông. Mặc dù luôn cam kết bảo vệ Israel, nhưng Chính quyền Tổng thống Biden sẽ không ủng hộ các cuộc tấn công và vạch ra “ranh giới đỏ” cho Chính phủ Israel.

Bên cạnh đó, Isarel dường như cũng đã không đạt được mục tiêu của mình tại Gaza. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), chiến dịch quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Gaza, cùng với tâm lý giao tranh trì trệ và cái giá phải trả cao về nhân mạng ở những khu vực mà IDF trước đây kiểm soát, đã khiến nhận thức của công chúng Israel suy giảm đáng kể về những thành tựu mà quân đội nước này đạt được sau 7 tháng triển khai chiến dịch Những Thanh kiếm Sắt (Swords of Iron) ở Gaza. Những nghi ngờ về mục đích và phương hướng của cuộc chiến cũng như việc không thành công trong việc trao trả con tin cũng góp phần vào sự suy giảm này.

Rõ ràng, trong tình thế khó khăn như hiện nay, việc chấp nhận kế hoạch hòa bình, thiết lập thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza của Tổng thống Biden là giải pháp tối ưu đối với Thủ tướng Netanyahu. Tuy nhiên, trước khi chính thức triển khai các bước theo kế hoạch, ông Netanyahu cần sự bảo đảm của Mỹ về quyền lực chính trị của mình, nhất là việc Washington làm sao có thể thuyết phục được các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền, những người phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Hamas, nhưng cũng là nhóm bảo đảm sự sống còn chính trị của ông Netanyahu.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]