(Baothanhhoa.vn) - Nguồn nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân năm 2022 của huyện Bá Thước gặp nhiều khó khăn do nhiều hồ, đập trên địa bàn hư hỏng nặng. Chính vì thế, huyện đã và đang tập trung khắc phục khó khăn, phục vụ đủ nước tưới cho nông dân gieo cấy kịp thời vụ.

Huyện Bá Thước: Nhiều hồ đập hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Nguồn nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân năm 2022 của huyện Bá Thước gặp nhiều khó khăn do nhiều hồ, đập trên địa bàn hư hỏng nặng. Chính vì thế, huyện đã và đang tập trung khắc phục khó khăn, phục vụ đủ nước tưới cho nông dân gieo cấy kịp thời vụ.

Huyện Bá Thước: Nhiều hồ đập hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệpHồ Đèn (xã Điền Hạ) đã tích trữ đủ nước theo thiết kế phục vụ nước tưới cho cây trồng vụ đông xuân năm 2022.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Khắc Diệp, Trưởng Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi (QLKTCTTL) Bá Thước, cho biết: Hiện tại Ban QLKTCTTL Bá Thước quản lý 164 công trình thủy lợi nhỏ, trong đó có 15 trạm bơm tưới, 24 hồ chứa nước, còn lại là đập dâng, trải dài trên địa bàn 21 xã, thị trấn của huyện Bá Thước, phục vụ nước tưới cho 5.146 ha/năm. Phần lớn các hồ, đập trên địa bàn huyện được xây dựng đã lâu, có nhiều công trình từ năm 1980 trở về trước. Trong những năm vừa qua, bằng nhiều nguồn vốn, một số hồ, đập trên địa bàn đã được nâng cấp, cải tạo, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến đầu tháng 1-2022, trên địa bàn huyện có hàng chục đập dâng, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp. Một số công trình thủy lợi vẫn còn đập đất như hồ Buốc (xã Kỳ Tân), đập Bai Váng (xã Điền Trung), hồ Tầm (xã Thiết Ống), đập Đầm Tôm (xã Ái Thượng) và nhiều công trình thuộc các xã quản lý. Tình trạng phổ biến như đập đất thấp, mặt cắt nhỏ, mái thượng lưu, hạ lưu bị sạt lở; tràn, cống hư hỏng, lòng hồ bồi lắng, hệ thống kênh mương bị bồi lấp, vỡ thành... không an toàn, chỉ tích trữ được một phần nước theo thiết kế, không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất theo thiết kế, gây bất lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn.

Để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, các tháng vừa qua huyện Bá Thước đã phát động Nhân dân góp công sức thường xuyên làm thủy lợi nội đồng và mặt ruộng. Ban QLKTCTTL Bá Thước đã huy động lực lượng cán bộ, công nhân nạo vét bể hút, bể xả các trạm bơm tưới, kênh mương, khắc phục tạm thời các công trình hư hỏng, xuống cấp bằng vật tư tại chỗ như rọ thép, đá hộc... những vị trí sung yếu, có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, chủ động đào sâu và mở rộng cửa vào các bể hút trạm bơm nhằm tăng lượng nước trong bể; nối dài ống hút một số trạm bơm nhằm chủ động bơm đủ nước cho cây trồng. Bằng nhiều nguồn vốn, huyện Bá Thước đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập bị xuống cấp, hư hỏng; đã chủ động tu sửa, nạo vét, khơi thông kênh mương,... nhằm nâng cao hiệu quả cấp nước tưới. Một số công trình thủy lợi mới được sửa chữa, nâng cấp, đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp như đập Dòm (xã Thiết Kế), đập mương Ngọc Vịt (xã Lương Nội), đập mương Pát (xã Ban Công), đập và mương Bá (xã Điền Thượng), đập Đanh (xã Thành Lâm), hồ Chun (xã Thiết Ống)... Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các phòng liên quan phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước tại các hồ, chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây màu ít sử dụng nước; tưới tiết kiệm nước; tưới luân phiên trên tất cả các hệ thống, điều tiết nguồn nước hợp lý, ưu tiên dành nước cho vùng cuối kênh, vùng cao khó tưới. Thường xuyên theo dõi, phát hiện hư hỏng để sửa chữa kịp thời, chống rò rỉ mất nước ở các cống lấy nước hồ chứa... Các đơn vị quản lý thủy lợi đã xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện... ứng phó cụ thể với các sự cố công trình xảy ra; có phương án tích nước hợp lý với từng công trình...

Về lâu dài, ngoài việc đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, ưu tiên cho công tác sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn, huyện Bá Thước cần phát huy nội lực, huy động sức dân sửa chữa công trình thủy lợi hư hỏng nhỏ. Ngoài ra, địa phương cần tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo đảm cân bằng sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, giữ nguồn nước cho các hồ, đập phục vụ sản xuất và dân sinh.

Bài và ảnh: Thu Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]