Hương đất, hương tình Yên Cát
Nghề làm hương bài của đồng bào dân tộc Thổ ở làng Trầu, thôn Cát Tiến, xã Yên Lễ (nay là khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát, Như Xuân) đã có từ lâu đời. Với họ, mỗi một thẻ hương được thắp lên mang theo hương đất, tình người lan tỏa, vươn xa...
Công đoạn lăn bột bài trong quy trình sản xuất hương bài Yên Cát. Ảnh: H.L
Như Xuân là địa bàn sinh sống lâu đời của 4 dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh; trong đó đồng bào dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và một số xã như: Cát Tân, Cát Vân, Hóa Quỳ, Xuân Bình, Bãi Trành.
Đon đả đón chúng tôi là vợ chồng ông Lê Văn Thăng (64 tuổi), bà Hà Thị Oanh (60 tuổi) – những người đi đầu, kiên trì, quyết tâm trong việc gìn giữ và phát triển nghề làm hương bài truyền thống tại khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát. Chẳng biết nghề làm hương bài bám rễ ở Cát Tiến tự bao giờ, bởi lẽ, từ khi sinh ra, gia đình ông Thăng đã có truyền thống 2 đời gắn bó với nghề. Ông Thăng cứ thế lớn lên trong phảng phất hương thơm, không khí lao động sản xuất ấy. Theo một cách rất tự nhiên, từ những khi tuổi còn nhỏ, ông Thăng đã vọc vạch “học mà chơi, chơi mà học” rồi trở thành người thạo nghề, yêu nghề, say nghề. Theo guồng mưu sinh, từng có thời gian, gia đình ông Thăng thoát ly quê hương nhưng đến cuối cùng chẳng thấy nơi đâu hơn được quê nhà nên quyết định quay trở về, dốc lòng dốc sức phát triển nghề làm hương bài, cũng chính là mở hướng phát triển kinh tế gia đình. “Cái nghề đã thành cái nghiệp. Cái nghề thấm đẫm mồ hôi, công sức của ông, cha rồi tiếp đến mình, vợ con mình nữa, sao mà không nặng lòng, tâm huyết cho được” – ông Thăng chân thành bộc bạch.
Trong không gian thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ, khoan khoái của hương bài, ông Lê Văn Thăng hồi tưởng lại. Kỷ niệm về hành trình gắn bó với nghề có khi đậm, khi nhạt, vui buồn đan xen nhưng chạm đến đâu cũng thấy rưng rưng niềm yêu mến, trân trọng. Ông Thăng cho biết: Ở Cát Tiến vào khoảng những năm 60 – 70, làng Trầu này mới chỉ có lác đác vài hộ làm hương bài, rồi đến những năm 86 – 88, phát triển lên hàng chục hộ. Sản phẩm làm ra thời ấy chưa được trau chuốt, quy trình hoàn toàn thủ công nên sản lượng không cao, chủ yếu bán cho người dân quanh vùng. Không phương tiện vận chuyển, không dịch vụ ship hàng khắp mọi miền hiện đại, tiện lợi như bây giờ, người Thổ làng Yên Cát lúc bấy giờ vẫn miệt mài, chịu thương chịu khó quảy gánh hàng trên vai, nhập sản phẩm hương bài cho khắp các cửa hàng trong huyện và một số vùng lân cận.
Quy trình làm ra sản phẩm hương bài Yên Cát trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự khéo kéo của đôi bàn tay, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, gồm 3 nguyên liệu chính: nhựa trám, than hoa, rễ cây hương bài. Theo ông Thăng, trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của máy móc, kỹ thuật, các công đoạn làm hương bài Yên Cát đều dựa cả vào đôi bàn tay. Nhựa trám cùng với than hoa được cho vào cối đá giã bằng tay cho thật nhuyễn, làm nóng hỗn hợp ở nhiệt độ thích hợp sau đó đem vuốt lên từng thẻ hương rồi lăn với bột bài. Những thẻ hương sau khi trải qua các công đoạn sẽ được mang đi phơi nắng, đóng gói, bảo quản. Với cách làm ấy, người thạo việc, nhanh tay cũng chỉ làm được khoảng hơn 1 nghìn thẻ/ngày, thu nhập khoảng 30.000 đồng.
Sản lượng, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ gia đình dần không còn mặn mà với nghề. Vợ chồng ông Thăng bàn bạc với nhau: Nếu không chịu đổi mới thì sợ rằng chẳng thể đi đường dài với nghề và nghề làm hương bài truyền thống của làng Trầu, Cát Tiến sẽ dần mai một. Sau những trăn trở đó, bà Hà Thị Oanh quyết định khăn gói, tìm đến làng nghề lớn học hỏi thêm về kỹ thuật làm hương. Từ kinh nghiệm lâu năm vốn có cùng những kiến thức học hỏi được, vợ chồng ông Thăng, bà Oanh tiếp tục tìm tòi, đúc kết công thức làm hương bài riêng vừa phù hợp với điều kiện sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường mà vẫn bảo tồn, phát huy được giá trị truyền thống trong sản phẩm. Bà Oanh chia sẻ: “Đây là khoảng thời gian khó khăn của chúng tôi, mọi thứ cứ tự mày mò, tìm hiểu. Để có được công thức pha trộn với tỷ lệ nguyên liệu như hiện nay, chúng tôi không biết mình đã thử qua bao nhiêu lần, cứ sai lại sửa, lại tự điều chỉnh đến khi ưng ý mới thôi”.
Chị Lê Thị Hằng (bên phải), Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp - Hương bài Như Xuân giới thiệu sản phẩm hương bài Yên Cát với khách hàng tại Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 được tổ chức ở Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa). Ảnh: H.L
Hiện nay, nhờ có công cụ, máy móc hỗ trợ nên một vài công đoạn trong quy trình làm hương bài Yên Cát có sự thay đổi cho phù hợp. Nhựa trám được cho vào máy lọc; thay vì phải giã, xe hương bằng tay như trước đây, gia đình ông Thăng đã đầu tư máy xay, máy lăn. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, chất lượng của sản phẩm trong những thời điểm thời tiết không thuận lợi, gia đình ông Thăng cũng đã đầu tư thêm lò sấy. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Thăng sản xuất khoảng 4 triệu thẻ hương các loại, doanh thu ước đạt 1,2 tỷ đồng. Dẫu có nhiều đổi thay, duy chỉ có một điều gia đình ông Thăng luôn tâm niệm: “Làm nghề, phát triển nghề bằng cái tâm, không chạy theo lợi nhuận mà phá vỡ những nguyên tắc, chuẩn mực truyền thống, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển của nghề làm hương bài, thị trấn Yên Cát đã vận động các hộ dân thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp - Hương bài Như Xuân. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã thu hút được 17 thành viên tham gia, chủ yếu là các hộ gia đình trên địa bàn phố Cát Tiến. Chị Lê Thị Hằng (34 tuổi), con gái của ông Thăng, bà Oanh đảm nhiệm vai trò giám đốc HTX. Sự tiếp nối thế hệ ấy như càng tô thắm thêm giá trị văn hóa, truyền thống của nghề làm hương bài Yên Cát.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu “thuần tự nhiên”, phát triển nghề truyền thống, huyện Như Xuân đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây hương bài. Trong đó, HTX dịch vụ nông nghiệp - Hương bài Như Xuân đăng ký trồng hàng chục ha, đồng thời thu mua nguyên liệu cho bà con trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ... Với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cùng nỗ lực, cố gắng đầu tư máy móc, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường, hương bài Yên Cát ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín, thu hút nhiều khách hàng tin dùng. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, năm 2021, sản phẩm hương bài Yên Cát của HTX được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra cơ hội, động lực phát triển mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Hương bài Yên Cát khi thắp lên có mùi thơm dịu, thoang thoảng, mang lại cảm giác dễ chịu, khoan khoái cho người dùng. Mỗi một thẻ hương bài Yên Cát đều thấm đẫm hương đất hòa cùng tấm lòng yêu mến, trân trọng, tâm huyết gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây.
Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2024-11-22 11:02:00
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận 400 hiện vật hiến tặng
-
2024-11-22 10:59:00
Quảng Ninh quyết tâm hút khách đến mùa thu đông bằng chương trình kích cầu quy mô lớn
-
2023-12-18 09:43:00
Rộn ràng không khí Giáng sinh tại Nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa
Hàng loạt “bom tấn” đổ bộ Nam đảo Phú Quốc cuối năm nay
[Podcast] Truyện ngắn: Đông ấm bản xa
“Chậm đò ho” góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thổ
“Biên cương một dải vững bền - gửi tình yêu với người chiến sĩ quân hàm xanh
Festival Ninh Bình - Tràng An 2023: Sắc màu di sản - Hội tụ và lan toả
[E-Magazine] - Mắt phố
Phát huy vai trò của hương ước, quy ước
[Podcast] - Tản văn: Những người đàn ông biết hát
Vĩnh cửu sắc màu Sapphire