Hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh
Thanh Hóa hiện có 1.331 HTX, gồm 845 HTX nông nghiệp và 486 HTX phi nông nghiệp. Trong đó, có hơn 90% số HTX đã đổi mới hoạt động theo Luật HTX 2012, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Thông qua việc tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ, Liên minh HTX đã giúp HTX củng cố hoạt động, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương.
HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay các HTX trên địa bàn đang được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; thành lập mới HTX, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... Từ nguồn hỗ trợ, các HTX đã có thêm bàn đạp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) thành lập năm 2002 với 13 thành viên. HTX đã triển khai hoạt động ở các khâu dịch vụ như cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lồng đất, làm mạ khay, máy cấy và sản xuất lúa giống thuần. Những năm qua, bên cạnh nỗ lực, linh hoạt của ban quản trị, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân còn được quan tâm, tiếp cận với nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để có thêm điều kiện phát triển. Đến nay, đơn vị đã trở thành một trong những HTX nông nghiệp đi đầu trong lĩnh vực kinh tế tập thể của địa phương. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Nhân cho biết: Trước đây, HTX và các hộ xã viên chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự tìm kiếm đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, khi được kết nạp vào thành viên của Liên minh HTX, được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX đã hình thành được vùng sản xuất lúa, rau màu quy mô lớn, sản phẩm chất lượng và tiêu thụ hiệu quả thông qua các đơn vị trung gian uy tín. Doanh thu hằng năm của HTX đạt hơn 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 700 đến 800 triệu đồng/năm.
Được biết, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân đã được tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ do Liên minh HTX tổ chức như đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ quản lý HTX; nâng cao trình độ sản xuất cho các thành viên... Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước, HTX đã được hỗ trợ 1 máy gặt, 1 máy làm đất trị giá hàng tỷ đồng góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương. Ðể không bị bỏ lại phía sau trong quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Đến nay, HTX sở hữu 2 máy cấy, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy làm đất, 2 vạn khay mạ, 5.000m2 nhà lưới trồng rau VietGAP và 1 máy sấy có công suất 30 tấn/ngày.
Cùng với việc hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực sản xuất từ các chương trình, dự án của Nhà nước, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm. Theo đó, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 103 HTX đã phát triển 123 sản phẩm được chứng nhận OCOP; 13 HTX tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ yếu sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau an toàn, trồng nấm, sản xuất mật ong, đông trùng hạ thảo và hơn 90 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ngoài ra, thông qua hoạt động tập huấn và kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử được các sở, ngành, địa phương tổ chức, đã có hàng trăm HTX tiếp cận được các sàn thương mại điện tử lớn. Từ đó có hàng nghìn sản phẩm có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc có mặt trên sàn thương mại đặc sản voso.vn, shopee.vn, sendo và các nền tảng số như tiktok, facebook...
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Hoạt động kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến theo hướng hiệu quả, đúng với bản chất của HTX kiểu mới và hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, Liên minh HTX đã làm tốt vai trò “cầu nối” để các HTX tiếp cận với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, từ đó có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng sức cạnh tranh cho chính đơn vị mình. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều HTX “vang danh” trên địa bàn cả nước, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa), HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương), HTX chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)...
Để thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về Luật HTX năm 2012, Luật HTX 2023 và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Lê Thanh
{name} - {time}
-
2025-01-15 19:59:00
Khẩn trương thi công tu bổ xung yếu hệ thống đê điều Thanh Hóa
-
2025-01-15 16:36:00
BMS Vina tham quan Đà Nẵng và Dentium cùng DANAGO
-
2024-10-05 14:32:00
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trưng bày những sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên xứ Thanh
Hội LHPN tỉnh ra mắt mô hình kinh tế tập thể và trao hỗ trợ vật tư cho thành viên
Bản tin Tài chính ngày 5/10: Giá vàng thế giới dự báo tiếp tục leo thang
Đưa vào sản xuất các loại cây trồng giá trị cao trong vụ đông
Nhân rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn
Khảo sát việc quản lý, sử dụng, bàn giao đất nông, lâm trường trên địa bàn huyện Thường Xuân
Các địa phương tích cực khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Bản tin Tài chính ngày 4/10: Vàng nhẫn tiếp đà tăng; Giá bán USD chạm mức 25.009 đồng/USD
Thiệu Hóa: Triển khai dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology 2