(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc tận dụng các chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để tái chế phục vụ chu kỳ sản xuất tiếp theo đang được nhiều chủ trang trại trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Qua đó, vừa giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hiệu quả từ những mô hình trang trại tuần hoàn khép kín

Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc tận dụng các chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để tái chế phục vụ chu kỳ sản xuất tiếp theo đang được nhiều chủ trang trại trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Qua đó, vừa giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hiệu quả từ những mô hình trang trại tuần hoàn khép kínNhững quả bưởi to tròn của trang trại ông Nguyễn Xuân Khải ở thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ (Yên Định).

Trang trại bưởi Diễn Mộc Ân của ông Nguyễn Xuân Khải ở thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ (Yên Định) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến với nhãn hiệu bưởi Diễn Plus. Ông Khải cho biết: Để cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn, 3.000 gốc bưởi Diễn được ông canh tác theo hướng thuận theo tự nhiên (không dùng thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không dùng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xới xáo gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây). Nhờ đó, năm 2020 trang trại được cấp giấy chứng nhận hữu cơ Organic quốc gia cho quả và các sản phẩm từ bưởi. Hiện “Bưởi hữu cơ Mộc Ân” là nhãn hiệu bưởi hữu cơ đầu tiên của xứ Thanh được đưa ra thị trường.

Chia sẻ ý tưởng làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên của mình, ông Khải cho rằng xuất phát từ thực tế của người nông dân quen sử dụng thuốc trừ sâu và lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp đã vô tình gây hại đối với môi trường, sức khỏe con người. Đồng thời, làm cho đất bị chai và bạc màu, khiến cây trồng sinh trưởng, phát triển kém và không có năng suất. Vì vậy, chọn làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên sẽ tạo bộ đệm sinh học cho trang trại bằng cách dùng lá cây, bưởi thối làm thức ăn cho vi sinh vật, giun, dế. Những vi sinh vật này sẽ giúp phân hủy xenlulo, đào bới đất thay cho con người, giúp đất tơi, xốp, màu mỡ. Theo hướng này, hàng năm lượng quả thu hái được chỉ cung ứng ra thị trường 50%, còn lại dùng làm phân để bón cho cây. Bởi theo ông, hạn chế tối thiểu sản phẩm đưa ra khỏi trang trại, sẽ đảm bảo được năng lượng giữ lại, tham gia tiếp tục vào vòng tuần hoàn sản xuất.

Ngoài bổ sung trả lại cho đất, cho cây bằng chính những cây, quả trong trang trại bảo toàn năng lượng theo cơ chế của rừng, ông Khải còn sử dụng thêm phân hữu cơ cao cấp được làm từ phi lê cá nục, tảo biển, đầu tôm, xương cá để tăng dưỡng chất cho cây, tạo độ ngọt, thanh cho quả bưởi.

Việc áp dụng biện pháp canh tác này, các sản phẩm hữu cơ từ trang trại của gia đình ông bao gồm bưởi, nước hoa bưởi hữu cơ chưng cất, gel gội bưởi hữu cơ, nước súc miệng (được tinh chất từ trầu không, quả cau và hoa ngũ sắc), sữa tắm hoa sen... hàng năm cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ học tập và áp dụng thành công quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn sinh thái không chất thải, trang trại của gia đình ông Lương Ngọc Lai ở thôn Tiến Hưng, xã Luận Thành (Thường Xuân) hiện đang cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ông Lai cho biết: Trên diện tích 4,5ha đất nông nghiệp của gia đình, ông đã phát triển các mô hình kinh tế như trồng dưa trong nhà lưới, trồng các loại cây ăn quả có múi, xây dựng chuồng trại, nuôi 5.000 con gà/lứa và 800m2 nuôi giun quế. Để phát triển trang trại theo mô hình tuần hoàn, khép kín và đem lại hiệu quả thu nhập, nguồn phân của gà kết hợp với các phụ phẩm thải ra trong trồng trọt, ông sử dụng để nuôi giun quế, lấy giun quế để nuôi gà và phân của giun quế được dùng bón cho các loại cây trồng trong vườn.

Nhờ thực hiện quy trình tuần hoàn, khép kín trong quá trình sản xuất nên gia đình ông không những tận dụng tối đa các loại phụ phẩm trong sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập mà còn giảm lượng chất thải ra môi trường. Đặc biệt, do sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn nên với gần 30 tấn gà thịt/năm, 6 tấn dưa vàng, 1 tấn rau màu các loại và nhiều cây quả khác được người tiêu dùng đón nhận, đem lại lợi nhuận cho gia đình 200 triệu đồng/năm.

Theo Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 trang trại được sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín. Các trang trại này hiện đang cho thu nhập bình quân từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Ngoài đem lại giá trị thu nhập cho chủ trang trại, mô hình trang trại tuần hoàn còn góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín. Vì vậy, phát triển trang trại tuần hoàn là hướng đi đúng trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giúp người sản xuất giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]