(Baothanhhoa.vn) - Xã Hoằng Châu mới được thành lập sau khi sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu và Hoằng Châu. Xã có diện tích tự nhiên 33,21km2, trong đó có nhiều vùng lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu

Xã Hoằng Châu mới được thành lập sau khi sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu và Hoằng Châu. Xã có diện tích tự nhiên 33,21km2, trong đó có nhiều vùng lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng trong bể nuôi có mái che tại khu nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu.

Những cánh đồng ngoại đê sông Mã vốn được xem là “thủ phủ nuôi tôm” của xã Hoằng Châu. Đứng trên đê sẽ nhìn thấy hàng chục bể nuôi tôm công nghiệp được phủ mái che màu trắng, màu xanh như những cây nấm khổng lồ nổi lên giữa một vùng NTTS rộng lớn. Những năm trước, nơi này bà con chủ yếu nuôi tôm quảng canh, nhưng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh nên trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, nhiều hộ đã dần chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Với nguồn vốn đầu tư lớn, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, gia đình ông Nguyễn Văn Suốt ở thôn Châu Triều đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi tôm quảng canh sang đầu tư hệ thống 12 bể nuôi tôm có mái che, mỗi bể có diện tích hơn 500m2; đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nguồn nước, thiết bị điều hòa nước, không khí trong các bể nuôi. Ông Suốt cho biết: Lúc mới bắt đầu chuyển đổi mô hình, ông đã từng thất bại ngay khi thả lứa giống đầu tiên do chưa hiểu hết được quy trình, kỹ thuật của mô hình mới. Sau đó, ông đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm trong bể có mái che. Khi tích lũy được “lưng vốn” kinh nghiệm, ông tiếp tục cải tạo lại hệ thống khu nuôi tôm và bắt đầu “ăn, ngủ” cùng con tôm. Cách nuôi tôm trong bể có mái che có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách nuôi truyền thống, bớt phụ thuộc vào yếu tố thời tiết như lâu nay.

Để chăm sóc, bảo vệ tôm nuôi, ngoài sử dụng thức ăn bảo đảm chất lượng, gia đình ông còn sử dụng men vi sinh để xử lý đáy bể, làm sạch nguồn nước, cải thiện môi trường ao nuôi, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh. Những năm thuận lợi, gia đình ông có thể nuôi gối được từ 3 - 4 vụ/năm, mang lại năng suất cao, lợi nhuận thu về đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Gia đình ông còn giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ mỗi thời điểm dọn ao, thu hoạch tôm.

Không chỉ nuôi tôm, cua cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng từ hoạt động NTTS ở xã Hoằng Châu. Các hộ nuôi cua chủ yếu theo hình thức xen canh và thu hoạch bắt tỉa, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là cua thịt, rất hiếm khi có cua lột, trong khi cua lột mới chính là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa thích và có giá thành cao.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường và lợi thế từ vùng nuôi trồng ở địa phương, Giám đốc Công ty TNHH SH79 Lê Văn Châu ở thôn Đình Long đã đầu tư mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa với diện tích gần 1ha trong nhà có mái che, bể nuôi kiên cố, hệ thống xử lý nước và kho lạnh bảo quản... Cua được tuyển chọn kỹ trước khi đưa vào nuôi, có trọng lượng từ 150 đến 250g, sau đó được khử khuẩn, cho vào các lồng nhựa riêng để chăm sóc, theo dõi hàng ngày và bảo đảm các điều kiện môi trường để chúng có thể lột vỏ. Mỗi ngày, cua được cho ăn theo khẩu phần, thức ăn chủ yếu là cá trích, ngao, vẹm, ốc... Cua lột được xem là mặt hàng thực phẩm cao cấp, giá thành của sản phẩm hiện ở mức cao, dao động từ 800.000 - 1.000.000 đồng/kg tùy vào kích cỡ. Quy mô sản xuất của Công ty TNHH SH79 hiện ở mức khoảng 5 tấn cua/năm. Đây là mô hình nuôi cua lột đầu tiên tại xã Hoằng Châu. Sản phẩm của công ty đã được công nhận OCOP 3 sao năm 2023.

Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của các xã ven biển, trong đó lĩnh vực nuôi trồng ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể. Những mô hình nuôi tôm, cua ứng dụng công nghệ cao sẽ mở ra triển vọng, hướng đi mới trong lĩnh vực NTTS tại xã Hoằng Châu. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là những trăn trở về bài toán môi trường, bảo vệ nguồn nước cho những vùng NTTS. Do vậy, việc phát triển các vùng NTTS cần được quy hoạch, quản lý theo hướng bền vững, vừa tạo đột phá phát triển các vùng nuôi thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao để gia tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế, vừa phải bảo đảm chặt chẽ các yếu tố về môi trường để khai thác bền vững, lâu dài các tiềm năng, lợi thế về NTTS.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]