Hiệu quả thi hành Luật Lâm nghiệp
Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành đã tạo ra khung pháp lý vững chắc, thúc đẩy bảo vệ rừng bền vững, đem lại lợi ích trên các mặt kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm lâm Trung Lý thuộc Hạt Kiểm lâm Mường Lát phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và Nhân dân tuần tra, bảo vệ rừng.
Khi Luật thấm sâu vào cuộc sống
Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua vào ngày 15/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Ngay sau khi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản nhằm quán triệt, triển khai việc thực hiện hiệu quả Luật trên địa bàn tỉnh; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều đợt phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về nội dung của luật, nghị định, thông tư hướng dẫn đến các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh đã tổ chức trên 28.800 hội nghị tuyên truyền Luật Lâm nghiệp với hơn 130.000 lượt người tham gia; tuyên truyền trên loa truyền thanh trên 80.000 lần; đăng tải hơn 500 tin, bài phản ánh hoạt động của lực lượng kiểm lâm trên Website Kiểm lâm Thanh Hóa; xây dựng và duy trì hoạt động của 1.607 tổ tuyên truyền thôn (bản); duy trì 810 mô hình khu dân cư “3 không” trong bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở 214 xã/27 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức cho trên 120 ngàn lượt hộ gia đình ký cam kết BVR, PCCCR; tổ chức “Diễn đàn Kiểm lâm lắng nghe ý kiến Nhân dân" về công tác bảo vệ và phát triển rừng; đưa gần 250 đối tượng vi phạm pháp luật lâm nghiệp ra kiểm điểm trước cộng đồng; sửa đổi, bổ sung 1.805 bản hương ước phù hợp với phong tục, tập quán cộng đồng...
Qua công tác tuyên truyền đã giúp cho người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được bảo đảm, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, công tác phòng, chống cháy rừng được bảo đảm. Từ đó, người dân và các cộng đồng đã tích cực cùng với lực lượng chuyên trách tham gia trồng, chăm sóc và BVR.
Nhiều hộ giàu lên từ rừng
Chúng tôi đến gia đình ông Vi Văn Piên ở xã Tam Lư (Quan Sơn) trong một lần đi công tác tại địa phương. Đi từ xa, cán bộ xã Tam Lư chỉ cho chúng tôi đồi vầu xanh mướt mát của gia đình ông và nói: “Trước kia, khu đồi này chỉ là những cây rừng nghèo kiệt, nhưng từ khi có chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, gia đình ông Piên đã tiên phong trong việc cải tạo rừng nghèo kiệt sang trồng vầu, luồng và đã mang lại giá trị kinh tế cao”.
Để minh chứng cho những lời lãnh đạo xã nói, ông Piên dẫn chúng tôi đi thăm đồi vầu với những cây vầu thân thẳng tắp, cao hàng chục mét. “Cây vầu cho thu hoạch quanh năm và gần như không mất công chăm bón. Gia đình tôi có 6ha rừng, trong đó có 3ha vầu, 2ha luồng và đang khoanh nuôi bảo vệ 1ha rừng tự nhiên. Hằng năm, gia đình có nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ đồi rừng", ông Piên nói.
Theo cán bộ xã Tam Lư, toàn xã có trên 5.000ha cây lâm nghiệp, trong đó hơn 4.000ha cây vầu. Từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, người dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng vầu, trồng luồng mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 40 triệu đồng/năm. Kinh tế rừng đang góp phần giảm nghèo và từng bước làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã.
Cùng như ông Piên, gia đình ông Phạm Đình Ba ở xã Giao An (Lang Chánh) đã thoát nghèo nhờ trồng rừng. Ông Ba cho biết: Khi bắt đầu trồng rừng, gia đình ông đã được UBND xã hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng cây keo, cây lát... Đến nay, gia đình ông có 5ha cây keo, 4ha rừng luồng đang khai thác, mang lại nguồn thu nhập 120 triệu đồng/năm...
Góp phần tăng độ che phủ của rừng
Thực hiện quy định pháp luật về lâm nghiệp, tính đến ngày 31/12/2023 toàn tỉnh đã giao được 617.496,59ha/647.437,26ha rừng và đất lâm nghiệp, đạt 95,37% (trong đó, giao cho hộ gia đình, cá nhân 372.278,82ha/65.975 hộ và nhóm hộ (bình quân 5,64ha/hộ, nhóm hộ); giao cho cộng đồng 30.651,09 ha/651 cộng đồng; giao cho các tổ chức 214.566,68ha/53 tổ chức); còn lại 29.940,67ha rừng đang tạm giao cho UBND xã, chiếm 4,63%.
Giao đất, giao rừng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động hiệu quả mọi thành phần trong xã hội tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng. Khi được giao đất, giao rừng, các hộ gia đình và cá nhân có quyền khai thác và phát triển tài nguyên rừng một cách hợp pháp. Họ có thể trồng rừng kinh tế, thu hoạch lâm sản ngoài gỗ, phát triển cây ăn quả, hoặc tham gia vào du lịch sinh thái... Thu nhập từ các hoạt động này giúp người trồng rừng nâng cao đời sống và ổn định kinh tế. Và, khi có quyền quản lý và khai thác, người dân coi rừng là tài sản của mình nên đã chủ động tham gia vào việc trồng rừng, chăm sóc và BVR. Điều này giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện chất lượng rừng và nâng cao giá trị sinh thái của hệ sinh thái rừng. Độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh từ 53,40% năm 2019 tăng lên 53,75% vào năm 2023.
Trong giai đoạn 2019-2023 toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung được 60.321ha rừng trồng các loại và trên 21 triệu cây phân tán các loại; bình quân năng suất rừng trồng tăng từ 15m3/ha/năm lên 17m3/ha/năm; sản lượng khai thác gỗ bình quân khoảng 759 nghìn m3/năm.
Tỉnh cũng đã chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị của rừng; trung bình hằng năm toàn tỉnh trồng trên 10.000ha rừng trồng tập trung; thực hiện hiệu quả việc cấp chứng chỉ rừng FSC theo đúng quy định. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển rừng trồng tập trung, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh (hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây giống nuôi cấy mô; hỗ trợ thâm canh rừng trồng luồng, nứa, vầu; hỗ trợ làm đường lâm nghiệp vùng trồng rừng sản xuất tập trung; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững...
Từ những giải pháp cụ thể và kết quả đã đạt được cho thấy, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã giúp Thanh Hóa xây dựng nền tảng vững chắc trong việc quản lý và phát triển tài nguyên rừng, nâng cao nhận thức BVR cho cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân và góp phần vào bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Những hiệu quả này không chỉ giúp tỉnh đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế rừng, mà còn đảm bảo bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái rừng một cách bền vững.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2024-12-21 23:08:00
Phát triển rừng bền vững (Bài 2): Tiềm năng mở nhưng còn nhiều “rào cản”
-
2024-12-21 21:06:00
Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân dân tộc thiểu số
-
2024-11-13 14:50:00
Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai
Thông báo về việc tài trợ Dự án Khu dân cư phường Quảng Thành của Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á
Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần hai tháng
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2025
Bản tin Tài chính 13/11: Giá vàng xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng, thị trường chờ đợi 3 dữ liệu quan trọng
Tại sao giá vàng giảm mạnh sau chiến thắng của Trump?
Nga Sơn nâng cao giá trị sản xuất vụ đông
Thêm nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn
Bất động sản ven biển Hải Tiến triển vọng tăng giá trước lộ trình lên thị xã trước năm 2030
Vietjet SkyJoy nhận Giải thưởng ASOCIO DX Award 2024, khẳng định vị thế tiên phong trong sáng tạo dịch vụ khách hàng