Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chiếc xe khách gằn mình lên dốc, rồi hết nghiêng trái lại nghiêng phải phải dọc theo tuyến đường nhựa uốn lượn ven sông Âm. Từ trên cao, cung đường tỉnh 530b chúng tôi đi tựa như sợi chỉ mảnh mai giữa bạt ngàn rừng núi, khi căng, khi trùng. Xe dừng bến, chúng tôi bắt đầu một hành trình mới - ngược Nà Đang khám phá thác Rồng, thung lũng Lang Lung...
Thung lũng Lang Lung ở xã Lâm Phú (Lang Chánh).
Xã Lâm Phú cách trung tâm huyện Lang Chánh 26km, là địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ. Ngoài tài nguyên rừng, nơi đây còn được biết đến với quần thể nhiều thác nước đẹp, thơ mộng, nằm giữa những cánh rừng già như, thác Rồng, thác Căng màn, thác Sen, thác Bắc Cầu... Theo anh hướng dẫn viên du lịch người Thái Ngân Văn Dựng, thì hành trình ngược bản Nà Đang hôm nay của đoàn chúng tôi sẽ qua thác Rồng, thung lũng Lang Lung và kết thúc homestay suối Đang thơ mộng.
Hành trình từ trung tâm xã Lâm Phú đi bản Nà Đang chừng 17km đường rừng. Dự báo cung đường khó nhọc nhưng ai trong đoàn cũng háo hức, hồ hởi. Chiếc xe lại gằn máy đưa đoàn chúng tôi băng qua những cánh rừng thâm u, hùng vĩ. Theo anh Dựng, ngày trước để vào được bản Nà Đang, du khách chỉ có thể di chuyển bằng xe máy. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước mà bà con có con đường bê tông, xe ô tô có thể di chuyển ra vào bản thuận lợi. Con đường không chỉ góp phần giúp cho bà con phát triển kinh tế, nông sản được vận chuyển ra bên ngoài, mà tương lai gần thôi, nói như anh Ngân Văn Dựng, du lịch cộng đồng sẽ giúp cho đời sống của bà con khởi sắc!.
Sau quãng đường chừng 10km, xe chúng tôi cũng đến thác Rồng. Từ con đường bê tông để vào được thác nước, đoàn tiếp tục phải trèo đèo, lội suối gần 1km. Ngay ở con đường lớn, tiếng thác đã ầm ào, độ ẩm cao, nhiệt độ xuống thấp, lạnh hơn. Ai cũng đệm thêm một chiếc áo khoác rồi dìu dắt nhau ngược đèo. Thác Rồng trước mắt thực kỳ vĩ, nhưng không khỏi ngỡ ngàng. Thác Rồng có nhiều điểm tương đồng với thác Ma Hao (xã Trí Nang). Dòng thác nước được đổ chảy xuống từ trên đỉnh núi đá cao dựng đứng kỳ vĩ. Phía dưới chân suối là hồ nước rộng đủ cho cả trăm du khách thả mình tắm mát. Quanh thác có nhiều đá hòn, đá tảng. Cảnh đẹp khiến cho nhiều thành viên trong đoàn không tiếc mình bung hết sức check-in, tạo dáng...
Thác Rồng ở xã Lâm Phú (Lang Chánh).
Cách không xa thác Rồng là thung lũng Lang Lung có diện tích rộng cả nghìn héc ta. Với địa thế bằng phẳng nằm lọt giữa những ngọn núi cao hùng vĩ, thung lũng được cho là có nhiều điều đặc biệt. Đây là nơi cả chục con suối lớn nhỏ đổ về, rồi hòa mình chảy vào dòng suối Đang thơ mộng. Thung lũng Lang Lung đang là điểm du lịch cắm trại lý tưởng của nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh. Nơi đây có bãi cỏ xanh mướt bạt ngàn, thi thoảng nhô lên những phiến đá cuội mồ côi, xen kẽ là những vạt xoan già, những gốc cây rừng cổ thụ tạo nên bức tranh trữ tình đầy thi vị. Theo già làng Phạm Đăng Nhượng (xã Lâm Phú), thung lũng Lang Lung được cho là bãi thao luyện binh sĩ của nghĩa quân Lam Sơn xưa. Tại đây vẫn còn nhiều dấu tích, trong đó có bếp nấu ăn của nghĩa quân được đục trên một phiến đá lớn còn khá nguyên vẹn.
Từ thung lũng Lang Lung để tiếp hành trình ngược Nà Đang chúng tôi đi thêm chừng 3km. Bản có 52 hộ dân, với 255 nhân khẩu, là đồng bào dân tộc Thái. Đây là bản xa xôi, đặc biệt khó khăn của xã Lâm Phú. Hiện bản Nà Đang còn lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ của đồng bào Thái như: kiến trúc nhà sàn cổ, ẩm thực cơm lam, thịt lợn cỏ, cá suối, rượu siêu men lá... Có thể nói, Nà Đang từ một bản xa xôi, khó khăn nhất của xã, huyện, đến nay bản đã có đường bê tông hóa, có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, đời sống đang dần khởi sắc.
Kết thúc chuyến hành trình trải nghiệm khi trời đã chạng vạng tối. Đoàn trở về bản Ngày, bên những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn lên khói. Cũng giống như bản Nà Đang, bản Ngày là một trong những bản đang được địa phương định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Đến với bản, khách du lịch sẽ có cơ hội được hòa mình vào một không gian của núi rừng với tiếng róc rách của suối, nét đẹp của những chiếc guồng nước lớn và văn hóa ẩm thực đặc trưng đồng bào dân tộc Thái.
Thống kê từ xã Lâm Phú cho thấy, trong năm xã đã đón hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi, ăn uống và lưu trú tại xã. Đa số khách đến từ các địa phương khác. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy du lịch sẽ tạo ra bước đột phá, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho du lịch địa phương phát triển, tuyến đường tỉnh 530b từ thị trấn Lang Chánh đi Lâm Phú nối với Quốc lộ 217 (địa phận huyện Quan Sơn) đang được nâng cấp, tu sửa...
Đồng chí Hà Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Lâm Phú khẳng định: Địa phương đang tập trung đẩy mạnh việc vận động Nhân dân tổ chức cải tạo, sửa chữa, nâng cấp những nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái, phục vụ phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, xã cũng hỗ trợ, hướng dẫn người dân địa phương hình thành các homestay với các dịch vụ phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc. “Nhờ được thiên nhiên ban tặng cảnh quan kỳ vĩ với những điểm đến hấp dẫn, con người thân thiện, cơ sở hạ tầng dần được đầu tư bài bản, tin rằng trong thời gian tới du lịch sẽ là “đòn bẩy” để xã Lâm Phú phát triển về kinh tế" - Chủ tịch UBND xã bày tỏ kỳ vọng.
Bài và ảnh: Đình Giang
- 2024-11-02 14:27:00
Cư dân miền biển thờ Tứ vị Thánh nương
- 2024-11-01 16:01:00
Đất làng Hội Triều
- 2023-10-28 19:30:00
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang
Du lịch Thanh Hóa, nhìn từ khách nội tỉnh
Linh thiêng nghè Mỹ Lộc
Niềm tự hào của làng Hồi Cù
Làng nghề nước mắm Khúc Phụ: Chú trọng đầu tư “nâng tầm” sản phẩm
Kho báu của ngành “công nghiệp không khói”
Nét đẹp lao động làng nghề truyền thống xứ Thanh
Sức hấp dẫn của một vùng thắng tích
Về thăm Gia Miêu Ngoại trang
Trẩy hội mùa xuân