Hạnh phúc “vầng trăng khuyết”
Vợ bị teo cơ tay, chân trái, chân phải yếu, chồng bị khuyết tật teo 2 chân, đi lại vô cùng khó khăn. Thế nhưng, như sắp đặt của số phận, bằng tình yêu, sự cảm thông và vươn lên trong cuộc sống, anh Lê Quang Mẫn, chị Nguyễn Thị Luyến, ở khu phố Lý Yên, thị trấn Quán Lào (Yên Định) đã viết lên câu chuyện cổ tích cuộc đời mình.
Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng Luyến.
Vượt lên “nghịch cảnh”
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Mẫn, chị Luyến sau khi anh chị vừa tham gia chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Trong căn nhà mới xây khang trang, những đồ dùng được anh chị chăm chút, bài trí gọn gàng, sạch sẽ, chị Luyến vừa pha trà mời khách, vui vẻ tâm sự: “Tôi rất vui khi được chọn là 1 trong 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Đây là chương trình nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Để có thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ của vợ chồng”.
Nhắc lại quá khứ, ánh mắt của chị Luyến đượm buồn cho biết, chị bị liệt hoàn toàn nửa người trái, không thể đi lại bình thường sau cơn sốt khi gần 1 tuổi. Vì vậy, mỗi khi muốn đi đâu đều phải nhờ người thân. Bắt đầu lớn lên, biết nhận thức cơ thể mình không giống các bạn, chị cũng có thời gian tự ti, mặc cảm về bản thân. Sau rồi, dần chấp nhận khiếm khuyết của mình và quyết tâm học cách thích nghi, thay đổi số phận bằng con đường học tập.
Đến tuổi cắp sách tới trường, chị được bố mẹ cho đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Mỗi ngày 2 lần, bố hoặc mẹ thay nhau cõng đến trường và chị luôn nỗ lực đạt thành tích cao trong suốt thời gian đi học để không phụ lòng bố mẹ. Năm 2010, chị đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức với số điểm cao đứng thứ 3 trong Khoa Tài chính ngân hàng và được nhận học bổng đầu vào của trường. Năm 2014, chị tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức loại giỏi. Cùng với tìm việc làm, chị tích cực tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ thanh niên sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hóa và được bầu vào ban chấp hành câu lạc bộ. Chị luôn gắn kết các thành viên khuyết tật trong tỉnh giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ, giúp đỡ cùng vượt qua khó khăn.
Viết lên câu chuyện cổ tích
Bản thân bị khuyết tật nên chị luôn nỗ lực học tập tốt để mong ước có công việc ổn định, giúp đỡ bố mẹ đỡ vất vả, chứ chưa bao giờ mơ ước lập gia đình như bao cô gái khác. Thế nhưng như sự sắp đặt của số phận, năm 2016 chị Luyến gặp anh Mẫn trong cuộc thi “Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc”. Anh Mẫn cũng bị khuyết tật teo 2 chân từ lúc 7 tuổi do bị cảm biến chứng. Từ những người cùng cảnh ngộ, qua thời gian gắn bó, anh chị tìm được tiếng nói chung. Mặc dù gặp sự ngăn cản từ người thân, nhưng bằng tình yêu chân thành, gia đình hai bên đã chấp nhận anh chị nên duyên vợ chồng bằng đám cưới đơn sơ nhưng đầy ắp nụ cười của đôi bạn trẻ.
Thời điểm mới cưới nhau, cuộc sống của vợ chồng anh chị gặp nhiều khó khăn do không có công việc ổn định. Vốn có “máu” kinh doanh, nên chị Luyến đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng và mở cửa hàng kinh doanh hàng gia dụng tại nhà. Sau 2 năm buôn bán, vợ chồng chị đã trả hết số nợ vay và có thêm số vốn nhất định. Tuy nhiên, công việc kinh doanh hàng gia dụng cần phải vận chuyển hàng hóa nhiều trong khi vợ chồng đều là người khuyết tật nên rất vất vả. Năm 2018 vợ chồng chị quyết định chuyển đổi sang hình thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Với việc lựa chọn công việc phù hợp điều kiện của bản thân, cùng với ham học hỏi, chịu khó, nên hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả. “Khi bản thân tìm được công việc phù hợp, giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn, tôi cũng luôn trăn trở tìm cách hướng dẫn, chia sẻ, giúp đỡ những người khuyết tật khác cùng làm việc kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn anh chị em khuyết tật nếu có nhu cầu cùng làm”, chị Luyến chia sẻ.
Mong muốn lan tỏa nghị lực sống, vợ chồng chị Luyến còn tích cực tham gia các hoạt động do các câu lạc bộ khuyết tật tổ chức. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, chị Luyến cùng với ban chấp hành luôn tổ chức gặp gỡ, giao lưu chia sẻ các kinh nghiệm sống và giúp đỡ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Nhìn cơ ngơi của gia đình chị Luyến hôm nay nhiều người không khỏi trầm trồ, thán phục. Hiện gia đình anh chị tạo việc làm thường xuyên cho 1 lao động và 100 cộng tác viên làm online, trong đó có 20 người khuyết tật.
Câu chuyện về nghị lực vượt khó vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh Lê Quang Mẫn, chị Nguyễn Thị Luyến là tấm gương sáng để nhiều người khuyết tật noi theo.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:27:00
Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 tại Hoằng Hóa
-
2025-01-10 16:56:00
Phiên chợ đặc biệt dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
-
2024-12-07 12:12:00
Đường về... lương tâm (Bài 2): Không phải là dấu chấm hết
Kênh giảm nghèo hiệu quả
Sắp xếp dân cư vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho giáo viên, học sinh các trường chuyên biệt khu vực phía Bắc
Một số thiếu sót trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công tại Bộ Y tế
Đường về... lương tâm (Bài 1): Nợ đời phải trả...
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 trao “Nhà Đại đoàn kết” tại huyện Quan Sơn
Mừng vì “Nhà tạm lánh” vắng “khách”
Hội viên nòng cốt trong phong trào phụ nữ
Tháo dỡ công trình xây trái phép trên đất quốc phòng tại Hà Trung