(Baothanhhoa.vn) - Trở lại nơi “tâm bão”, không khó để người ta cảm nhận nỗi đau ma túy đọng lại trên mái tranh nghèo và hằn vào khuôn mặt xanh xao, đen đúa của những đứa trẻ bơ vơ không nơi bấu víu. Gieo rắc cái chết, hủy hoại tiền đồ của đồng loại, những “đại ca”, “ông trùm” còn đẩy cả ruột thịt, máu mủ của mình vào đau thương, tang tóc.

Giữ sạch "vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 1): Khi “cơn bão” ma túy tràn về

Trở lại nơi “tâm bão”, không khó để người ta cảm nhận nỗi đau ma túy đọng lại trên mái tranh nghèo và hằn vào khuôn mặt xanh xao, đen đúa của những đứa trẻ bơ vơ không nơi bấu víu. Gieo rắc cái chết, hủy hoại tiền đồ của đồng loại, những “đại ca”, “ông trùm” còn đẩy cả ruột thịt, máu mủ của mình vào đau thương, tang tóc.

Giữ sạch vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 1): Khi “cơn bão” ma túy tràn vềNỗi đau ma túy vẫn hằn lên cuộc sống của nhiều đứa trẻ ở Pù Nhi (Mường Lát). Ảnh: đỗ đức

Xác xơ vì ma túy

Phải mất gần nửa ngày trầy trật trên con đường da lươn, lởm chởm đất đá sau mưa, chúng tôi mới lên được bản Ón, xã Tam Chung, nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ” ma túy ở huyện vùng biên Mường Lát. Đã qua đi cái thời nóng bỏng nhất, nhưng nỗi đau ấy còn ràng rịt trên bao mái nhà và trong bơ vơ, nhem nhuốc của những đứa trẻ thơ ngây.

Cho đến khoảng năm 2018, người bản Ón mua ma túy dễ hơn mua cá thịt. Ở vị trí “đầu ve” của tỉnh, có cả đường biên giới và ranh giới, xa trung tâm huyện nên ma túy sẵn từ Lào về, từ Sơn La sang. Chẳng mấy người còn tha thiết với nương ngô, ruộng sắn. Bởi họ còn mãi chạy theo tiếng gọi “tử thần”, xem ma túy là nguồn sống, là mọi lý lẽ ở đời. Đàn ông nghiện, đàn bà cũng nghiện, có gia đình cả vợ chồng đều nghiện. Nơi rừng xanh núi đỏ, gạo ăn đã khó, lại phải kiếm tiền bầu bạn với “tiên nâu, hàng trắng”, những con nghiện trời đánh ấy chỉ còn cách bán linh hồn cho quỷ, trở thành tay chân cho “đại ca”, “ông trùm” ma túy. Có kẻ liều mình tự lập riêng cho mình đường dây, cốt “bán sức đổi cơm đen”, tuy nhỏ lẻ nhưng cũng có cả chục “con nhang đệ tử”. Rồi những cuộc đời lầm lỗi ấy lần lượt quy án, để lại phía sau mái tranh xác xơ và nỗi buồn thăm thẳm.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ón Giàng A Chống nhẩm tính: "Không tính số người nghiện, chỉ tính số đi tù vì ma túy từ năm 2010 đến cuối năm 2023, bản có khoảng 20 người. Giờ thì đã hết cái thời ra ngõ gặp ma túy rồi. Lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã và đang cố gắng hết sức để giữ bình yên cho bản mình. Chỉ thương những đứa trẻ”...

Theo chân bí thư Chống một vòng quanh bản, chẳng khó để bắt gặp những đứa trẻ bơ vơ, nhem nhuốc ấy. Cháu thì bố đi tù, cháu mẹ đi trại, cũng có cháu cả bố mẹ còn ở trong “kho” chưa biết ngày về. Chúng phất phơ như cỏ dại, mang tiếng có người trông nom, nuôi nấng, nhưng bữa đói nhiều hơn bữa no, vạ vật nơi xó rừng góc núi nhặt nhạnh từ đọt le, củ măng về làm thức ăn. Thấy có người lạ đến, đứa nọ bám áo đứa kia rồi chạy khuất vào phía sau những mái nhà xiêu vẹo.

Giữ sạch vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 1): Khi “cơn bão” ma túy tràn vềCăn nhà đẹp đẽ của gia đình Ngân Thị Phong ở bản Ta Bá, xã Trung Sơn (Quan Hóa) im ỉm đóng từ ngày hai bố con đi tù vì ma túy.

Trong số ấy, 6 đứa trẻ của cặp “vợ chồng ma túy” Giàng A Vảng (SN 1978) và Sùng Thị Công (1980) là cả một câu chuyên thê lương. Vảng có 9 anh chị em trai gái đủ đầy, thì có tới 4 người đi tù vì ma túy. Cộng thêm cả vợ chồng Vảng, thì gia đình này đã “đóng góp” cho trại giam tới 6 người.

Nhà Vảng nghèo, cả 8 người gồm vợ chồng con cái bấu víu nhau trong căn nhà tuềnh toàng, tường vách tả tơi ở gần phía bìa rừng. Khi củ sắn, bắp ngô chẳng đủ lấp cái bụng, Vảng dứt ra, lần đường sang Sơn La bốc vác kiếm tiền gửi về cho vợ nuôi con. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, trong một lần nghe bạn rủ rê, anh thử rồi nghiện ma túy lúc nào chẳng hay. Về sau, thông thạo mánh khóe, ngón nghề, Vảng sang Lào mua ma túy bán lẻ ở Sơn La, rồi dần gây dựng chân rết, bán với số lượng lớn.

Lưới trời lồng lộng, những kẻ gieo rắc “cái chết trắng” cho đồng loại đã phải đền tội phía sau song sắt nhà tù. Những “vùng đỏ” phức tạp về ma túy đã và đang được chuyển hóa thành “vùng vàng”, “vùng xanh”, trả lại cuộc sống thanh bình cho bản làng biên viễn. Nhưng để giữ được “vùng xanh” ấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy không thể chỉ là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu.

Và mỗi lần về Ón, không những có tiền, có thuốc cho trai bản, Vảng còn cho cả vợ mình thử... Sau lần ấy, Công cứ bảo nhớ chồng, nên thường bỏ ruộng nương lên đường sang Sơn La. Nhưng người bản biết, ả nhớ chồng thì ít mà nhớ ma túy thì nhiều.

Vảng bị bắt trước rồi đến lượt vợ, cùng vì ma túy. Chỉ thương 6 đứa trẻ lít nhít trứng gà trứng vịt. Chúng xanh xao, ngơ ngác, đứa nhỏ mặc lại quần áo đứa lớn, nhưng chẳng có cái nào chưa bị vá. May mắn, nhiều nhà hảo tâm đã nhận hỗ trợ, đỡ đầu chúng.

Đớn đau là thế, nhưng rồi những bản án nghiêm khắc được tòa tuyên liệu đã đủ sức răn đe hành vi tội lỗi. Bởi tại mảnh đất “đầu ve” hiu hắt này, từ đầu năm 2024 đến nay, Đồn biên phòng Tam Chung và Công an xã Tam Chung tiếp tục phát hiện, bắt giữ thêm 2 vụ với 3 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong đó, Phàng A Gia (SN 1974), người ở bản Ón bị bắt tại nhà, do vì nghiện mà mua ma túy về cất giấu sử dụng dần.

Trên huyện vùng biên Mường Lát nào chỉ riêng bản Ón “nóng” vì ma túy. Trước năm 2020, đi đến nhiều bản làng, đường ngõ, người ta dễ bắt gặp những bơm tiêm, giấy bạc, nhiều đàn ông, đàn bà vạ vật, bơ phờ. Còn ven Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, chẳng mấy ai dám cho người đi đường nhờ xe. Bởi nỗi sợ vô tình tiếp tay, rồi trở thành tội phạm vận chuyển ma túy...

Nhận tiền đền bù đi “cúng” ma túy

Chẳng ai có thể đo đếm, định lượng nỗi đau ma túy gây ra trên những bản làng nơi núi rừng biên viễn, chỉ biết đó là tột cùng nỗi đau, cùng cực tội ác. Và cũng chẳng chỉ riêng người Mông, chẳng hẳn vì nghèo, vì thiếu hiểu biết, mà khi có cả tỷ bạc trong tay, vẫn có những người Thái, người Mường cũng “đánh đu” theo “ả phù dung”. Câu chuyện ở xã Trung Sơn (Quan Hóa) là một nỗi buồn còn lại.

Trước năm 2013, xã Trung Sơn còn là nơi thanh bình, yên ả với những ruộng lúa, đồi ngô xanh mướt một màu. Bao thanh niên trai tráng người Mường, người Thái cần mẫn siêng năng lúc leo đồi chặt nứa, luồng, lúc xuống sông Mã đánh bắt cá kiếm thức sinh nhai. Rồi đến một ngày, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Nhà máy thủy điện Trung Sơn hoàn thành, nhiều gia đình bỗng chốc giàu to với tiền trăm bạc tỷ. Mặc dù được cấp ủy, chính quyền vận động, nhưng chẳng mấy người chịu khó nuôi thêm con trâu, con bò, lợn, gà phát triển kinh tế. Họ “nướng tiền” triền miên trong những cuộc nhậu nhẹt, hát hò thâu đêm suốt sáng. Rồi nhà nghỉ, quán karaoke được xây lên, những cô gái tóc xanh tóc đỏ từ tứ phương dạt về... nơi ngã ba Quốc lộ 16 đi Sơn La, Mường Lát và đường tỉnh 521. Đó cũng là lúc ma túy “gõ cửa” Trung Sơn.

Giữ sạch vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 1): Khi “cơn bão” ma túy tràn vềNgã ba giao nhau giữa Quốc lộ 16 và đường tỉnh 521 thuộc xã Trung Sơn (Quan Hóa) từng là nơi hoạt động của tội phạm ma túy.

Trưởng Công an xã Trung Sơn, Trung tá Hà Xuân Trường nói, cho đến năm 2020, số người nghiện ma túy được quản lý trên địa bàn xã là 175 người. Cá biệt, có hộ gia đình vợ chồng, con cái đều nghiện. Nhiều gia đình đổ vỡ vì ma túy. Ma túy chẳng trừ một ai, từ người trẻ đến người già, đàn bà hay đàn ông, người dân hay cán bộ xã... Từ năm 2020 đến năm 2023, Công an xã Trung Sơn và các lực lượng chức năng đã đấu tranh, bắt giữ 39 vụ với 50 đối tượng phạm tội về ma túy trên địa bàn và đưa 45 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc; đang quản lý sau cai 18 đối tượng.

Trong số những đối tượng bị bắt, thì Ngân Thị Phong (sinh năm 1996) ở bản Ta Bán thê thảm đến trớ trêu. Vốn là người đẹp có tiếng trong huyện, tuổi thanh xuân có nhiều trai bản xa gần tìm hiểu, Phong nhanh chóng kết duyên với một thanh niên ở TP Hà Nội về thi công công trình Nhà máy thủy điện Trung Sơn. Có với nhau 1 đứa con gái chưa lâu, lúc chồng lên công trình hay ra thăm quê, ả thường tụ tập và thử cảm giác lạ trong những cơn phê điên dại. Phong nghiện, rồi vợ chồng đưa nhau ra tòa, đứa con gái được theo bố về Hà Nội sinh sống.

Còn ả ở lại với núi rừng Quan Hóa không lâu thì “mạt cưa mướp đắng”, sống như vợ chồng với Trần Văn Chuông cùng tuổi, một con nghiện có tiếng ở xã Phú Thanh để tận hưởng những cơn phê, rồi cùng đi buôn ma túy. Và điều gì đến cũng đến, hai con nghiện có số má này bị bắt về quy án năm 2022. Chỉ tiếc rằng, trước khi bị cách ly ra khỏi xã hội, họ đã kịp để lại một đứa con gái thơ ngây còn chưa hiểu nỗi đau vắng mẹ.

Sau đó không lâu, bố Phong là Ngân Văn Chóc (SN 1978) cũng vào tù vì ma túy. Còn trước đó, em ruột của y cũng đã “chầu trời” sau một vụ tai nạn giao thông mà người ta bảo nguyên nhân là do ngáo đá. Giờ thì căn nhà của bố con Phong tuy đẹp nhất bản nhưng cửa im ỉm đóng, chỉ còn lại người mẹ gầy gò, đầu tắt mặt tối cũng chẳng kiếm đủ tiền cho mỗi chuyến vào trại thăm chồng, thăm con.

Chẳng bản làng nào yên khi cơn bão ma túy tràn về. Sinh ra trong nghèo đói, ma túy đã đè nhiều gia đình người Thái, người Mông vào tận cùng nỗi đau. Nỗi đau tù tội, con mất cha, anh mất em, vợ mất chồng, nỗi đau bám riết trên những mặt người khắc khổ, gầy gò. Mà phía sau ấy còn là những đám tang lạnh lẽo không người dám bén bảng vì HIV/AIDS, như ở bản Poọng, bản Lát (Tam Chung), Na Tao (Pù Nhi),... Có những bản 30 - 40 người chết vì AIDS. Nhiều trai gái tuổi đời chưa đầy hai mươi vừa được làm bố mẹ không lâu đã phải vội vã “chầu trời”...

Lòng se sắt, tôi nghĩ rồi những bản làng vùng biên sẽ ra sao, nếu ma túy không được ngăn chặn kịp thời? Và cả những đứa trẻ sẽ về đâu khi mới lọt lòng đã bị quăng vào chồng chất khổ đau với bao nhiêu đoạn trường của kiếp phận làm người...

Theo Thượng tá Trương Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Mường Lát: Thời điểm năm 2020, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn rất phức tạp với 3 tụ điểm, 15 điểm phức tạp về ma túy và trên 33 đối tượng bán lẻ ở tất cả các xã, thị trấn. Số lượng người có liên quan đến ma túy còn rất lớn với 617 người (455 người nghiện và 161 người nghi nghiện), đa số đều ở ngoài cộng đồng, chưa được xác định tình trạng nghiện và chưa có hồ sơ theo dõi, quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 400 đối tượng tù tha về ma túy.

Phóng sự dài kỳ của Đỗ Đức

Kỳ 2: Bắt đúng “bệnh”, điều trị đúng “thuốc”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]