(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh, mảnh đất chất chứa tài nguyên di sản văn hóa phong phú và độc đáo với nhiều phong tục, tập quán, sắc màu thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc, lễ hội văn hóa dân gian... của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, các giá trị văn hóa ấy chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nguồn lực quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

Giữ mạch nguồn văn hóa trong phát triển du lịch (Bài 1): Văn hóa - nguồn lực phát triển du lịch

Xứ Thanh, mảnh đất chất chứa tài nguyên di sản văn hóa phong phú và độc đáo với nhiều phong tục, tập quán, sắc màu thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc, lễ hội văn hóa dân gian... của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, các giá trị văn hóa ấy chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nguồn lực quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

Giữ mạch nguồn văn hóa trong phát triển du lịch (Bài 1): Văn hóa - nguồn lực phát triển du lịchTrò Xuân Phả được trình diễn tại lễ hội đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân). Ảnh: Nguyễn Đạt

Đa dạng nguồn tài nguyên văn hóa

Tạo hóa đã hào phóng và khéo léo sắp đặt tạo cho miền đất xứ Thanh “hội tụ” đủ các địa hình sinh thái, vùng núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Không chỉ có thế, mà trong dặm dài lịch sử các thế hệ đi trước còn dày công vun đắp cho mảnh đất này nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, độc đáo, giàu giá trị đã và đang được lớp lớp người đi sau trân quý, gìn giữ và phát huy như một “báu vật”. Với nền tảng vốn quý đó, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa; luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Để làm được điều đó, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều đề án, chương trình, nghị quyết cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó, nỗ lực, quyết tâm để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đa dạng, nên các cấp, ngành trong tỉnh đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ thống các di tích. Nhờ đó, nhiều di tích đã liên tục được vinh danh ở hạng mục di sản văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn... Điển hình nhất phải kể đến là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) - thánh địa của vương triều Hậu Lê đã được các cấp, ngành và chính quyền địa phương đầu tư phục dựng lại trên nền kiến trúc xưa, mang vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng và bề thế, thể hiện qua những công trình kiến trúc tâm linh, những bảo vật quốc gia độc đáo... Đặc biệt, năm 2012, Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh đã chính thức được vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt. Đây chính là sự khẳng định giá trị trường tồn của khu di tích cũng như những nỗ lực cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Để rồi, cho đến hôm nay Lam Kinh đã trở thành một địa chỉ quan trọng bậc nhất trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và cả nước. Về với Lam Kinh, du khách không chỉ được sống trong không gian văn hóa đặc biệt, để ngược dòng về quá khứ - một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, mà còn được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cảm nhận được sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên ngay giữa chốn linh thiêng.

Hiện nay, nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội văn hóa đặc sắc ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã được nghiên cứu, phục dựng thành công. Các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản và dịch vụ ngày càng đa dạng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà các di sản văn hóa phi vật thể trở thành yếu tố mang tính đặc trưng riêng biệt, góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách muôn phương về với Thanh Hóa. Thì việc đưa di sản văn hóa phi vật thể như trò Xuân Phả (Thọ Xuân), hò sông Mã (Hà Trung), trò diễn Pồn Pôông của đồng bào dân tộc Mường (Ngọc Lặc)... vào các sự kiện lớn, hay biểu diễn ngay tại địa điểm du lịch không chỉ góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống mà còn đa dạng hóa, tăng thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, kích thích sự tìm tòi khám phá của du khách.

Giữ mạch nguồn văn hóa trong phát triển du lịch (Bài 1): Văn hóa - nguồn lực phát triển du lịchToàn cảnh nghi lễ tấu trình chúc văn, dâng hương tại Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023.

Nếu như trước đây, trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân), chỉ được diễn trong lễ hội cúng tế Thần Đông hải Đại vương tại nghè thờ của xã. Thì ngày nay, trò Xuân Phả đã vượt ra khỏi ranh giới “ao làng” để giới thiệu, biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của huyện và của tỉnh, thậm chí của cả nước. Cũng vì thế, trò Xuân Phả ngày càng được đông đảo công chúng ở cả trong và ngoài nước biết đến rộng rãi hơn. Xuân Phả là tổ hợp của 5 trò diễn: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Tú Huần. Xét về nguồn gốc đây là sự mô phỏng việc 5 quốc gia đến tiến cống vua nước Đại Việt, mang theo lễ vật và các điệu múa để chúc mừng. Song, trải qua cả chục thế kỷ, trò diễn được đưa lên sân khấu dân gian và giới hạn trong văn hóa làng, nên các yếu tố của nghệ thuật cung đình cũng bị bào mòn và thay vào đó là nghệ thuật dân gian, với sự dân dã, hồn hậu trở thành nét chủ đạo. Với sự dày công tìm tòi, nghiên cứu phục dựng các tích trò tương đối hoàn chỉnh của các nghệ nhân cùng những giá trị nghệ thuật đặc sắc tháng 9-2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây có thể xem là bước đệm để đưa trò Xuân Phả tiến lên nấc thang giá trị cao hơn, trở thành di sản văn hóa nhân loại.

Có thể thấy rằng, di sản văn hóa là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, là “tiền đề” để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển. Những giá trị văn hóa ấy được gìn giữ và phát triển trong đời sống không chỉ tạo nền tảng vững chắc để xứ Thanh không mất đi bản sắc trong quá trình hội nhập, mà còn là “chìa khóa” để phát triển du lịch một cách bền vững.

Lan tỏa giá trị di sản

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có không ít địa phương đã thành công với việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng thu hút khách du lịch. Minh chứng rõ nhất là ở huyện Thạch Thành - địa phương thu hút khá đông du khách tìm đến nhờ vào việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhất là dân tộc Mường, cùng hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phong phú... Bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành cho biết: Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa là hướng đi có tính chiến lược của địa phương trong những năm gần đây. Bởi thông qua hoạt động du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đang có chiều hướng ngày càng mai một trong guồng quay của xã hội hiện đại, lại vừa huy động được sức mạnh của cộng đồng tham gia. Là huyện miền núi, nơi có nhiều thác nước đẹp, địa hình, sông núi, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ; đồng thời với hơn 54% đồng bào dân tộc Mường sinh sống và nhiều làng, bản với các nhà sàn truyền thống của người Mường, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc gắn với cộng đồng, huyện đã tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đến nay đã hình thành được các điểm đến hấp dẫn như Khu du lịch thác Mây (Thạch Lâm); du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực thác Voi (thị trấn Vân Du), khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái Suối khoáng nóng Thành Minh và các khu vực lân cận: thác Đẹn, thác Mơ, hồ Vũng Sú, hồ Bỉnh Công... Đồng thời, huyện quan tâm đến phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích có giá trị tiêu biểu để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh. Đến nay, đền Phố Cát và di tích lịch sử Chiến khu du kích Ngọc Trạo đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. Qua đó đã từng bước xây dựng trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh của huyện.

Giữ mạch nguồn văn hóa trong phát triển du lịch (Bài 1): Văn hóa - nguồn lực phát triển du lịchToàn cảnh nghi lễ tấu trình chúc văn tại Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023.

Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên...”. Như vậy, muốn phát triển du lịch bền vững, phải song hành với bảo tồn văn hóa. Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát huy vai trò nòng cốt của các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa truyền thống. Đặc biệt, nhằm thực hiệu hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy, làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30-5-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2025; UBND tỉnh ban hành Quyết định 2060/2013/QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng quý giá để phát triển du lịch bền vững. Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã thật sự tạo nên sự khác biệt hấp dẫn cho từng địa phương trên mảnh đất xứ Thanh. Từ đó, góp phần tạo nên những không gian văn hóa độc đáo, thúc đẩy việc xây dựng một xứ Thanh hài hòa, nhân văn và có bản sắc trong mắt bạn bè du khách và quốc tế.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Bài 2: Chậm đổi mới, ít sáng tạo.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]