Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số (DTTS), do đó việc đẩy mạnh tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng này là hết sức cần thiết. Phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa có cuộc trò chuyện với ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh về những kết quả đạt được trong triển khai công tác tuyên truyền thực hiện giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng DTTS và miền núi (MN) tỉnh Thanh Hóa.
Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh và lãnh đạo huyện Như Thanh chúc mừng các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Như Thanh tham gia hội thi tìm hiểu pháp luật. Ảnh: Thảo Nguyên
-PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai những hoạt động tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS&MN?
- Ông Cầm Bá Tường: Vùng DTTS&MN của tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện MN và 6 huyện có xã, thôn/bản vùng DTTS&MN với tổng số 174 xã, có 1.551 thôn/bản/khu phố, vùng có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú với tổng số dân khoảng 1 triệu người, trong đó các DTTS có khoảng trên 701.000 người chiếm trên 70% dân số toàn MN và trên 18% dân số cả tỉnh. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và cả nước.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 (gọi tắt Đề án 498) đã được triển khai trên toàn quốc. Đối với tỉnh Thanh Hóa, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Giảm thiểu TH&HNCHT trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 3715/QĐ-UBND, ngày 25/9/2015 để triển khai trên địa bàn vùng DTTS&MN của tỉnh.
Năm 2020, kết thúc giai đoạn I của Đề án 498 và tổng kết đề án theo Quyết định 3715/QĐ-UBND của UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có sự vào cuộc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân; tổ chức được các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức. Thông qua các hoạt động đó, tỷ lệ tảo hôn trên toàn vùng MN tỉnh ta đã giảm đáng kể từ 4,12% năm 2016 xuống còn 0,91% năm 2020; đặc biệt, không còn hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, trong xu thế bùng nổ thông tin đa chiều, một số thanh, thiếu niên đi làm ăn xa, một số khác đi học tập trung... trong điều kiện dễ tiếp xúc, gần gũi thường xuyên nên dễ dẫn đến tình trạng tảo hôn lại có xu hướng tăng lên, tình trạng HNCHT không còn nhưng vẫn có khả năng xảy ra.
Do đó, để giảm đến mức thấp nhất tiến đến xóa bỏ hoàn toàn tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 22/4/2021 để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, Đề án 498 đã được tích hợp trong Tiểu Dự án 9.2 về Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong đồng bào DTTS thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2023 và đạt kết quả nổi bật. Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức được 12 hội nghị tập huấn, tập huấn, tuyên truyền cho hơn 2.000 đại biểu là các báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện, xã, thôn, bản và người dân về các vấn đề giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT; biên soạn, in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn, bản vùng DTTS&MN của tỉnh với số lượng: 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích, 44.970 tờ gấp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Dân tộc và Phát triển và nhiều bài viết tuyên truyền trên Trang Thông tin điện tử của cơ quan Ban Dân tộc và các cơ quan khác. Ngoài ra, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với UBND 2 huyện Như Thanh và Thạch Thành tổ chức thành công 2 hội thi tìm hiểu pháp luật đối với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS của 2 huyện Thạch Thành và Như Thanh về “Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS”, trong đó có nội dung liên quan đến TH&HNCHT, với 40 em của 8 đội thi, trên 400 học sinh của 2 trường cùng với các thầy giáo, cô giáo và các bậc phụ huynh tham gia.
Các huyện đã tổ chức được 16 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền; 230 hội nghị tuyên truyền cho người dân tại cơ sở; tổ chức 13 hội thi rung chuông vàng, 19 buổi nói chuyện chuyên đề, ngoại khóa, 9 cuộc thi sân khấu hóa tại các trường học, 1 cuộc thi sân khấu hóa cấp huyện. In ấn, cấp phát 28 pa nô, 45 băng rôn, 12.700 tờ rơi tuyên truyền... Các huyện đã xây dựng 27 mô hình điểm để tập trung, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; bên cạnh đó là các hoạt động lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị của xã, thôn bản, sinh hoạt văn nghệ, thể thao tại cộng đồng.
- PV: Có thể khẳng định, hoạt động tuyên truyền đã được triển khai đa dạng, phong phú từ tỉnh đến cơ sở. Xin ông chia sẻ những kết quả đạt được về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS&MN?
- Ông Cầm Bá Tường: Trong giai đoạn 2021-2023, các ngành, các huyện đã đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền thực hiện Đề án 498 và Tiểu Dự án 9.2, mang lại những hiệu quả tích cực. Theo số liệu thống kê trên địa bàn 11 huyện MN, tỷ lệ tảo hôn đang có xu hướng giảm từ 2,38% năm 2021 xuống còn 1,67% năm 2023. Các huyện còn có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung ở các huyện như: Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân. Nhiều huyện không còn tỷ lệ tảo hôn như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước và các huyện giáp ranh có xã, thôn vùng DTTS&MN. Về HNCHT, trong giai đoạn 2021-2023, chỉ có 1 cặp xảy ra vào năm 2021 tại huyện Mường Lát, từ năm 2022 không còn HNCHT.
Qua công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Đề án 498 từ năm 2016-2020, đa số người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc TH&HNCHT không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản, giống nòi... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo được sự đồng thuận trong xã hội để ngăn ngừa tình trạng TH&HNCHT, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. Việc giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT đã giúp cho các cặp vợ chồng kết hôn đúng độ tuổi, có đủ sức khỏe, khả năng lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
- PV: Trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền tiếp tục đạt hiệu quả, tác động đến nhận thức, hành động trong đồng bào về giảm thiểu TH&HNCHT, Thanh Hóa đề ra nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?
- Ông Cầm Bá Tường: Thời gian qua, công tác tuyên truyền về TH&HNCHT trên địa bàn vùng DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa luôn nhận được sự chỉ đạo tích cực từ chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở và thôn bản; sự phối hợp tuyên truyền giữa chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhà trường; có được sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân khi hiểu rõ được tác hại do TH&HNCHT gây ra. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy, nhận thức của một số ít người dân còn hạn chế; các mô hình điểm mới được xây dựng nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Hiện tại tỷ lệ tảo hôn đã giảm thấp, HNCHT không còn nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong thời gian tiếp theo.
Trong thời gian tới để công tác tuyên truyền tiếp tục đạt hiệu quả, tác động đến nhận thức, hành động trong đồng bào về giảm thiểu TH&HNCHT, góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng DTTS&MN cần tập trung các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất là: Cần đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân trên địa bàn vùng DTTS&MN, tập trung vào các dân tộc, địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và còn xảy ra tình trạng hoặc có nguy cơ cao HNCHT; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS trong việc tham gia tuyên truyền trong cộng đồng.
Hai là: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến nhiều đối tượng đặc biệt là đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên trước độ tuổi kết hôn. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các trường học phối hợp chặt chẽ với hoạt động của chính quyền các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, đài phát thanh và truyền hình...), nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn bản; biên soạn các tài liệu dễ nhớ, dễ hiểu đối với người dân vùng DTTS&MN...
Ba là: Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT, chú trọng mô hình tại các trường học, các xã, thôn bản còn tỷ lệ TH&HNCHT cao, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác để nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động của người dân đối với vấn đề TH&HNCHT.
Bốn là: Các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TH&HNCHT để làm gương cho những trường hợp có nguy cơ TH&HNCHT.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Huấn (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-12-11 20:21:00
Thị trường lịch Tết Ất Tỵ 2025 - Mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý
-
2024-12-11 16:51:00
Nhân Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029: Khẳng định vị thế trong hoạt động nghề nghiệp, góp phần bảo vệ công lý
-
2024-07-14 15:02:00
Thiết thực mô hình chợ phiên đêm ở huyện vùng biên Quan Hóa
BHXH huyện Thạch Thành đảm bảo tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH mới cho người thụ hưởng
Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và biển động mạnh
Hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ dọn vệ sinh và chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng
Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Hà Giang: Xác định danh tính 14 người thương vong
Cẩn trọng với những “biến tướng” của đa cấp 4.0
Mang yêu thương đến với trẻ mồ côi
Nghị lực của những “vầng trăng khuyết”
Nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội chứ không... “nghỉ hưu”