Giải thích làn sóng gia nhập BRICS tại Đông Nam Á
Tháng 6/2024, hai quốc gia Đông Nam Á là Malaysia và Thái Lan đã công bố quyết định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS. Liệu một làn sóng mở rộng có khả thi và BRICS sẽ thu được gì từ xu hướng này?
Malaysia và Thái Lan bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS
Ngày 16/6, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với cổng thông tin Guancha của Trung Quốc về quyết định gia nhập BRICS của Malaysia trong thời gian tới. “Chúng tôi đã xây dựng rõ ràng chính sách của mình và đưa ra quyết định. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu các thủ tục chính thức”, ông Anwar Ibrahim nói trước chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Thủ tướng Anwar Ibrahim lưu ý rằng, Malaysia đang tích cực tư vấn về vấn đề này với Chính phủ Nam Phi và Brazil.
Một tuần trước đó, sau phiên Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển được tổ chức tại Nizhny Novgorod của Nga vào ngày 11/6, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sanjampongsa đã trao cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov một lá thư về ý định của vương quốc này để có được tư cách thành viên đầy đủ trong BRICS. Bộ Ngoại giao Thái Lan bình luận về sáng kiến này: “Là cầu nối kết nối giữa các nhóm quốc gia khác nhau, Thái Lan có thể tăng cường tính toàn diện và liên kết của BRICS, đồng thời làm cho tổ chức này hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển”. Ngoài các thành viên hiện tại của BRICS, đại diện của 12 quốc gia đã tham gia cuộc họp tại Nizhny Novgorod, trong đó có 3 quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Các nước ASEAN đã tích cực tham gia vào nhiều sự kiện BRICS+ khác nhau kể từ khi tổ chức này ra mắt; một số quốc gia thành viên ASEAN đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia BRICS. Lào đã làm điều này vào tháng 12/2023, Myanmar vào tháng 2/2024. Campuchia cho biết họ chưa nộp đơn nhưng đang xem xét khả năng này, còn Indonesia hứa sẽ cân nhắc kỹ lưỡng những ưu và nhược điểm, không đưa ra quyết định vội vàng.
Việt Nam cũng đang thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Bình luận về khả năng đăng ký làm thành viên của BRICS, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đang quan tâm theo dõi tiến trình về mở rộng thành viên của nhóm BRICS. Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-20/6, lãnh đạo hai nước cũng nhất trí “tăng cường quan hệ giữa các nước BRICS và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, trích tuyên bố chung giữa hai nước về việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.
Tuy nhiên, chưa một quốc gia nào ở Đông Nam Á được đưa vào làn sóng mở rộng đầu tiên của BRICS khi vào ngày 1/1/2024, Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Ethiopia đã chính thức trở thành thành viên của BRICS. Giới quan sát chính trị nhận định rằng, việc một quốc gia Đông Nam Á nào đó gia nhập BRICS sẽ khó có khả năng xảy ra trong năm nay, khi Nga làm chủ tịch luân phiên của BRICS. Điện Kremlin từng tuyên bố rằng, Moscow coi việc kết nạp thành viên mới là quá sớm, và hiện tại tổ chức sẽ tập trung vào việc tích hợp các “tân binh”.
Theo RBC, Yaroslav Lisovolik, người sáng lập BRICS+ Analytics, cho rằng: Một kịch bản thực tế hơn là việc tạo ra “vành đai đối tác” BRICS, có thể được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến được tổ chức từ ngày 22-24/10 ở Kazan. “Tuy nhiên, nếu quyết định tham gia thêm một số thành viên nữa vào BRICS được đưa ra thì lựa chọn rất có thể sẽ có lợi cho các quốc gia Đông Nam Á, như Malaysia và Thái Lan, do triển vọng và tầm quan trọng ngày càng lớn của BRICS trong nền kinh tế thế giới”. Theo chuyên gia Yaroslav Lisovolik, quá trình này có thể đi kèm với việc tăng cường quan hệ giữa BRICS và các nước ASEAN khác, như Việt Nam và Indonesia.
Vì sao các nước ASEAN ngày càng quan tâm đến BRICS?
Tờ Bloomberg nhận định về nguyên nhân nhiều quốc gia Đông Nam Á đồng loạt bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của BRICS là nhằm thể hiện nỗ lực cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Cụ thể, gia nhập BRICS sẽ giúp các nền kinh tế hàng đầu ở Đông Nam Á giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và lĩnh vực an ninh với Mỹ. Bởi theo Bloomberg, với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của BRICS trong nhiều lĩnh vực những năm gần đây, nếu trở thành thành viên của tổ chức này sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á củng cố thêm vị thế của mình và tạo được sự cân bằng trong trục quan hệ với Trung-Mỹ, bởi vai trò quan trọng của Nga, Ấn Độ trong tổ chức này.
Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ ủng hộ một thế giới đa cực và trật tự. Trong cuộc phỏng vấn đã được đề cập với Guancha, chính Thủ tướng Malaysia bày tỏ sự không hài lòng với việc các giao dịch thương mại của nước này với Trung Quốc được thực hiện chủ yếu bằng đồng USD, cũng như nhắc lại sáng kiến của ông về việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á. Cựu Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cũng nói với Bloomberg rằng, BRICS có thể trở thành một trong những công cụ để điều chỉnh “cấu trúc kinh tế và tài chính quốc tế không công bằng”.
Còn Yaroslav Lisovolik lại cho rằng, sự quan tâm ngày càng gia tăng của các nước ASEAN có thể xuất phát từ việc họ muốn tham gia sâu rộng và các dự án và sáng kiến quan trọng của BRICS trong lĩnh vực kinh tế. Các nước Đông Nam Á đặc biệt quan tâm đến các dự án hiện có, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển mới (NDB), do các nước BRICS thành lập vào năm 2014 với số vốn lên tới 100 tỷ USD. NDB đã phê duyệt các khoản vay cho nhiều dự án khác nhau với tổng trị giá 32,8 tỷ USD, dự kiến tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2026. Theo Yaroslav Lisovolik, một trong những lợi thế chính với tư cách thành viên BRICS của các nước Đông Nam Á là cơ hội đa dạng hóa thương mại bằng cách thâm nhập vào các thị trường mới nổi ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và các nước Á-Âu, có đặc điểm là tốc độ tăng dân số cao và tăng trưởng kinh tế nhanh, năng động. Ngoài ra, một đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các thị trường này là rào cản thương mại khá cao. Trong môi trường cạnh tranh kinh tế gay gắt, nền tảng BRICS+ sẽ giúp giảm bớt những rào cản này và mang lại cơ hội tiếp cận ưu đãi cho các nhà sản xuất từ các nước ASEAN.
Bản thân BRICS cũng sẽ được hưởng lợi từ tiềm năng gia nhập của các nước ASEAN. Thứ nhất, Đông Nam Á là khu vực duy nhất ở Nam bán cầu không có đại diện BRICS. Thứ hai, ASEAN là một trong những khối hội nhập khu vực phát triển nhất, có tốc độ tăng trưởng cao. Chuyên gia Yaroslav Lisovolik nhấn mạnh, việc các nước thành viên ASEAN gia nhập BRICS sẽ cho phép tổ chức này củng cố vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo RBC, tổng GDP danh nghĩa của ASEAN lên tới 3,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn gấp đôi so với tổng GDP 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2009. ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và thứ 3 tại châu Á. GDP danh nghĩa bình quân đầu người của ASEAN đạt mức 5.395 USD vào năm 2022, tăng 37,6% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế khu vực được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, đạt 5,5% vào năm 2022, bình quân đạt 4,4%/năm trong giai đoạn 2010-2022. ASEAN dự kiến sẽ trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-23 10:30:00
Nga tấn công Ukraine bằng MIRV: Sự thay đổi rõ ràng so với học thuyết răn đe Chiến tranh Lạnh
-
2024-11-22 06:24:00
Malaysia được coi như cửa ngõ tiến vào thị trường Đông Nam Á
-
2024-06-23 11:53:00
Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga
Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới
Việc Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại?
Chuyến thăm của Tổng thống Putin tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Nga - Việt
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại
Gia tăng khả năng Fed chỉ hạ lãi suất một lần trong năm 2024
Thông điệp đằng sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin
Các nước nói gì về sự hiện diện của Nga trong đàm phán hòa bình cho Ukraine?
NATO chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự với Nga?
Ngành thực phẩm châu Âu “thấp thỏm” trước khả năng Trung Quốc áp thuế trả đũa