Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài cuối) - Tăng tốc về đích
“Chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024", đã được Chủ tịch UBND tỉnh phát động. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh sẽ giải ngân 100% vốn được giao.
Thi công Dự án Đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn. Ảnh: PV
Thách thức chặng “nước rút”
Con số 9.301,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 65,9% kế hoạch và cao hơn 10,8% so với cùng kỳ đã phản ánh sự quyết tâm rất lớn của tỉnh Thanh Hóa trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện tốt, thì một số đơn vị tiến độ giải ngân vẫn khá “ì ạch”. Theo đó, còn 31 chủ đầu tư, địa phương giải ngân thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh (17 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; 13 UBND cấp huyện và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa).
Tại hội nghị toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (diễn ra ngày 30/10), Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã yêu cầu các đơn vị, địa phương giải ngân “0 đồng”, hoặc có tỷ lệ giải ngân nằm trong top cuối của tỉnh, giải trình nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ.
Điển hình như Sở Giao thông - Vận tải, năm 2024, sở được giao tổng vốn là 656 tỷ đồng, đã giải ngân được 212 tỷ đồng, còn lại 441 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung đầu tư cho 2 dự án: Đường từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa và Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Nguyên nhân được lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải lý giải là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) không đáp ứng yêu cầu, khó khăn về vật liệu xây dựng và nhất là do năng lực nhà thầu suy giảm. Mặc dù lãnh đạo tỉnh và sở đã liên tục đôn đốc và làm văn bản nhắc nhở, thậm chí cảnh cáo nhiều lần nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Mới đây nhất, sở đã họp với các nhà thầu và các đơn vị liên quan và ra “tối hậu thư” cho các đơn vị. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, động viên các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tính đến tháng 9 năm 2024, huyện Nga Sơn đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 74% (101/115 tỷ đồng). Tuy nhiên, do cuối tháng 9 tỉnh bổ sung thêm vốn cho địa phương thực hiện công tác GPMB 2 dự án lớn, nên đã kéo tỷ lệ giải ngân của Nga Sơn xuống top cuối toàn tỉnh. Từ thực tế này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo huyện Nga Sơn đang đề nghị các sở, ngành cấp tỉnh sớm xử lý các đề xuất của địa phương về bảng giá đất, bảng giá bồi thường GPMB... Cùng chung nguyên nhân với huyện Nga Sơn, tính đến 30/9 huyện Nông Cống đã giải ngân đạt 80% vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến tháng 10 do được bổ sung thêm 56,3 tỷ đồng, nâng tổng số vốn lên 118 tỷ đồng, nên tỷ lệ giải ngân của huyện giảm còn 43,3%, thấp hơn tỷ lệ toàn tỉnh...
Cùng với sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công do các vướng mắc về GPMB, thì thủ tục hồ sơ cũng là một “điểm nghẽn” thường thấy. Trong đó, tiến độ chuẩn bị hồ sơ của các dự án khởi công mới có thời gian thực hiện từ 2022-2025 còn rất chậm. Hiện vẫn còn 17 dự án chưa được phê duyệt đầu tư (trong đó có 10 dự án thuộc đề án sắp xếp dân cư bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét) dẫn đến các dự án này chưa được giao vốn để triển khai thực hiện. Đặc biệt, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh. Điển hình như Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lưc - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, vay vốn WB, giải ngân 30,803/295,721 tỷ đồng (đạt 10,4% kế hoạch); Dự án Đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 đoạn từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa (Km5+250 - Km14+603) - Tiểu dự án 1: Cầu vượt sông Mã và đường 2 đầu cầu từ Km5+250 - Km7+250, giải ngân 43,397/150,879 tỷ đồng (đạt 28,8% kế hoạch); Dự án Đường Vạn Thiện đi Bến En, giải ngân 128,262/305,966 tỷ đồng (đạt 41,9% kế hoạch); Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa thuộc Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ, vay vốn AFD, giải ngân 154,096/323,38 tỷ đồng (đạt 47,7% kế hoạch); Dự án Đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn, giải ngân được 104,061/201,727 tỷ đồng (đạt 51,5% kế hoạch)...
Thực trạng trên đang đòi hỏi UBND tỉnh và các ngành, địa phương, đơn vị cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nếu muốn mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cán đích thành công.
Chiến dịch rốt ráo
Trước những khó khăn, vướng mắc đặt ra và nhất là để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Chỉ đạo tại hội nghị toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, nhấn mạnh: Trong nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 31 chủ đầu tư, địa phương còn chậm đã được chỉ rõ. Trong đó, không thể không nhấn mạnh đến nguyên nhân số 1 là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo; trong khi một số địa phương lại tỏ ra lúng túng, không có biện pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nếu người đứng đầu các địa phương không thấm nhuần quan điểm là phải cộng đồng trách nhiệm, làm vì việc chung và vì lợi ích chung, thì việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ vẫn bế tắc.
Trước thực trạng đó và nhất là trước áp lực thời gian 2 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động “Chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”. Việc phát động chiến dịch vào thời điểm nước rút này có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi đây sẽ là cơ sở để các địa phương quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh sẽ giải ngân 100% vốn được giao. “Mục tiêu này phải được hoàn thành bất luận trong trường hợp nào và Thanh Hóa đủ tự tin để hoàn thành”, đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh khi phát động “Chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”.
Tại hội nghị toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã phát động “Chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”.
Như vậy, mục tiêu đã rõ và tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu UBND tỉnh cũng rất rõ. Vấn đề còn lại nằm ở trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong việc triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Trong đó thiết nghĩ, trước tiên phải khắc phục cho được mặt hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm người đứng đầu, đã được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra. Bởi lẽ, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thì đòi hỏi việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền càng phải thật sự sát sao, quyết liệt, cụ thể và thậm chí phải nắm đến từng dự án. Để từ đó kịp thời giải quyết và giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là vướng mắc liên quan đến đất đai, giá đất, mặt bằng...
Và chỉ khi tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao và nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải ngân kịp thời, hiệu quả vốn đầu tư công được mọi cấp, ngành thấu triệt, thì khi đó mới tạo tiền đề để các địa phương, đơn vị tập trung mọi nguồn lực thực hiện “Chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”. Đồng thời, để chiến dịch này được triển khai một cách rốt ráo, nhanh chóng và triệt để, cũng chính là để tăng tốc về đích các mục tiêu đề ra, yêu cầu đặt ra cho các địa phương, đơn vị lúc này là khẩn trương, chủ động có những giải pháp quyết liệt, phù hợp và linh hoạt hơn; xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và làm việc nào dứt điểm việc đó. Đặc biệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong mọi khâu nhất là chất lượng tư vấn, nhà thầu, chất lượng công trình. Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường để chấn chỉnh ngay những bất cập, hạn chế; cũng như đôn đốc các nhà thầu và đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn nước ngoài. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn. Tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao.
Thời gian 60 ngày là không nhiều, nếu không muốn nói là rất eo hẹp trong khi nhiều địa phương, đơn vị còn một khối lượng lớn công việc phải làm. Tuy nhiên, đã có nhiều bài học thành công về khả năng “vượt qua khe cửa hẹp”, chẳng hạn như đợt GPMB phục vụ triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 vừa qua. Do đó, hy vọng rằng, sự tự tin của người đứng đầu UBND tỉnh cũng sẽ truyền tinh thần tự tin và phấn chấn đến mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Để từ đó, đưa “Chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024” đi đến thành công. Đồng thời, tạo tiền đề để Thanh Hóa cán đích các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Bài và ảnh: Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-12-22 07:51:00
Điều kiện cấp giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô
-
2024-12-22 07:00:00
Bản tin Tài chính 22/12: Vàng giảm mạnh trong tuần, dự báo triển vọng lạc quan mới
-
2024-11-07 14:19:00
Hẹn hò cùng Vietjet với đại tiệc vé bay hấp dẫn ngày độc thân 11/11
Thấp thỏm cây trồng chủ lực
Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, vì sao giá Bitcoin tăng vọt?
Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá những tháng cuối năm 2024
Thứ trưởng Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp - thương mại
Con đường nào dẫn đến thành công cho tư vấn viên bảo hiểm?
Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 3) - Giải “bài toán” vốn đối ứng
Ra mắt và trao vật tư cho Hợp tác xã trồng rau sạch Nhuận Thạch
Bản tin Tài chính 6/11: Giá vàng thế giới nhích nhẹ, vàng nhẫn tiếp đà giảm
Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 2) - Rốt ráo gỡ vướng