(Baothanhhoa.vn) - Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, tuy hiện nay lao không còn là chứng bệnh nan y nhưng công tác phòng, chống lao vẫn còn gặp nhiều trở ngại khi còn khá nhiều người bệnh chưa tuân thủ điều trị đầy đủ theo đúng phác đồ. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bệnh lao kháng thuốc đang có chiều hướng gia tăng.

Gia tăng bệnh nhân mắc lao kháng thuốc

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, tuy hiện nay lao không còn là chứng bệnh nan y nhưng công tác phòng, chống lao vẫn còn gặp nhiều trở ngại khi còn khá nhiều người bệnh chưa tuân thủ điều trị đầy đủ theo đúng phác đồ. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bệnh lao kháng thuốc đang có chiều hướng gia tăng.

Gia tăng bệnh nhân mắc lao kháng thuốc

Bệnh nhân lao kháng thuốc điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Tại Thanh Hóa, những năm qua tỉnh đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng, chống lao và đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình chống lao quốc gia. Mạng lưới phòng, chống lao luôn được duy trì, củng cố từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và xã, phường, thị trấn. Đồng thời, triển khai đến 4 trại giam và 1 cơ sở cai nghiện ma túy, để mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ phòng, chống lao. Công tác tuyên truyền về bệnh lao và cách phòng, chống tiếp tục được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu, không mặc cảm kỳ thị với bệnh lao, chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao. Cùng với đó, Chương trình chống lao ưu tiên tăng cường các giải pháp phát hiện bệnh nhân lao, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng; bảo đảm chất lượng quản lý điều trị, tiến tới hoàn thành mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống bệnh lao vẫn còn nhiều khó khăn, số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Việc phát hiện muộn không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn khiến nguy cơ lây lan tăng cao. Ngoài ra, những bệnh nhân không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ dẫn tới tình trạng lao kháng thuốc. Khi đó, vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao cũng khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn. Năm 2024, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã phát hiện, điều trị cho hơn 1.700 bệnh nhân mới mắc lao, trong đó có 65 bệnh nhân bị lao kháng thuốc. Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh chưa tuân thủ đúng phác đồ, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, cho biết: Lao kháng thuốc là tình trạng bệnh mà vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao khiến việc điều trị trở nên khó khăn và bản thân bệnh nhân trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Việc mắc lao kháng thuốc sẽ khiến người bệnh đối mặt với tình trạng sức khỏe trầm trọng cùng với việc điều trị tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc. Lao kháng thuốc gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và cộng đồng. Quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn do thời gian có thể cần kéo dài đến 24 tháng, phải kết hợp nhiều loại thuốc chống lao hơn bình thường và các thuốc chống lao cũng có nhiều tác dụng phụ và chi phí rất cao, gấp nhiều lần so với thuốc chống lao thông thường; hiệu quả điều trị cũng thấp hơn, với tỷ lệ chữa khỏi chỉ khoảng 65 - 70%. Hiện nay, Chương trình Chống lao quốc gia đang hỗ trợ miễn phí toàn bộ thuốc điều trị cho bệnh nhân lao và có thêm nhiều hỗ trợ trong quá trình điều trị đối với bệnh nhân bị lao kháng thuốc. Bệnh nhân lao nên tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.

Để kiểm soát hiệu quả bệnh lao, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần phát hiện sớm, điều trị đủ và đúng phác đồ. Tiêm vắc-xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh giúp giảm nguy cơ mắc lao nặng như lao kê, lao màng não. Để dự phòng, với người đã mắc lao cần tuyệt đối tuân thủ điều trị đúng phác đồ. Người dân nên chủ động khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiếp xúc gần với người mắc lao hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, người suy giảm miễn dịch, người nhiễm HIV... Phòng chống lao không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà cần sự chung tay của các cấp, ngành và bản thân mỗi người dân. Khi có các dấu hiệu, như: ho kéo dài liên tục hơn hai tuần, sốt nhẹ kéo dài, người mệt mỏi, ăn uống kém, sút cân không rõ nguyên nhân, ra mồ hôi vào ban đêm và có biểu hiện sốt nhẹ về chiều... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám chẩn đoán bệnh lao, làm những xét nghiệm chuyên biệt để có phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, theo đúng chiến lược toàn cầu và cam kết của Việt Nam, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh khám sàng lọc tại cộng đồng, tăng cường đào tạo nhân lực y tế cơ sở, cập nhật kỹ thuật mới trong xét nghiệm và điều trị, đồng thời đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức, sự đồng lòng từ toàn xã hội. Chỉ khi người dân hiểu đúng, hành động sớm, mới có thể kiểm soát và từng bước loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]