Theo kế hoạch, EU sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ trước những cuộc tấn công của lực lượng Houthi từ Yemen.

EU đạt thỏa thuận khởi động sứ mệnh phòng thủ ở Biển Đỏ

Theo kế hoạch, EU sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ trước những cuộc tấn công của lực lượng Houthi từ Yemen.

EU đạt thỏa thuận khởi động sứ mệnh phòng thủ ở Biển ĐỏTàu chở hàng (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ, trên đường về cảng tỉnh Hodeida (Yemen), ngoài khơi Biển Đỏ, ngày 22/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc khởi động sứ mệnh phòng thủ ở Biển Đỏ.

Thông tin này được Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell công bố với báo giới sau cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU tại Brussels ngày 22/1.

Ông Borrell cho biết hoạt động này nhằm mục đích bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ trước những cuộc tấn công của lực lượng Houthi từ Yemen.

Trong vài tuần qua, lực lượng này đã nhắm mục tiêu vào các tàu mà họ cho là có liên hệ với Israel để thể hiện tình đoàn kết với người dân ở Dải Gaza.

Theo kế hoạch, EU sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu hàng trong trường hợp có mối đe dọa. EU hiện chưa xác định rõ quốc gia nào sẽ nắm quyền chỉ huy sứ mệnh này.

Ông Borrell cho biết không có quốc gia nào phản đối đề xuất này, dù một số nước có thể quyết định không tham gia.

Trước đó, ngày 19/1, Bỉ đã xác nhận sẽ tham gia hạm đội châu Âu với việc gửi tàu tuần dương Louise-Marie thực hiện nhiệm vụ.

Đức cũng dự kiến tham gia với tàu tuần dương Hessen, nếu kế hoạch này được Quốc hội Đức chấp thuận. Hiện Mỹ và Vương quốc Anh chưa có kế hoạch tham gia các hoạt động.

Cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU còn có sự tham dự của các ngoại trưởng từ Israel, Chính quyền Palestine, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia, cùng Tổng Thư ký Liên đoàn các quốc gia Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Hamas-Israel.

Trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz, phía EU cho rằng tình hình tại Dải Gaza đang ngày càng thảm khốc khi số lượng dân thường thiệt mạng gia tăng, nạn đói lan rộng, việc cung cấp và tiếp cận hỗ trợ nhân đạo bị hạn chế nghiêm trọng, cũng như việc các con tin Israel đã bị giam giữ trong hơn 100 ngày.

Ông Borrell nhấn mạnh các đối tác quốc tế cần nỗ lực hơn để tìm giải pháp chấm dứt cuộc đối đầu đẫm máu hiện nay.

Tại cuộc làm việc với các đối tác khu vực là Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập và AL, EU cùng các bên đã nhất trí về sự cần thiết hỗ trợ Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

Các bộ trưởng đã thảo luận về việc khhắc phục hậu quả xung đột tại Dải Gaza, những nỗ lực chung nhằm vực dậy tiến trình chính trị hướng tới giải pháp hai nhà nước và tổ chức một hội nghị hòa bình trù bị để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine một cách toàn diện trong tương lai.

Trong ngày 22/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã có cuộc điện đàm về tình hình tại Biển Đỏ và Dải Gaza.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, hai nhà lãnh đạo đã "trao đổi về những gì đang diễn ra ở Biển Đỏ, đồng thời nhất trí rằng cần duy trì cách tiếp cận đa phương quốc tế để giải quyết tình hình và làm suy giảm khả năng tấn công của lực lượng Houthi."

Tổng thống Biden và Thủ tướng Sunak đã đề cập tới sự cần thiết phải hạn chế thương vong trong dân thường, đồng thời tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza.

Ông nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng giải pháp hai nhà nước sẽ cho phép người Israel và người Palestine sống trong hòa bình và an ninh. Đó là điều quan trọng hơn bao giờ hết"./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]