(Baothanhhoa.vn) - Khoa học và công nghệ (KHCN) là yếu tố then chốt tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp (NN), chuyển đổi tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN, thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực NN còn nhiều khó khăn, thử thách. Làm thế nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế ấy để hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN có bước đột phá, mang lại hiệu quả, giá trị bền vững? Đó là nội dung xoay quanh cuộc trò chuyện giữa phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa với Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện NN Thanh Hóa

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa:

Đột phá nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Khoa học và công nghệ (KHCN) là yếu tố then chốt tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp (NN), chuyển đổi tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN, thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực NN còn nhiều khó khăn, thử thách. Làm thế nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế ấy để hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN có bước đột phá, mang lại hiệu quả, giá trị bền vững? Đó là nội dung xoay quanh cuộc trò chuyện giữa phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa với Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện NN Thanh Hóa

Đột phá nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

TS Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện NN Thanh Hóa kiểm tra hoạt động chuyên môn tại phòng lưu giữ nguồn gen và nuôi cấy mô tế bào của đơn vị.

PV: Trong những năm qua, cùng với Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực NN. Sự ra đời của Viện NN Thanh Hóa là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó, phải không thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Đình Hải: Từ nghị trường đến các cuộc hội thảo, ý kiến các chuyên gia và thực tiễn đều khẳng định: KHCN là “trụ cột”, yếu tố then chốt, không thể khác tạo bước đột phá trong tái cơ cấu NN, thúc đẩy phong trào XDNTM đi vào chiều sâu, chất lượng, xem đó vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng đối với các vấn đề liên quan đến NN, nông dân, nông thôn.

Ngày 20-4-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về tái cơ cấu ngành NN đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Để tập trung nguồn lực, đầu mối nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trong NN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đề ra, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng đề án thành lập Viện NN Thanh Hóa trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt tại Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 30-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Viện NN Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại từ 6 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở NN và Phát triển nông thôn và 1 đơn vị thuộc Sở KHCN tỉnh Thanh Hóa.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi vinh dự và tự hào khi Viện NN Thanh Hóa là mô hình viện nghiên cứu NN cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, tạo tiền đề quan trọng trong việc tập trung nguồn lực, đầu mối chuyên sâu, đủ năng lực, trình độ thực hiện các sứ mệnh về KHCN trong lĩnh vực NN.

PV: Kỳ vọng, sứ mệnh, mục tiêu càng lớn lao thì áp lực, thử thách càng nhiều, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Viện NN Thanh Hóa đã phải đối mặt với những khó khăn, thử thách gì thưa ông?

TS Nguyễn Đình Hải: Xoay quanh một vấn đề nào đó trong thực tại khách quan đều song song tồn tại cả những thuận lợi - khó khăn.

Ngay từ khi thành lập, Viện NN Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương. Là đơn vị được thành lập trên nền tảng của một số trung tâm trực thuộc Sở NN và Phát triển nông thôn, Sở KHCN nên được kế thừa một số thành quả nhất định từ đó. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm cao.

Bên cạnh những thuận lợi, Viện NN Thanh Hóa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Là mô hình viện nghiên cứu NN cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, chúng tôi giống như những người đi khai hoang, tự mở đường cho chính mình, vừa làm vừa tự đúc rút kinh nghiệm, bài học và hoàn thiện mình. Trình độ, năng lực của một số cán bộ còn hạn chế, chưa có sự đồng đều, các vị trí trong công tác Đảng đều là kiêm nhiệm. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công việc.

Quan trọng hơn hết, theo chủ trương, lộ trình, Viện NN Thanh Hóa sẽ phải sớm thực hiện cơ chế tự chủ. Đây thực sự là một áp lực, trăn trở rất lớn đối với cán bộ, nhân viên, người lao động của viện trong điều kiện vừa ổn định tổ chức, “tuổi đời” còn non trẻ, hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp.

PV: Bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước khắc phục khó khăn, thử thách, Viện NN Thanh Hóa đã có những đóng góp thiết thực, quan trọng như thế nào cho ngành NN nói riêng, phát triển KT-XH, XDNTM của tỉnh nói chung?

TS Nguyễn Đình Hải:Ngay từ khi mới thành lập, viện đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, sắp xếp biên chế, người lao động, từng bước ổn định tổ chức, cơ sở vật chất, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao độ. Công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, người đứng đầu được thực hiện theo kế hoạch, bám sát từng nhiệm vụ cụ thể và có điều chỉnh bổ sung kịp thời khi có phát sinh đột xuất, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Hiện tại, viện đang thực hiện 26 nhiệm vụ đặc thù của 8 nhóm nhiệm vụ cơ bản. Viện đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đề tài cấp cơ sở, đề tài và dự án cấp tỉnh, cấp bộ, cấp Nhà nước nhằm xây dựng nền tảng dữ liệu nghiên cứu góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển giao khoa học vào thực tiễn, chủ động khai thác gia tăng được số lượng, chất lượng ý tưởng đề xuất và thu hút đông đảo nguồn lực trong và ngoài viện. Thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý, tổng hợp và lưu giữ hồ sơ các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN theo quy định. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp. Tăng cường các hoạt động hội thảo chuyên đề, xây dựng bài báo, đăng bài viết, hình ảnh trên tạp chí chuyên ngành và website các kết quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ KHCN của viện. Lồng ghép đề xuất các đề tài cấp cơ sở, tổ chức hội thảo chuyên đề, xây dựng bài báo khoa học các cấp và có định hướng đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ, viên chức. Tiếp tục công tác ngoại nghiệp, điều tra thực địa phục vụ lập “Đề án phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2025”; xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung tập huấn, điều tra, thu thập dữ liệu thông tin theo yêu cầu của Đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen một số loài cây trồng bản địa và một số loài vật nuôi, thủy sản quý hiếm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”.

Về thực hiện nhiệm vụ sản xuất, tư vấn, dịch vụ, liên doanh, liên kết, viện đã tăng cường quản lý chất lượng các hợp đồng, dịch vụ KHCN, sản xuất, kinh doanh chuyển giao công nghệ của viện và các đơn vị trực thuộc; ký kết hợp đồng tư vấn quy hoạch, liên kết sản xuất... với các UBND huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế kiểm soát, kiểm định chất lượng dịch vụ tư vấn, dịch vụ khoa học và sản phẩm NN gắn với phát triển bền vững...

PV: Được biết, đơn vị đã xây dựng thành công nhiều sản phẩm mang thương hiệu Viện NN, chủ yếu là các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, sản phẩm NN công nghệ cao với mẫu mã khá đa dạng, giá trị kinh tế cao. Đây có phải là một trong những ví dụ cụ thể, sinh động, thuyết phục về hiệu quả thực tiễn từ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật của Viện NN trên hành trình “tự cứu lấy mình” trước áp lực tự chủ và đóng góp tích cực vào tái cơ cấu NN, thúc đẩy KT-XH phát triển, thưa tiến sĩ?

TS Nguyễn Đình Hải:Xây dựng, phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Viện NN là một trong những nội dung trong nhiệm vụ “phát triển sản xuất, dịch vụ” được xác định trong Đề án phát triển Viện NN giai đoạn 2021-2025 nhằm: Khẳng định hiệu quả thực tiễn trong thực hiện ứng dụng thành công các kết quả của đề tài, dự án nghiên cứu các cấp của viện vào thực tiễn đời sống, góp phần đưa các sản phẩm NN chất lượng từ hoạt động KHCN đến người tiêu dùng; đồng thời tạo việc làm, tăng nguồn thu giúp viện thực hiện thành công chủ trương tự chủ chi thường xuyên của đơn vị từ năm 2025; từng bước thực hiện thành công phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện vừa hồng - vừa chuyên, gắn kết giữa nghiên cứu lý thuyết - đi đôi với thực hành.

Sau hơn 3 năm thành lập, hoạt động, đến nay viện đã xây dựng thành công một số nhóm sản phẩm đơn vị có lợi thế, đòi hỏi cần nguồn nhân lực thực hiện có trình độ chuyên môn cao điển hình như: Các sản phẩm nấm dược liệu, điển hình là đông trùng hạ thảo; nhóm sản phẩm giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, điển hình như keo lai mô, các giống lan, giống chuối; nhóm giống thủy sản như: cua xanh, tôm sú - tôm thẻ chân trắng...

PV: Thực tế cho thấy, nhiều đề tài, dự án KHCN được ứng dụng trong lĩnh vực NN đã phát huy hiệu quả, tác động trực tiếp đến các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành NN, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người nông dân, chuyển đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất... Tuy nhiên, có không ít những đề tài xa vời, chưa sát với thực tiễn, hiệu quả thấp. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Đình Hải: Đây là thực trạng, trăn trở chung của đất nước, của ngành NN. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận, đánh giá khách quan, từ nhiều điểm nhìn khác nhau.

So với các ngành, lĩnh vực khác, hoạt động KHCN trong lĩnh vực NN chịu nhiều tác động của yếu tố khách quan. Như ở Thanh Hóa, xét về mặt bằng chung, trong những năm qua, NN Thanh Hóa có nhiều bước phát triển, gặt hái được nhiều thành quả nhất định. Tuy nhiên, Thanh Hóa không phải là vùng quá lý tưởng cho phát triển NN khi nằm trong vùng Bắc Trung bộ với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình chia cắt, phân hóa rất sâu. Có khi cùng chung một vùng nhưng giữa từng khu, từng vùng lại có sự phân hóa khác nhau về địa tầng, thổ nhưỡng. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật khó có thể làm theo hướng đại trà, đồng nhất, diện rộng mà phải dựa theo đặc điểm, đặc tính của từng khu, vùng.

Chính điều đó đòi hỏi những người thực hiện nhiệm vụ KHCN phải tâm huyết, kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, không thể xa rời thực tiễn được. Tại Hội nghị tổng kết chương trình KHCN phục vụ XDNTM giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN và Phát triển nông thôn tổ chức, “Tư lệnh ngành” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ rất sâu sắc, mang tính gợi mở: “Xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cần xuất phát từ thực tiễn trên cánh đồng của người nông dân, của từng địa phương”. Và “các nhà khoa học không chỉ chuyển giao KHCN mà còn chuyển giao tính chuyên nghiệp, tri thức, kỹ năng cho nông dân, giúp tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho NN, nông thôn”. Đó vừa là mục tiêu vừa là “kim chỉ nam” cho hoạt động KHCN trong lĩnh vực NN thời gian tới.

PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN trong tất cả các lĩnh vực; khuyến khích ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá trong phát triển KT-XH”. Để tạo nên những đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, góp phần phát triển NN, XDNTM, trong thời gian tới, Viện NN Thanh Hóa đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Hải:Thời gian tới, Viện NN Thanh Hóa tập trung nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng KHCN để bảo tồn, phát triển các loại nấm, vi sinh vật, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, viện tập trung, ưu tiên phát triển giống cho nhóm sản phẩm NN chủ lực và đặc sản, lợi thế của tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học, nghiên cứu bảo tồn, phục tráng nguồn gen cây trồng, vật nuôi nhằm cung cấp nguồn giống chuẩn, chất lượng cho người dân; tập trung nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao mô hình vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật đưa vào thực tiễn sản xuất, phối hợp với chủ thể, địa phương xây dựng các sản phẩm NN có chỉ dẫn địa lý, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, NN hữu cơ, hướng tới xuất khẩu.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đề tài cấp cơ sở nhằm xây dựng nền tảng dữ liệu nghiên cứu góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển giao khoa học vào thực tiễn, chủ động khai thác gia tăng được số lượng, chất lượng ý tưởng đề xuất và thu hút đông đảo nguồn lực trong và ngoài viện.

Tăng cường quản lý chất lượng các hợp đồng, dịch vụ KHCN, sản xuất, kinh doanh chuyển giao công nghệ của viện và các đơn vị trực thuộc; ký kết hợp đồng tư vấn quy hoạch, liên kết sản xuất... với các UBND huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế kiểm soát, kiểm định chất lượng dịch vụ tư vấn, dịch vụ khoa học và sản phẩm NN gắn với phát triển bền vững. Tăng cường các hoạt động tư vấn, kết nối cung cầu, đưa được nhiều các thông tin sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Tập trung sản xuất, quản lý chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu viện gắn với cơ chế tự chủ nhằm đa dạng hóa các sản phẩm NN chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, phát huy năng lực, sáng tạo của cán bộ, nhân viên.

Viện nỗ lực phát triển nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, toàn diện từ lý thuyết đến thực hành theo tiêu chuẩn chung của Việt Nam, hướng tới khu vực và quốc tế, có cơ chế, chính sách thu hút cán bộ đào tạo từ nước ngoài về. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị sẽ hoàn thiện Đề án “Đào tạo, thu hút phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Viện NN Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030” trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Đẩy mạnh các hoạt động hội thảo chuyên đề, xây dựng bài báo, đăng bài viết, hình ảnh trên tạp chí chuyên ngành và website các kết quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ KHCN của viện. Xây dựng các chương trình hợp tác theo các cấp độ: hợp tác với viện, trường, sở, ngành, địa phương; xây dựng chương trình hợp tác với các tổ chức, các viện nghiên cứu nước ngoài nhằm học hỏi, tiếp thu các tiến bộ KHCN mới, bắt kịp xu hướng thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hương Thảo (thực hiện)


Hương Thảo (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]