(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, việc xây dựng lối “sống xanh” được nhiều gia đình quan tâm, đặc biệt là các gia đình trẻ. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Theo đó, để hướng cho trẻ một tư duy và nhận thức “sống xanh”, cùng với vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội, quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của chính các bậc cha mẹ từ những hoạt động hàng ngày như: tiết kiệm điện, nước, trồng cây xanh, yêu thương động vật, bảo vệ môi trường xung quanh...

Đồng hành cùng con xây dựng lối sống xanh

Trong những năm gần đây, việc xây dựng lối “sống xanh” được nhiều gia đình quan tâm, đặc biệt là các gia đình trẻ. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Theo đó, để hướng cho trẻ một tư duy và nhận thức “sống xanh”, cùng với vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội, quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của chính các bậc cha mẹ từ những hoạt động hàng ngày như: tiết kiệm điện, nước, trồng cây xanh, yêu thương động vật, bảo vệ môi trường xung quanh...

Đồng hành cùng con xây dựng lối sống xanhGia đình anh Lê Bá Giang (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) tổ chức cho các con tham quan, tìm hiểu tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước).

Chị Trương Thùy Chi hiện đang sinh sống tại Canada, tác giả của cuốn sách “Quẳng cái cân đi mà khôn lớn”, là người khá quen thuộc với cộng đồng mẹ Việt. Một số bài viết được chị chia sẻ trên trang facebook cá nhân (Tee Bros) về chủ đề xây dựng lối sống xanh được đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm, ủng hộ. Được biết, gia đình chị Thùy Chi bắt đầu xây dựng lối sống xanh - sạch khi chuyển tới Canada cách đây 4 năm. Môi trường mới, xã hội mới, nền văn hóa mới khiến chị dần có những suy nghĩ tích cực hơn về việc tiết kiệm, tái sử dụng, học cách lựa chọn đồ dùng, sản phẩm cho bản thân và gia đình một cách thông minh hơn... “Quan niệm lối sống xanh - sạch thực tế không phải là điều quá to tát, chủ yếu đều xuất phát từ những việc giản dị thường ngày như bớt một chút chất thải ra môi trường, bớt tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên không cần thiết đã là sống xanh - sạch. Với con trẻ, ban đầu chúng ta cần tập cho con những thói quen lành mạnh và tích cực như tiết kiệm điện, nước, không xả rác bừa bãi... Và một em bé biết tự bỏ rác vào đúng nơi quy định, nhất định khi trưởng thành sẽ không bao giờ xả rác lung tung” - chị Thùy Chi chia sẻ.

Được biết, bé Tee - con trai lớn của chị Thùy Chi bắt đầu được mẹ hướng dẫn lối sống xanh - sạch khi gần 3 tuổi. Hàng ngày, được nhìn hành động của bố mẹ, Tee ghi nhớ và bắt chước. Chị Thùy Chi còn luôn dạy con thực hành lối sống tiết kiệm, hạn chế rác thải, tắt điện, nước khi không sử dụng, giữ lại các vật dụng có thể tái chế... Việc mua sắm quần áo hoặc đồ chơi, sách truyện cho các con chỉ khi cần hoặc có giảm giá. Gia đình thường tái sử dụng những đồ dùng thay vì vứt chúng đi.

Sống xanh đối với gia đình chị Thùy Chi còn là trồng cây xanh, bảo vệ bầu khí quyển. Hàng ngày, cả nhà chị Thùy Chi cùng nhau xới đất, tưới cho cây. Tee hồi đầu chỉ đứng nhìn hoặc bắt chước bố mẹ, giờ đây đã trở thành người năng nổ nhất trong việc chăm sóc chậu cây. Thậm chí, có những hôm, vừa ngủ dậy, chưa kịp thay quần áo, bé đã lao ra ban công để tưới nước và xem cây lớn thế nào.

Còn với gia đình anh Lê Bá Giang, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cũng bắt đầu hướng cho con trai thực hành lối sống xanh từ nhỏ, khi bé Mon (tên gọi ở nhà) khoảng 2 tuổi đã được bố mẹ dặn dò việc tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt hàng ngày. Đầu tiên là bố mẹ làm gương cho con, mỗi khi không sử dụng hoặc ra khỏi phòng, khỏi nhà anh chị đều tắt quạt, tắt điện. Sau đó, anh chị hướng dẫn kỹ năng tắt điện an toàn và giao cho bé nhiệm vụ “giám sát” các thiết bị điện trong nhà. Nếu có đèn, quạt nào đang bật mà không ai sử dụng thì bé sẽ được tắt hoặc nhắc nhở các thành viên trong gia đình. Không chỉ được hướng dẫn mà còn được bố mẹ giao nhiệm vụ “quan trọng” nên con trai của anh chị tỏ ra thích thú lắm.

Hiện nay, mặc dù đã bước sang tuổi thứ 6, song đồ chơi của Mon có rất nhiều món được làm từ các vật dụng tái chế. Anh Giang thường xuyên tận dụng giấy đã in một mặt bỏ đi ở cơ quan để làm giấy cho con vẽ. Giấy sau khi đã dùng hết hai mặt lại được tận dụng để gấp máy bay, gấp thuyền hoặc để bé tập dùng kéo cắt. Lâu dần Mon hình thành thói quen không vứt đi ngay những thứ không cần dùng nữa mà suy nghĩ xem có thể tái chế thế nào. Khi tích được nhiều giấy, không dùng hết, gia đình Mon thường để riêng ra một góc và tặng lại cho những người đi thu gom phế liệu. Ngoài ra, Mon luôn mang theo bình nước mỗi khi đi ra ngoài chơi hay đi tập bóng rổ, hạn chế việc phải mua nước đóng trong chai nhựa.

Anh Lê Bá Giang cho biết: Để duy trì thói quen của con, ngoài việc làm gương, hướng dẫn con, bố mẹ cũng nên khen ngợi con mỗi khi con làm tốt. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động dã ngoại cùng con đến những không gian xanh như: đồng quê, nông trại, biển, khu bảo tồn thiên nhiên... để con được tiếp xúc, thực hành và hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa của “sống xanh”.

Có thể nói rằng, điều quan trọng nhất để có thể duy trì được lối sống xanh - sạch cho con trẻ chính là sự làm gương từ người lớn. Những đứa bé ở lứa tuổi bắt đầu khám phá và tìm hiểu về mọi thứ xung quanh dễ dàng tiếp cận một vấn đề nào đó bằng chính việc quan sát và làm theo hành động của cha mẹ. Do đó, chỉ cần chúng ta xác định rõ tư tưởng, luôn nêu gương và kiên nhẫn đồng hành cùng con trong quá trình khôn lớn, xây dựng cuộc sống xanh - sạch - đẹp.

Bài và ảnh: Hoài Anh



Từ khóa: Sống xanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]