Đóng góp của Đảng bộ, Nhân dân TP Sầm Sơn trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Cửa Hới - Sông Mã là đường thủy quan trọng đổ vào nội địa Thanh Hóa và từ nội địa tiến ra biển. Với vị trí trọng yếu đó, Cảng Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn (khi ấy là Cảng Hới, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương) vinh dự được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm địa điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954.
Cửa Hới, phường Quảng Tiến vinh dự được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm địa điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Ảnh: Lê Hoàng (CTV).
Thất bại nặng nề tại chiến trường Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Một trong những điều khoản trong Hiệp định Giơ-ne-vơ là bộ đội và cán bộ miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào phải tập kết ra Bắc.
Tại thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.
Sầm Sơn là địa phương ven biển, là nơi dòng sông Mã đổ ra biển qua cửa Lạch Hới. Vì vậy, Cửa Hới - Sông Mã là đường thủy quan trọng đổ vào nội địa Thanh Hóa và từ nội địa tiến ra biển. Với vị trí trọng yếu đó, Cảng Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn (khi ấy là Cảng Hới, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương) vinh dự được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm địa điểm đầu tiên đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Quảng Xương, hàng trăm người con các xã khu vực Sầm Sơn được huy động đã khẩn trương xây dựng các lán trại, nhà điều dưỡng, nhà đón tiếp để thực hiện công tác đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thương, bệnh binh, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Ông Trần Trí Trác, nguyên Chủ tịch Uỷ MTTQ Sầm Sơn kể lại: Vào những ngày ấy, khu vực xã Quảng Tiến trở thành đại công trường; mỗi người một việc, người thì san lấp mặt bằng, dựng cột kèo, lán trại; người thì làm đường, làm cầu phao bằng luồng từ bờ sông ra thuyền. Không khí lao động rạo rực, hồ hởi lan tỏa trên công trường với tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Buổi tối, Nhân dân thắp đèn để làm việc. Đối với những người ở xa, tổ chức nấu cơm ăn uống ngay tại công trình để đảm bảo công việc.
Nguyên vật liệu làm lán trại, cầu phao, chủ yếu là luồng, nứa, bương, gỗ được chuyển từ các huyện Như Xuân, Cẩm Thủy... xuống để thực hiện. Thời gian thi công các lán trại kéo dài khoảng hơn 4 tháng (từ giữa tháng 5/1954 đến cuối tháng 9/1954).
Khu tiếp đón gồm 2 lán: Khu lán A dài 500m, rộng 30m dọc bến xóm Toàn đến Thành Lập, xã Quảng Tiến (cách khu vực xây dựng Khu lưu niệm tượng đài ngày nay hơn 300m về phía Đông); khu lán B nằm về phía Tây xóm Phúc (là khu vực tiếp giáp đường Hoàng Ngân, con đường Ký ức và Đại lộ Nam Sông Mã, Tổ dân phố Phúc Đức, phường Quảng Tiến ngày nay).
Sau khi hoàn thành việc xây dựng khu tiếp đón, ngày 25/9/1954, Nhân dân Sầm Sơn đón những chuyến tàu đầu tiên chở cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam cập bến trong niềm hân hoan, thắm đượm tình cảm Nam - Bắc. Tàu vào đến khu vực Cửa Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến), cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam tiếp tục di chuyển vào bờ trên cầu phao được làm bằng luồng. Trên bờ, rất đông Nhân dân đứng hai bên cầu cảng, mang theo băng rôn, khẩu hiệu đứng đón cán bộ, đồng bào miền Nam. Người dìu, người cõng đồng bào bị say sóng, trẻ em vào các khu lán và chăm sóc. Có những khi cửa Lạch Hới bị cạn, những chiếc tàu lớn không cập được cảng, phải neo cách bờ 1 - 2 hải lý, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động, sử dụng các loại tàu, thuyền đánh cá của ngư dân để đưa đồng bào vào bờ. Có những chuyến tàu với số lượng người nhiều, phải mất hai ngày mới chở hết đồng bào vào đất liền.
Ngày ấy, mặc dù đời sống của Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân Thanh Hóa, Sầm Sơn nói riêng hết sức khó khăn (mưa rất lớn, đê vỡ nhiều, lũ lụt khắp nơi, đồng ruộng trắng băng nước), nhưng với tình cảm sâu sắc dành cho đồng bào miền Nam, Sầm Sơn cùng với cả tỉnh đã khắc phục khó khăn, ra sức chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sỹ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết ra Bắc như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam - Bắc một nhà”. Ước tính, các huyện đã chuyển đến hàng ngàn con trâu, bò, lợn; hàng vạn con gà, vịt, hàng chục ngàn bộ quần áo, hàng ngàn cái màn, chăn.... Vì vậy, việc sinh hoạt, ăn, uống của đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc luôn được đảm bảo.
Việc đón tiếp, chăm sóc đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc cũng có hàng trăm người tham gia. Mỗi người một việc, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều được giao nhiệm vụ cụ thể, như: Các anh làm nhiệm vụ chèo thuyền, khuân vác đồ dùng; chị em phụ nữ làm nhiệm vụ nấu cơm; các cháu thanh, thiếu nhi làm công tác phục vụ hậu cần, tổ chức văn nghệ....
Đồng bào được bố trí ở tại các lán trại. Nhưng khi các lán trại đã hết chỗ, đồng bào được gửi đến các nhà dân xung quanh khu vực lán trại để ở tạm. Thường thì đồng bào chỉ lưu lại vài ngày để phục hồi sức khỏe, sau đó được chuyển về các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc để học tập, rèn luyện, công tác. Nhưng với một số thương binh nặng, phải ở lại dưỡng thương lâu hơn. Ở khu vực Quảng Tiến, nhiều gia đình đã trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh, có trường hợp phải ở lại trong thời gian dài, như gia đình: Lão thành cách mạng, Nguyễn Văn Cương, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã; gia đình ông Phạm Gia Ất, xóm Toàn (nay là tổ dân phố Vạn Lợi); gia đình bà Nguyễn Thị Trịnh, xóm Phúc (nay là tổ dân phố Phúc Đức)...
Cùng với nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc, nhiều người con Sầm Sơn đã tham gia làm nhiệm vụ giảng dạy học sinh miền Nam trên đất Bắc, như thầy giáo Đàm Lê Cẩn (người xã Quảng Tường, nay là phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn), thầy giáo Lê Vạn Phiên (thôn 5, xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn).... Các thầy đã góp phần ươm mầm, nuôi dạy để những “hạt giống đỏ” trên đất Bắc tỏa sáng.
Qua các tư liệu và ký ức của cán bộ, Nhân dân Sầm Sơn - những người đã trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ đón tiếp, không khí đón tiếp tấp nập, nhộn nhịp; Sầm Sơn như trở thành ngày hội. Từ khu lán A đến khu lán B, lúc nào cũng đông vui; đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam được giao lưu, vui chơi cùng người dân Sầm Sơn, Thanh Hóa. Sự đón tiếp chu đáo, tận tình, tình cảm đằm thắm của đồng bào Sầm Sơn, Thanh Hóa đã làm ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc.
Việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc diễn ra trong 7 đợt, từ ngày 25/9/1954 đến ngày 01/5/1955. Tổng 7 đợt, Cảng Hới - Sầm Sơn đã đón tiếp và chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Sự kiện đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng về quản lý, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại của Sầm Sơn, Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, có ảnh hưởng mang tầm quốc tế.
70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ngày ấy vẫn in đậm trong tâm trí của Nhân dân Sầm Sơn. Những tình cảm đậm sâu ấy vẫn được lưu truyền qua năm tháng, theo cùng các thế hệ người dân Sầm Sơn của hôm nay và mai sau.
Sau học tập, rèn luyện, những cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ngày ấy đã tham gia và có những cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động... góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Có nhiều đồng bào công tác, sinh sống trên vùng đất Sầm Sơn, như: Ông Bùi Nhì, người tỉnh Bình Định, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Quảng Châu (nay là phường Quảng Châu); gia đình ông Trần Bá Sự, người tỉnh Quảng Nam, con cháu là những doanh nhân thành đạt... đã có những cống hiến góp phần xây dựng và phát triển quê hương Sầm Sơn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Tại nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ngày ấy, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với điểm nhấn là tượng đài “Con tàu tập kết” đã được xây dựng. Ảnh: Lê Hoàng (CTV).
Để ghi nhớ mốc son lịch sử hào hùng của địa phương, đất nước, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và đặc biệt là Hội cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tại nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ngày ấy, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với điểm nhấn là tượng đài “Con tàu tập kết” đã được xây dựng. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng và nghĩa tình 2 miền Bắc - Nam cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Sầm Sơn luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách cùng với cả tỉnh, cả nước tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, tình cảm Bắc - Nam được phát huy.
Trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh niên khu vực Sầm Sơn đã hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Trên các chiến trường, các anh đã dũng cảm chiến đấu; nhiều người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ở hậu phương, Nhân dân Sầm Sơn đã hăng hái lao động sản xuất, chiến đấu, vừa xây dựng quê hương, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và Nhân dân Sầm Sơn đã nỗ lực tạo nên những giá trị mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt là kinh tế du lịch. Từ những làng chài ven biển, đến nay, Sầm Sơn đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, là trung tâm du lịch của miền Bắc; phấn đấu đến năm 2030, trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, đến năm 2045 là đô thị du lịch vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, có 27/30 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nổi bật là: Giá trị sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu Đại hội; huy động vốn đầu tư vượt hơn 2 lần kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, diện mạo đô thị du lịch Sầm Sơn ngày một sáng, xanh, sạch, đẹp; thương hiệu du lịch Sầm Sơn được nâng tầm; năm 2017. Sầm Sơn được vinh danh là một trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (2020 - 2025), mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã đề ra và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai toàn tỉnh, giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) gấp 1,6 lần năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ ba toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh cả về quy mô và chất lượng, năm 2023, thành phố đón gần 8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, cao nhất từ trước đến nay; công nghiệp, xây dựng phát triển khá; sản xuất nông, lâm thủy sản cơ bản ổn định, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của thành phố tăng từ vị trí thứ 9 năm 2021 lên vị trí thứ 2 năm 2023...
Trong đại dịch COVID-19, mặc dù đời sống, việc làm của Nhân dân gặp vô vàn khó khăn, nhưng trái tim, tình cảm của người dân Sầm Sơn vẫn luôn hướng về miền Nam ruột thịt; lương thực, thực phẩm được người dân Sầm Sơn đóng gói cẩn thận và vận chuyển vào cho đồng bào miền Nam. Hằng ngày, dõi theo tin tức của đồng bào miền Nam với nhiều lo lắng; và hạnh phúc khi miền Nam bước qua đại dịch, cùng nhau khôi phục, phát triển kinh tế.
Ngày nay, nhiều người con quê hương Sầm Sơn đang học tập, lao động, công tác tại miền Nam, được đồng bào miền Nam dành cho những tình cảm thân thương, đặc biệt. Đáp lại tình cảm ấy, những người con Sầm Sơn ở những vị trí công tác, ngành nghề khác nhau, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại quê hương thứ 2 - miền Nam ruột thịt.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân Sầm Sơn đang ra sức thi đua học tập, lao động, sản xuất, lập thành tích thiết thực chào mừng ngày kỷ niệm. Đây là một trong những tiền đề, động lực để Sầm Sơn tiếp tục phát triển, vươn cao, bay xa, trở thành thành phố du lịch thông minh, giàu đẹp, hấp dẫn, thân thiện, xứng đáng với kỳ vọng của tỉnh, của cả nước trong đó có đồng bào miền Nam ruột thịt dành cho mình.
TP Sầm Sơn
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-23 11:23:00
Trọn nghĩa, vẹn tình Bắc Nam ruột thịt
Phát huy tinh thần của Nhân dân Thanh Hóa trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Bối cảnh đất nước và ý chí, khát vọng thống nhất Tổ quốc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954
Phụ nữ Thanh Hóa với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Lạch Hới - bến cảng lịch sử
Vai trò của Trung ương Cục Miền Nam trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tập kết, chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc, năm 1954-1955
Những tư liệu, hiện vật quý về đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đối với học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc
Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc 1954-1975 là hình ảnh của nước Việt Nam thống nhất
Kỷ niệm của tôi với Đoàn văn công Liên khu V cách đây 70 năm